Phóng sự

Hoa đã nở bên kia triền dốc

11:13, 13/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
"Nếu ngày ấy có một đứa con, thì tôi đã chẳng lấy ông nhà bây giờ". Nhìn lên di ảnh chồng cũ, bà Trần Thị Tuyến gợi mở ký ức đau thương thủa xuân thì. Người chồng hiện tại nhìn bà âu yếm, cảm thông. Ông chưa một lần trách mắng, hờn ghen khi bà nhớ về người xưa. 12 năm ròng rã, ông một mình chạy xe ôm, chăm sóc ba đứa con. Ông chấp nhận để vợ đi tìm hài cốt chồng cũ. Nếu ông này còn sống, ông sẵn sàng trao trả lại vợ.
 
Liệt sĩ trở về
 
Hơn 40 năm qua, ông Phan Văn Lục (80 tuổi, ngụ Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vẫn lặng lẽ ở phía sau, động viên, ủng hộ vợ đi tìm chồng cũ. "Bà cứ đi đi, con cái để tôi lo". Ông luôn nói với bà câu ấy. Hơn ai hết, ông hiểu được nỗi mất mát quá lớn của vợ, khi mất đi người chồng đang đầu ấp tay gối. Bản thân ông cũng từng hai lần chết đi sống lại bởi chiến tranh.
 
Tuổi thanh xuân, chàng thanh niên quê Hà Tĩnh Phan Văn Lục hăm hở khoác ba lô vào chiến trường. Ông có mặt từ rất sớm tại mặt trận Bình Phước, tham gia trực tiếp vào những trận đánh khốc liệt nhất giai đoạn 1967 - 1968. Năm 1968, ông bị đích bắt, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Chúng tra tấn ông dã man.
 
Chuỗi ngày bị giam cầm là sự lặp lại của đòn roi, ông ngất đi tỉnh lại liên miên. Rồi một lần ông đã không tỉnh lại. Bọn cai ngục nghĩ ông đã chết nên lôi xuống nhà xác. Một bác sĩ người Mỹ đeo lon đại uý bước vào, hỏi cai ngục: "Người tù số 305 ở đây đâu rồi"?. Chúng chỉ tay xuống nhà xác. Vị bác sĩ bước vào, giữa hàng chục thi thể đã được trùm vải trắng, ông ta lật tấm vải ra, đặt tay lên ngực người tù.
Ông Phan Văn Lục trước hài cốt liệt sĩ Vũ Đình Cốt (chồng cũ của vợ).
Ông Phan Văn Lục trước hài cốt liệt sĩ Vũ Đình Cốt (chồng cũ của vợ).
Cơ thể vẫn còn nóng, vị bác sĩ tiêm liền cho ông hai mũi, sau đó ra hiệu cho y tá đưa "tử thi" trở lại buồng giam. Xong, bác sĩ gặp tên cai ngục đã tra tấn người tù số 305, mắt ông ta trợn trừng. Ông ta tát một cái trời giáng vào mặt kẻ tra tấn. Ông ta ra lệnh từ nay không được đụng đến người tù đó rồi dặn dò y tá mỗi ngày phải tiêm cho người tù ấy 2 mũi tiêm.
 
Sự sống cầm cự bằng những liều thuốc trợ lực của đội ngũ bác sĩ trại giam, những khi thoi thóp tỉnh, ông hé mí mắt ra nhìn lên trần nhà lao. Đồng đội của ông vẫn bị tra tấn, nhưng họ không quên chăm sóc ông. Họ bón cho ông từng giọt cháo, mớm cho ông từng giọt nước, nhường ông từng miếng áo rách làm chăn. Ba tháng sau, Phan Văn Lục dần hồi tỉnh, bắt đầu nhận thức được sự sống. Bọn cai ngục không dám tra tấn ông nữa, chúng nhìn ông có vẻ dè chừng. Lúc này, ông bắt đầu tìm hiểu người bác sĩ bên kia chiến tuyến là ai? Nhưng ông ấy mãi mãi là ẩn số.
 
Năm 1973, ông Lục là một trong hàng trăm tù nhân bị chế độ Mỹ - ngụy dồn lên máy bay chở ra biển đổ. Chuyến bay dừng ở Đà Nẵng đợi lệnh. Lúc này, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đấu tranh gay gắt đòi trả tự do cho các tù nhân. May mắn lần thứ hai đã mỉm cười với ông, chuyến bay ra biển đã không được cất cánh, ông được trả tự do theo Hiệp định Paris.
 
Mang trên mình những thương tật không bao giờ lành, Phan Văn Lục trở về nhà, thấy di ảnh của mình nằm trên bàn thờ, hương khói nghi ngút. Nghe tiếng gọi, mẹ ông không dám mở cửa, ngỡ rằng hồn ma của con. Bà dụi mắt nhiều lần vẫn không tin đó là sự thật. Ông lao vào lòng mẹ, hai mẹ con ôm nhau khóc. Do bị thương tật quá nặng, ông Lục không quay trở vào chiến trường nữa.
Di ảnh và hài cốt liệt sĩ Cốt.
Di ảnh và hài cốt liệt sĩ Cốt.
 
"Lấy anh nhưng em vẫn đi tìm chồng"
 
Một đồng đội cũ kể cho ông nghe về hoàn cảnh của người phụ nữ tên Trần Thị Tuyến, kém ông đúng 10 tuổi, quê ở Nghĩa Hưng (Nam Định), đang sống mòn mỏi chờ chồng trở về (khi ấy có tin chồng bà Tuyến đã hy sinh). Cảm động quá, ông Lục bảo bạn dẫn qua xem thế nào. Buổi gặp đầu tiên, vừa nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của bà Tuyến, Phan Văn Lục nghĩ thầm trong bụng: "Cô ấy sẽ là vợ mình". Vỏn vẹn 30 phút, ông trả lời đúng 3 vấn đề của bà Tuyến.
 
Nếu lấy anh, em vẫn đi tìm chồng cũ. Kể cả sau này có con cái mà chồng em về thì em sẽ về với chồng. Lấy em, anh phải tôn trọng gia đình em, tôn trọng những người thân của em. Ba điều kiện ấy được ông Lục đồng ý ngay mà không cần suy nghĩ. Ông hiểu được sự giằng xé của bà Tuyến. Đồng ý lấy bà, ông xác định sẽ bù đắp nỗi đau cho vợ. Ông Vũ Đình Cốt (chồng bà Tuyến) là lứa đàn em của ông, cùng chiến đấu ở Sư đoàn 7 tại mặt trận Bình Phước. Mỗi người một nhiệm vụ, cho đến lúc ông Cốt hy sinh, họ chưa một lần giáp mặt nhau.
Bà Tuyến thanh thản trước anh linh chồng cũ.
Bà Tuyến thanh thản trước anh linh chồng cũ.
Người chồng mới hết lòng yêu thương vợ, ông luôn dành phần khó nhọc về mình. Còn bà Tuyến, vì quá nhớ thương chồng cũ nên trong thâm tâm, bà vẫn không tin chồng mình đã hy sinh. Bà luôn hy vọng, luôn tin tưởng vào sự trở về của chồng. Lấy ông Lục rồi, bà Tuyến vẫn nhắc về ông Cốt, kể cả trong giấc ngủ, trong những cơn mơ. Nhiều lúc bà buột miệng: "Nếu ngày đó mà có đứa con thì tôi đã chẳng lấy ông nhà bây giờ". Ông biết và chưa bao giờ hờn ghen vì điều đó.
 
Chiến tranh kết thúc, bà Tuyến không ngừng ngóng về chồng cũ. Bà đi khắp nơi dò la tin tức của các đồng đội. Họ khẳng định rằng, ông Cốt đã hy sinh và được chôn cất tại dốc cầu Bà Hành (Lộc Hoà - Lộc Ninh - Bình Phước), giấy báo tử đã gửi về quê nhà. Bà đừng mong chồng mình còn sống nữa, hãy an phận với gia đình mới. Nhưng bà không tin. Bà luôn có một sự linh cảm nào đó thôi thúc đi tìm ông Cốt. Những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con quay cuồng trong thiếu thốn. Ông Lục đi chạy xe ôm, bà ở nhà chăm con.
 
Dẫu có thiếu thốn thì nỗi nhớ về chồng cũ luôn ngự trị trong lòng bà Tuyến. Nhờ những người đồng đội chỉ địa điểm, bà một mình lặn lội về Bình Phước. ''Sống phải thấy người, thác phải thấy xương", cái ý nghĩ ấy quẩn quanh trong đầu bà. Bà xách túi đi về rừng, bà đi như "mò kim đáy biển".
 
Ông Lục ở nhà vừa chạy xe ôm, vừa lo cho ba đứa con sinh hoạt, học hành. Ông cam chịu điều đó, vui vẻ để vợ hoàn thành tâm nguyện. Ông nói: "Vẫn biết là khó lắm, sẽ chẳng tìm ra đâu. Nhưng đã hứa với vợ rồi, hơn nữa đó cũng là đồng đội của mình. Thật ra tôi cũng muốn đi cùng vợ, nhưng vướng con cái và trăm nỗi lo gia đình. Để bà ấy đi, tôi thanh thản nhưng lo lắng lắm".
 
Bà Tuyến không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần khăn gói lên Bình Phước. Hễ ai có tin gì, dù mong manh thôi bà cũng đi. Bà ăn bờ ngủ bụi, dầm dề mưa nắng từ cánh rừng này qua quả đồi nọ. Có đoàn cựu binh Mỹ từng tham chiến tại mặt trận Bình Phước biết được câu chuyện về người phụ nữ đi tìm hài cốt chồng cũ, đã cảm động sang tận Việt Nam giúp sức cùng bà. Họ cung cấp các tấm bản đồ trận đánh, từng vị trí, rất chi tiết.
 
Nhưng hơn 40 năm rồi, tất cả đã đổi thay. Rừng không còn, đồn bốt cũng không, giờ chỉ có sự sống thanh bình của bà con bản địa. Dù thế, bà Tuyến vẫn chưa một lần từ bỏ ý định. Có đôi lúc mệt mỏi, chán nản, bà quay về rồi chỉ vài ngày lại nôn nóng muốn đi. Bà bảo: "Thật ra lúc nào tôi cũng nghĩ về chồng cũ. Từ ngày biết tin anh ấy hy sinh là năm 1968. Trên 40 năm rồi còn gì. Nhưng chính thức lao vào cuộc tìm kiếm thì bắt đầu từ năm 2002. Tôi đi theo niềm tin tâm linh, mặc dù chẳng biết đâu mà tìm".
 
"Cuộc đời tôi mãi mãi dành cho hai người đàn ông"
 
Năm 2014, nhận được tin báo của người dân, gia đình bà Tuyến phối hợp với Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phía Nam, nhà ngoại cảm, anh em đồng đội đã về Bình Phước. Lần này thì ông Lục cũng đi theo vợ. Sau một ngày ròng rã định vị tìm kiếm, đào bới, cuối cùng phần mộ liệt sĩ Vũ Đình Cốt đã được tìm thấy, còn nguyên vẹn trong thùng đựng đạn. 
Vợ chồng ông Lục, bà Tuyến (thứ hai, thứ ba từ phải qua) trong lần cùng nhau đi tìm hài cốt liệt sĩ Cốt.
Vợ chồng ông Lục, bà Tuyến (thứ hai, thứ ba từ phải qua) trong lần cùng nhau đi tìm hài cốt liệt sĩ Cốt.
Bà Tuyến vỡ òa cảm xúc. Bà vẫn còn nhận ra chiếc răng cửa của chồng cũ, chiếc hộp quẹt ông mang theo trước ngày lên đường. Sau 12 năm lăn lội kiếm tìm, giờ thì bà Tuyến đã thanh thản. Hài cốt liệt sĩ Cốt được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở Nam Định. Còn bà Tuyến xin được phóng to tấm hình chồng cũ cất trong một góc phòng để lâu lâu lấy ra ngắm. Thấy vậy, ông Lục cho đóng khung rồi mang ra bàn thờ lớn trước nhà thờ cho danh chính ngôn thuận, năm nào ông cũng đứng ra làm giỗ cho ông Cốt.
 
Nhìn di ảnh chồng cũ của vợ, ông Lục nghẹn ngào: "Vợ tôi đã mãn nguyện thì tôi cũng hạnh phúc. Tôi luôn coi ông ấy là người em trong gia đình. Dù sao thì chúng tôi cùng yêu và lấy một người phụ nữ. Chiến tranh mà, không ai muốn vợ chồng chia ly cả".
 
 Bà Tuyến lại rưng rưng muốn khóc: "Tôi vui lắm, không còn trăn trở gì nữa. Nhưng nhiều khi vẫn thấy tủi thân, nhớ thương anh ấy lắm. Ông nhà bây giờ lại động viên. Các con hiểu, chúng lúc nào cũng an ủi mẹ vui vẻ mà sống. Giờ thì tất cả đã thỏa nguyện rồi, cuộc đời tôi mãi mãi dành cho hai người đàn ông".

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác