Phóng sự
Ở nơi phụ nữ cứ sểnh ra là 'mất tích'
14:33, 24/03/2015 (GMT+7)
Chưa bao giờ tình trạng phụ nữ bị dụ dỗ lừa bán diễn ra ở nhiều nơi như khoảng chục năm trở lại đây. Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đặc biệt là xã Chiêu Lưu cũng không ngoại lệ. Nỗi đau ấy đã khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh éo le, nhiều người đàn ông vướng cảnh ''cơm niêu nước lo'', nuôi con một mình.
Muôn kiểu… "bốc hơi"
Miền Tây xứ Nghệ rộng miên man. Riêng huyện Kỳ Sơn đã lớn gấp hơn hai lần tỉnh Bắc Ninh. Giờ đường sá đã thuận tiện hơn trước, kinh tế khá hơn, nhưng nỗi vất vả, lạc hậu vẫn ám ảnh bà con. Đặc biệt, nhiều bản phải đối mặt với tình trạng phụ nữ, thiếu nữ bị lừa bán, bị dụ dỗ đi lấy chồng hoặc làm ăn bên Trung Quốc.
Rất nhiều xã có tình trạng thiếu nữ bị lừa bán như Keng Đu, Nặm Cắn, Tà Cạ…, trong đó xã Chiêu Lưu nóng hổi nhất, trong gần chục năm qua đã có 230 phụ nữ với tuổi đời từ 14 đến 26 rời khỏi địa phương. Ông La Đức Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: "Đây là vấn đề nhức nhối ở địa phương, đến nay vẫn chưa có phương án hữu hiệu để giải. Trước mắt vẫn chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Ở đây, nhiều nhất là bản Lưu Tiến, đến hơn 60 phụ nữ đã mất tích".
Bản Lưu Tiến heo hút, cheo leo. Những nếp nhà sàn nhỏ bé cảm giác cũng gầy xiêu vẹo. Đám trẻ con nhem nhuốc ngước mặt nhìn khách rồi chợt sững lại, lủi ra chỗ khác vì xấu hổ. Tôi được anh Cụt Văn Giang, Phó trưởng bản Lưu Tiến dẫn đến nhà em Moong Thị Hà, một nạn nhân từng bị lừa sang Trung Quốc. Đến bây giờ, Hà vẫn không quên được những giây phút đấu tranh tâm lý để có thể thoát được.
Cô bé cho biết, đã bị một người lạ lừa rồi đưa sang đến biên giới Trung Quốc năm 12 tuổi. Lúc đó, cô chỉ biết ao ước được đến thế giới sung sướng, nhàn hạ mà các đối tượng "vẽ" ra. Đến khi thấy bị trao đi đổi lại, cô đã tìm cơ hội, lợi dụng chỗ đông người nơi cửa khẩu, tri hô rồi trốn thoát. Anh Moong Văn Thắng, bố của Hà nói: "Vậy là may mắn lắm. Cháu đã lấy chồng rồi. Ở xã, giờ hiếm phụ nữ lắm. Cháu nó lớn lên một chút là có người hỏi ngay!".
Nhiều đứa trẻ thiếu bàn tay người mẹ chăm sóc. |
Theo lời giới thiệu của anh Cụt Văn Giang, bản Lưu Tiến chủ yếu là người Khơ Mú, sinh sống bằng nghề làm rẫy. Cả bản có 146 hộ thì hơn một nửa là hộ nghèo. Và hơn 60 phụ nữ mất tích, bị lừa bán, chỉ có 11 người có cơ hội tìm về bản. Còn những người khác, người ít thì đã đi vài tháng, người nhiều cả chục năm, đến giờ vẫn chưa có liên lạc gì với gia đình. Một số khác có liên lạc, nhưng là để… tìm thêm người sang.
Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, Đại tá Nguyễn Văn Đề thừa nhận, tệ nạn buôn bán người trên địa bàn hiện rất phức tạp. Năm 2014, Công an địa phương đã đấu tranh, triệt phá 7 vụ, bắt giữ 9 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân.
Cũng theo ông Đề, các đối tượng xấu có nhiều thủ đoạn tinh vi hòng kéo được nhiều trẻ em nữ, phụ nữ sang xứ người. Chúng thường dụ dỗ đi làm sướng, thậm chí không phải làm cũng có ăn, rồi có những công ty "hoành tráng" trả lương cao. Những điều đó đánh vào sự cả tin, cộng với cuộc sống nghèo đói của bà con, nên kẻ xấu dễ dàng đạt được ý đồ. Một số kẻ đặt cọc một khoản tiền khá lớn cho gia đình nạn nhân. Trong cảnh nghèo túng, các phụ huynh lấy đó làm vui sướng, đã tự nguyện để con gái đi theo người lạ.
Những bản làng hoang vắng
Sau bản Lưu Tiến, các bản La Ngan, Lưu Thắng cũng có tới hơn 40 trẻ em gái, phụ nữ mất tích. Sự việc đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó. Hơn thế, nhiều người phụ nữ có con, có người có tới 7 con cũng ra đi bọn trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ nên đã nhem nhuốc càng trở nên bẩn thỉu hơn.
Những ngôi nhà, vắng bóng phụ nữ trở nên hoang lạnh, nhiều căn bếp không được nhóm lửa. Thậm chí, người đàn ông ở căn nhà đó cũng chán đời mà bỏ đi lang bạt. Điển hình như ông Cụt Phò Sang (bản Lưu Tiến) đang phải nuôi mấy đứa cháu do mẹ chúng bị lừa. Ông vừa khóc vừa kể, cô con dâu của ông bị lừa sang Trung Quốc năm 2011 thì năm sau, chính con gái của ông là Cụt Thị My cũng mất tích, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.
Con cái của chúng đều do chồng chăm, rồi chồng chán, bỏ con, việc lại đến tay ông Sang. Con trai ông Sang cũng bỏ đi, nghe đâu xuống thành phố Nghệ An làm thuê từ ngày vợ mất tích, đến nay cũng chẳng chịu về nhà. "Giờ người khỏe đi cả, chỉ còn tôi và bà ấy chăm sóc bọn ni. Khổ không gì bằng! Nếu không có chuyện gì xảy ra thì vợ chồng chúng tôi đã thoải mái mà lên nương rồi", ông Sang thở dài.
Ông Cụt Phò Sang tâm sự về hoàn cảnh và sự mất tích của các con. |
Một hoàn cảnh khác cũng đáng thương không kém là gia đình ông Cụt Văn Lành, sinh được 3 cô con gái thì 2 cô không may đã bị lừa bán, đến nay không có tin tức gì. Còn cô út, năm 2013 cũng bỏ đi, dẫu gia đình đã hết sức cảnh giác. Giữa lúc gia đình tá hỏa đi tìm thì may thay, một tuần sau, cô ở đâu mò về.
Tôi tiếp tục được dẫn sang khu nhà anh Lương Văn Năm ở bản Lưu Thắng. Trước mắt chúng tôi, giờ đây nơi này chỉ còn là cái xác nhà mục nát, xung quanh cỏ mọc um tùm. Hỏi ra, hộ anh Năm nghèo nhất bản. Hai vợ chồng có bốn con, năm 2008, anh Năm bị bệnh, thường phải nằm liệt giường. Ngôi nhà được làm hỗ trợ cũng phải bán đi để chữa bệnh.
Quá nghèo và khổ, năm 2010, chị Lương Thị Hoa, vợ anh Năm đã bỏ đi không về nữa. Vài tháng sau, thằng con trai lớn của anh bỏ đi. Anh qua đời sau đó không lâu. Rồi ác nghiệt thay, ba đứa con gái mới 7, 9 và 12 tuổi cũng bỏ đi trong sự khó hiểu của bà con dân bản.
Ông Cụt Văn Tiến - Trưởng bản Lưu Tiến cho hay: "Do nhiều phụ nữ không còn ở bản nên những năm nay, nhiều gia đình chỉ còn đàn ông và trẻ em. Kẻ xấu thường nhắm vào các thiếu nữ, những em đang tuổi mới lớn, xinh xắn. Nếu cứ tình trạng này thì sẽ thiếu phụ nữ lắm, sẽ chẳng còn phụ nữ cho đàn ông lấy về làm vợ!".
Tôi hỏi ông Tiến về nguyên nhân, ông nói: "Tất cả người dân chúng tôi là dân tộc Khơ Mú, trình độ nhận thức rất hạn chế. Họ cũng cả tin, lại vướng trong nghèo đói nên dễ bị lợi dụng".
Những giải pháp cần thiết
Theo tìm hiểu, rất nhiều đối tượng từng là nạn nhân của tệ nạn buôn, bán người ở Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An), rồi sau đó hám lợi, trở thành kẻ xấu vừa tiếp tay, vừa trực tiếp dính vào con đường phạm tội. Có thể kể đến các đối tượng là Lô Thị Hợi ở xã Yên Hòa và Vi Thị Pồn ở xã Xiềng My (huyện Tương Dương). Pồn và Hợi từng là nạn nhân của bọn buôn người, sau khi bị bán qua Trung Quốc làm vợ xứ người, Pồn và Hợi quay về miền Tây Nghệ An và trở thành những đối tượng buôn người chuyên nghiệp, đã lừa bán 4 phụ nữ xinh xắn.
Với câu hỏi, làm sao để cải thiện tình hình nhức nhối này, ông La Đức Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho rằng, phải kết hợp nhiều cách. Nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần, cũng như nhận thức của bà con. Nếu vì sự vận động, tự nguyện ra đi để thoát nghèo rồi sang đó phải lao động nặng nhọc, bị ép bán dâm thì đúng là rất khó xử lý".
Vắng phụ nữ, bản Lưu Tiến cũng trở nên hoang vắng. |
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn bày tỏ: Thủ đoạn của bọn lừa đảo, buôn bán người rất tinh vi, chúng trao đổi qua nhiều trung gian khác nhau để qua mắt cơ quan chức năng. Bởi thế, cần sự phối hợp từ chính các gia đình, đến trưởng bản, Công an địa phương, đồn biên phòng một cách chặt chẽ, có vậy mới đẩy lùi được tệ nạn này.
Rời những bản nghèo, xã Chiêu Lưu, những ánh mắt ngây thơ đầy mong mỏi của các em nhỏ thiếu vắng mẹ ám ảnh tôi. Những ông chồng ôm con, cố thắp lửa cho căn bếp găm vào tim tôi, đau nhói. Nhớ thương vợ, nhưng chẳng biết giờ vợ ở đâu và đợi chờ trong bất lực. Hẳn là họ vẫn từng ao ước, giá đừng có những tai họa ấy giáng xuống gia đình mình.
Nguồn: Cand.com.vn