Phóng sự

Hành trình trở về của những phụ nữ trót sa chân 'lưới quỷ'

09:33, 17/03/2015 (GMT+7)
Bằng thủ đoạn vẽ ra viễn cảnh về một cuộc sống sung sướng, công việc thu nhập cao, các đối tượng xấu đã phỉnh phờ, dụ dỗ nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin sa vào bẫy buôn người. Khi họ được cơ quan chức năng giải cứu, hoặc trốn thoát khỏi "lưới quỷ" thì mọi chuyện đã muộn màng…
 
Tâm sự của những phụ nữ trở về
 
Nghe chúng tôi có ý định tìm hiểu về số phận những phụ nữ từng trở thành món hàng của các đối tượng buôn bán người, một cán bộ Sở LĐ,TB-XH tỉnh Quảng Trị bộc bạch: "Đây là vùng kí ức các chị ấy muốn chôn chặt nhất. Vì thế, họ rất khó mở lòng với báo giới".
 
Quả đúng như vậy, đáp lại thiện chí của chúng tôi là dòng nước mắt và những cái lắc đầu chua xót. Thuyết phục mãi, một số chị mới ngập ngừng đồng ý chia sẻ câu chuyện đời mình, với mong muốn sẽ không còn cô gái trẻ nào nhẹ dạ, cả tin để rồi rơi vào nanh vuốt quỷ dữ như trường hợp của họ.
 
Chị N.T.Th. (trú tại xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) gầy còm, da xanh như tàu lá. Mỗi lần kể chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc, hai hàng nước mắt lại chảy dài trên gương mặt rám nắng, khắc khổ. Đó là năm 1997, đứa con thứ 5 của chị Th. mới 1 tuổi. Nghèo khổ đeo bám nên chị như người sắp chết đuối vớ được cọc khi nghe một phụ nữ lạ, tên là Lan, dụ dỗ.
 
"Bà ấy hứa đưa tôi ra Hà Nội phụ bán hàng ăn, lương tháng 500 ngàn đồng. Nghe thế, tôi bấm đốt tay nhẩm tính, với số tiền này, mỗi tháng tôi có thể gửi về cho chồng 300 ngàn đồng để lo liệu việc nhà, số còn lại thì tiết kiệm làm vốn sau này", chị Th. bảo.
 
Chị H. kể lại câu chuyện bi thảm của mình khi sa vào
Chị H. kể lại câu chuyện bi thảm của mình khi sa vào "lưới quỷ"
 
Và, chuyến khăn gói đi xa, ngoài chị Th. còn có 5 người khác gồm: mẹ con bà M., bà S., hai chị T. và H. Lúc ra tới Hà Nội, các chị gặp bà Lan và được mời cơm nước chu đáo. Sau đó, họ được đưa lên chiếc ôtô 25 chỗ và tài xế chở họ đi lòng vòng khắp các trục đường. Mệt lả, ai nấy đều thiếp đi.
 
Khi tỉnh dậy, các chị hoảng loạn vì thấy biển hiệu hai bên đường toàn chữ Trung Quốc. Xe dừng, một toán đàn ông bặm trợn trèo vội lên xe, dùng hung khí khống chế họ, rồi áp giải mỗi người một ngả. Riêng chị Th. bị bán cho một gia đình nông dân ở tỉnh Cao Châu, Trung Quốc.
 
Từ đó, chị phải làm việc như trâu, ngựa và nuốt nước mắt "phục vụ nhu cầu" cho một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Nỗi nhớ chồng con giày xéo tâm can chị từng giây phút. Cứ thế, ba năm ròng sống trong khổ ải, chị mới trốn được về quê. Giọng run lên vì xúc động, chị nói: "Ở Trung Quốc, riêng cái xóm nhỏ nơi tôi sống, có 10 chị em người Việt đồng cảnh ngộ. Về phần số chị em bị lừa bán cùng đợt với tôi, có người đến giờ vẫn bặt vô âm tín"…
 
Hầu hết nạn nhân của các vụ buôn bán người đều có gia cảnh nghèo khó. Nắm bắt "yếu huyệt" đó, các đối tượng xấu vẽ ra trước mắt họ viễn cảnh về một công việc như mơ. Suốt đời quẩn quanh sau lũy tre làng, không được ăn học đến nơi đến chốn, chị em dễ dàng rơi vào bẫy. Chị H. (trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) rơi vào "bẫy quỷ" lúc mới 16 tuổi. Chị có người bạn tên Loan "thoát ly" quê một năm trước và ngày trở về hoàn toàn lột xác. Loan ăn vận như "người mẫu" và tiêu tiền rất phóng khoáng.
 
Bày tỏ sự "cảm thông" với hoàn cảnh "khổ không ngẩng mặt lên được" của gia đình chị H., Loan bày chị liên lạc với bà Hà để được giới thiệu việc làm. Trước lời dụ dỗ ngon ngọt, chị H. nhẹ dạ trốn bố mẹ ra đi. Đến khi vào nghỉ ở khách sạn, vô tình nghe cuộc điện thoại của bà Hà, chị H. mới ngã ngửa vì biết mình được xem là "món hàng", sắp sửa bị bán sang Trung Quốc.
 
Dẫu vậy, chị chẳng thể xoay xở gì, vì bị canh gác rất cẩn mật. Hôm sau, bà Hà đem chị H. đi sắm áo quần, trang sức rồi giao cho một người đàn ông đứng tuổi. Chị bị ép bán trinh ngay đêm hôm đó. Sau cuộc truy hoan ê chề, cô bé 16 tuổi quỳ gối, xin người đàn ông già nua một lối thoát: "Cháu bị người ta lừa. Xin chú cho cháu ít tiền và chỉ đường cho cháu về nhà". Động lòng trắc ẩn, ông ta cho chị H. 500 ngàn đồng, bày cho cách chạy trốn. Sau mấy ngày vạ vật, chị mới về đến nhà. H. ngã gục trong vòng tay bố mẹ, khóc như chưa từng được khóc…
 
Ngoài những lời hứa ngon ngọt về công việc lý tưởng, có nhiều con đường khác đẩy chị em vào "lưới quỷ" như: Làm quen qua mạng và rủ đi du lịch, buôn bán; bố trí các nam thanh niên tán tỉnh rồi lừa đảo; lợi dụng mối quan hệ họ hàng thân tộc, bạn bè… Cá biệt có trường hợp từng là nạn nhân, sau đó quay lại trở thành thủ phạm trong các vụ mua bán người qua biên giới.
 
Trách nhiệm không của riêng ai…
 
Tỉnh Quảng Trị có vị trí thuận lợi cho việc thông thương trong và ngoài nước, đặc biệt là đường biên giới tiếp giáp Lào. Tuy không diễn biến phức tạp như ở tuyến biên giới Việt - Trung, Việt Nam - Campuchia, nhưng nạn buôn bán người ở địa phương tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cùng với sự nhẹ dạ, cả tin của chị em, bọn tội phạm đã lừa phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc để bán cho các gia đình hoặc đưa vào "động quỷ".
 
Bên cạnh đó, không ít trường hợp, nạn nhân bị đem sang Lào, bán cho tụ điểm mại dâm ở các trung tâm đô thị; hoặc khu du lịch như: Viên Chăn, Chăm Pa Sak (Lào). Một số được "dàn xếp" xuất cảnh sang Thái Lan, trở thành "món hàng đẻ ra tiền" của chủ chứa. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ,TB-XH tỉnh Quảng Trị, từ năm1994 đến nay, trên địa bàn có 30 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sáng Trung Quốc.
 
Ở tuyến biên giới Việt - Lào, lực lượng chức năng hiện vẫn chưa xác định một cách đầy đủ, cụ thể số lượng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên, con số ấy chắc chắn không chỉ dừng lại ở đó. Họ "xuất ngoại", làm nhiều công việc khác nhau như: tiếp viên nhà hàng, nhân viên khách sạn, cơ sở massage, cắt tóc, gội đầu… Nếu khách có nhu cầu mua bán dâm, các phụ nữ này sẽ phục vụ từ A đến Z.
 
Có không ít phụ nữ thoát khỏi
Có không ít phụ nữ thoát khỏi "lưới quỷ" trở về gặp phải gia cảnh khốn khó
 
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 6 nhóm đối tượng thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài; trong đó, 5 vụ đưa người sang Trung Quốc (10 đối tượng) và 1 vụ đưa sang Lào (2 đối tượng). Các đối tượng buôn bán người thường sử dụng nhiều phương thức với thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, công tác thu thập chứng cứ, điều tra gặp vô vàn khó khăn.
 
Từ năm 2009 đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 45 vụ việc nghi liên quan đến mua bán người, với 73 đối tượng tình nghi. Tuy nhiên, vì thiếu chứng cứ nên lực lượng chức năng chưa thể làm rõ hành vi mua bán người mà chỉ khởi tố các tội danh khác. Thực tế đáng quan ngại khác đang diễn ra là một bộ phận người dân "liều mạng" đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thông qua các đường dây trái phép, chưa rõ mục đích.
 
Được biết, những năm gần đây, có 18 phụ nữ ra nước ngoài theo hình thức này. Trong đó, có 12 người đi lao động ở Trung Quốc, 2 ở Lào, 1 ở Đức, 1 ở Pháp, 1 ở Nga và 1 ở Đài Loan. Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và bắt 1 đối tượng đưa, đón 119 lao động trú tại thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải (huyện Gio Linh) sang Trung Quốc lao động. Nguy cơ người xuất ngoại bất hợp pháp bị bắt làm việc trong điều kiện dưới chuẩn, cưỡng bức lao động, hoặc trở thành hàng hóa hoàn toàn có thể xảy ra...
 
 Được biết, tội phạm buôn bán người thường câu kết chặt chẽ, thậm chí bắt tay với đối tượng ở nước ngoài. Chúng tạo thành một đường dây kín kẽ, bài bản từ việc tìm người, vận chuyển, chứa chấp đến giao bán. Trong quá trình gây án, các đối tượng xấu thường sử dụng nhiều tên họ khác nhau; thuê bảo kê, côn đồ, sử dụng hung khí; luôn tìm cách lợi dung sơ hở của lực lượng chức năng…
 
Trong khi đó, ở nhiều miền quê, nhu cầu tìm việc làm của người dân khá lớn. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt, một số người lẳng lặng bỏ đi. Đến khi gia đình phát hiện ra, chính quyền địa phương được thông báo thì đối tượng xấu đã dẫn dụ nạn nhân đi xa.
 
Trung tá Hồ Văn Tấn, Phó trưởng Phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Quảng Trị, bày tỏ: "Hiện nay, ngoài tuyên truyền, vận động, chúng tôi thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống nạn mua bán người như: Tích cực điều tra phá án; phối hợp với Toà án, Viện Kiểm sát để xử một số vụ án điểm nhằm răn đe, cảnh báo; thường xuyên tìm hiểu, theo dõi hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tư vấn người đi xuất khẩu lao động; quản lý tốt công tác xuất khẩu lao động, thăm thân, du lịch; bảo vệ nạn nhân trở về…
 
Đặc biệt, Công an tỉnh còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương quản lý số phụ nữ, trẻ em thường xuyên xuất ngoại làm ăn; tìm hiểu lí do dẫn đến việc chị em nào đó vắng mặt ở quê trong thời gian dài; thăm hỏi, động viên, xác minh thông tin về các nạn nhân bị buôn bán, chưa trở về địa phương…
 
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của Công an tỉnh Quảng Trị cũng cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể xã hội và người dân mới có thể ngăn chặn triệt để nạn buôn bán người; truy bắt, đưa bọn buôn người ra xử lý nghiêm theo pháp luật".
 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác