Phóng sự

'Chảy máu' nhà sàn, nỗi lo bê tông về bản

15:18, 22/03/2015 (GMT+7)
Theo quốc lộ 15C từ huyện Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, rồi sang tận Mai Châu, Hòa Bình, đâu đâu cũng có nhà sàn của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, những nếp nhà sàn ấy đang dần mất đi để nhường chỗ cho những mái ngói nằm xen kẽ. Thực trạng "chảy máu" nhà sàn đang diễn ra âm ỉ khiến cho nhiều người lo ngại.
 
Nhà sàn đang "chảy máu"
 
Mặc dù đã có "chế tài" sử phạt việc buôn bán nhà sàn trên các bản vùng cao, tuy nhiên người dân vẫn có thể lách luật, thậm chí qua mặt cán bộ kiểm lâm để vận chuyển nhà của mình sang các vùng lân cận.
 
Việc thương gia săn tìm, hay "chộp" được một ngôi nhà sàn vừa rẻ lại vừa đẹp là điều không quá khó. Hiện nhà bê tông đang diễn ra ở bản, vì muốn giữ lại bản sắc của dân tộc nên chúng tôi đã quyết định thâm nhập thực tế. Thông qua đây chúng tôi còn muốn tìm hiểu không gian sống của bà con trong chính ngôi nhà của mình.
 
"Xẻ dọc" quốc lộ 15C, chúng tôi rẽ vào một quán nước ở ven đường ngụ ý hỏi chuyện người dân về việc buôn bán nhà sàn. Bà chủ vừa rót nước vừa tâm sự: "Ở Thành Sơn (Bá Thước) vẫn có người bán đấy các cháu à, ai chuyển khẩu vào miền Nam thì họ mới bán. Nếu các cháu muốn mua nhiều thì cứ chạy xe lên làng Eo Kén, Phả Van, ở đó dân người ta bán nhiều lắm".
 
Theo bà chủ quán nước, hiện trong bản có 90% hộ dân sống ở nhà sàn. Nhà sàn ở đây chủ yếu được lợp bằng fibro - xi măng hoặc lá cọ. Giá trị của một ngôi nhà tương ứng theo chất lượng gỗ, chiều dài, độ cao và độ chắc chắn...
 
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái trên quốc lộ 15C
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái trên quốc lộ 15C
 
Đối với các cụ cao niên, ngôi nhà của họ còn được xem như một không gian sống có từ lâu đời. Chính vì vậy mà giá trị của nhà sàn không thể tính bằng tiền bởi nó còn chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đại diện cho một cộng đồng dân tộc. Bởi trong một ngôi nhà sàn sẽ có nhiều thế hệ cùng chung sống, từ ông ba,â cha mẹ đến con dâu, con rể.
 
Họ sống có quy tắc, có không gian riêng, mỗi không gian lại gắn liền với một văn hóa ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, những giá trị vô giá ấy đang dần mất đi để nhường chỗ cho các ngôi nhà ngói, trái ngược với cái vốn có của nó. Từ đó mà nhà sàn sẽ bị quên lãng, chỉ nay mai là nó sẽ không còn đọng lại trong tiềm thức của người dân.
 
Rời xa quán nước, chúng tôi vừa chạy xe vừa đau đáu suy nghĩ, bởi nhà sàn còn là sự kết tinh của trí tuệ và công sức rất nhiều người mới dựng được. Vượt lên một con dốc, chúng tôi thấy một ngôi nhà được lắp ráp bằng những cây cột vào nhau.
 
Biết có khách đến, anh Lò Văn Trọng ở thôn Bắng, xã Thành Sơn (Bá Thước - Thanh Hóa) liền mời chúng tôi vào nhà. Qua chén nước xã giao, anh Trọng tiết lộ: "Năm ngoái lúc tôi chưa dỡ xuống mà đã có khách trả 180 triệu đồng rồi. Đây là gỗ do tổ tiên để lại nên tôi không có ý định bán. Do nhà cũ nên tôi mới bảo thợ sửa lại và làm thêm gian cho đẹp".
 
Vào những năm 1980, các cột gỗ này được lấy trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bởi ngày xưa bà con tha hồ vào rừng đốn gỗ vì nhà nước chưa cấm. Ngày nay do nhà nước cấm, vì vậy để dựng được một ngôi nhà sàn ưng ý là một điều rất khó khăn, từ đó mà thương lái chơi nhà sàn cổ lại phải lặn lội lùng sục trong khắp các bản làng vùng cao. Hiện nhà anh Trọng có 15 cột trụ. Tính cả kèo, xà ngang, xà dọc, có khi phải lên đến cả trăm đoạn gỗ nối ghép. Lúc dựng nhà họ cần phải mượn 40 người đàn ông to khỏe, lực lưỡng.
 
Với người Thái xứ Thanh, họ cực kỳ quan trọng khâu chọn giờ để dựng nhà. Gia đình phải mời bằng được thầy cúng (người am hiểu địa lý của vùng đất) về để xem hướng nhà. Thông thường, đồng bào hay dựng nhà từ lúc 1 giờ sáng, vì lúc đó cũng là thời điểm chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới. Mấy chục năm về trước, mỗi khi dựng nhà, họ phải đốt đuốc vì sợ hổ vồ. Ngày nay đã có điện lưới về bản, bởi vậy mà việc muông thú rình rập cũng chỉ là chuyện kể xưa cũ.
 
Anh Trọng tâm sự: "Trên đây chủ yếu là nhà sàn, phong tục đã ăn sâu vào đời sống nhân dân rồi. Với lại khí hậu ở đây cũng không phù hợp để xây nhà, cứ từ tháng 10 đến tháng 2 (âm lịch) là sương mù dày đặc". Theo anh Trọng, ngôi nhà này có chiều dài là 14m, rộng 8m, cao 3m, được thiết kế 4 gian. Cột trụ là gỗ nhóm 3, đa số được làm bằng cây dổi, chưa phải loại gỗ quý. Nếu hoàn thiện xong thì giá trị của ngôi nhà phải lên đến 300 triệu đồng.
 
Cần giữ gìn văn hóa nhà sàn
 
Qua lời giới thiệu, hiện anh Đinh Phúc Phin đang muốn bán nhà do vợ muốn chuyển vào miền Nam sống. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp anh Phin nhưng phải gửi xe ở dưới quốc lộ mới lên nhà được. Từ đường nhựa lên đến nhà anh Phin cũng mất chừng 4km đường bộ, chủ yếu là dốc đá. Theo tập quán, nhà sàn của bà con thường dựng trên lưng đồi cao, thuận tiện nguồn nước. Do tập quán miền rừng nên mỗi khi trẻ nhỏ đi học là họ đều phải gửi xe đạp phía dưới đường nhựa, vì vậy mà cuộc sống của cư dân vẫn còn vất vả đủ thứ.
 
Nhà sàn của gia đình ông Lương Đình Yến đang muốn bán
Nhà sàn của gia đình ông Lương Đình Yến đang muốn bán
 
Lên đến nơi, tôi tìm vào nhà ông Lương Đình Yến ngụ ý muốn hỏi mua nhà anh Đinh Phúc Phin (hàng xóm), bà Miên (vợ ông Yến) trả lời: "Cháu Phin bán cách đây đã hơn một tháng rồi, nếu các cháu muốn mua thì cứ vào đây xem nhà tôi. Ông Yến đang muốn bán để chuyển xuống đường nhựa cho các cháu tiện đi học".
 
Tôi xem qua thì ngôi nhà khá rộng, chiều cao từ mặt đất lên sàn gỗ chừng 3,5m, nhà được lợp bằng lá cọ truyền thống, có ván gỗ bao bọc xung quanh. Cột trụ to và khá chắc chắn, bước vào trong nhà là không gian thoáng đãng bởi nền nhà được lát bằng ván, có màu đen bóng vì thời gian.
 
Thấy chúng tôi bước lên cầu thang, bà Miên vội lấy chiếu trải ra. Đến với bà con dân tộc nhiều nên chúng tôi luôn phải tuân theo những nghi lễ tiếp khách ở trong nhà. Nếu ai không biết những phép tắc ứng xử này thì gia chủ sẽ nghĩ mình vô lễ. Đầu tiên chúng tôi phải thăm hỏi ân cần để tạo sự hòa nhã, sau khi chủ đã rót nước thì chúng tôi mới dám ngồi xuống chiếu.
 
Khi hỏi chuyện buôn bán nhà sàn ở trong bản, bà Miên bảo: "Ở Kho Mường người ta cũng bán, chủ yếu là bán chui. Ở làng Bắng này người ta bán ít hơn. Nếu các cháu muốn mua nhiều thì vào làng Đông Điểng, vẫn có người bán đấy". 
 
Ngôi nhà của anh Lò Văn Trọng
Ngôi nhà của anh Lò Văn Trọng
 
Trò chuyện được một lúc chợt đứa cháu địu trên lưng bà Miên òa khóc. Có lẽ ngôi nhà sàn này đã sinh ra biết bao thế hệ ở trong nhà, tiếng khóc ngằn ngặt ấy khiến cho chúng tôi chợt nghĩ, liệu mai này những đứa trẻ kia lớn lên, chúng có còn nhìn thấy những ngôi nhà của dân tộc mình nữa hay không? Những phép tắc, lễ nghi trong không gian sống có còn giữ được nguyên vẹn?
 
Dẫn chúng tôi sang không gian bếp, bà Miên tâm sự: "Lò bếp này cũng là văn hóa ở trong nhà đấy các cháu à. Bếp lửa còn là nơi mẹ tôi kể lại chuyện cổ, cũng là nơi tâm tình của các chàng trai, cô gái Thái. Ngoài ra, bếp lửa còn là chỗ để sưởi ấm tình mẹ con trong mùa đông giá rét…".
 
Thông qua một góc bếp nhỏ mà nó đã chứa đựng rất nhiều điều ý nghĩa mang tính kết nối cộng đồng dân tộc. Theo bà Miên, một ngôi nhà đẹp như thế này sẽ được bán với mức giá từâ 60 đến 100 triệu đồng. Thời gian gần đây thường có thương lái ở Mai Châu (Hòa Bình) xuống đây săn nhà sàn để làm nhà nghỉ cho khách du lịch. Thậm chí vẫn có khách ở Hà Nội, Thanh Hóa mua để phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán. Cũng theo bà Miên, hiện trong khu vực này đã bán vài cái rồi.
 
Chia tay gia đình bà Miên khi trời đã xế trưa, nhìn xa xa vẫn thấy từng nóc nhà lợp lá cọ kiên cố. Khói bếp nhà ai lại bay lên len vào trong gió, chúng tôi tạm biệt cháu nhỏ và gia đình, chợt bà Miên gọi với theo: "Cháu tên là Lương Thị Hoài Thu, 9 tháng tuổi rồi đấy chú à". Bà Miên quay ngoắt vào nhà hát ru bằng tiếng Thái cho cháu ngủ. Những giọt nước dẫn từ khe đá về chum vẫn chảy róc rách, hòa lẫn giọng ru con cứ xa dần trong trí óc chúng tôi.
 
Ông Ngân Văn Giống, Phó Chủ tịch xã Thành Sơn, huyện Bá Thước cho biết: "Hiện ở xã Thành Sơn có 95% hộ dân sống ở nhà sàn. Xã lại nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, vì vậy mà việc bảo tồn nhà sàn luôn được chúng tôi chú trọng. Hiện trong địa bàn đang có hiện tượng "chảy máu" nhà sàn bằng việc các hộ dân chuyển khẩu vào miền Nam sinh sống.
 
Biện pháp đang được chúng tôi ngăn chặn việc "chảy máu" nhà sàn là phổ biến tuyên truyền cho bà con hiểu, đồng thời quán triệt và xử lý mạnh những trường hợp cố tình bán nhà. Tới đây chúng tôi tiếp tục kết hợp và tham mưu với Hạt Kiểm lâm xiết chặt việc vận chuyển mua bán nhà sàn trái phép".
 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác