Phóng sự

Thú rừng về phố

11:06, 01/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mỗi ngày, đoàn người đi bán thú rừng dạo từ các vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh tràn vào TP HCM, mang theo những hoang thú rừng xanh còn sống đang vùng vẫy, quằn quại trong giỏ lưới. Chúng được chào mời giữa thanh thiên bạch nhật, rao bán công khai ngoài vỉa hè, trên quán cóc, các con hẻm, ngõ phố của Sài Gòn. Chúng bị xẻ thịt phanh thây, rang, nướng, hấp lẩu làm mồi nhậu cho các quý ông, hay chọc tiết uống máu, ngâm rượu nguyên con, với các công dụng chỉ có trời biết, đất biết và người dùng biết.
 
Gánh hàng… thú hoang
 
Theo chân chị bán thú rừng dạo quanh một số khu vực tập trung nhiều quán cà phê, quán ăn sang trọng trên địa bàn quận 1 (TP HCM), chúng tôi ghi nhận được những câu chuyện xé lòng về hành trình đưa thú rừng về thành phố. 
 
Đại bàng, tắc kè, sóc…bị nhốt trong túi lưới, quằn quại vùng vẫy trên tay người đi bán dạo. Ánh mắt sợ hãi, tiếng kêu thảm thiết của chúng càng làm người mua khoái chí. Nhiều tay chơi có nghề khi túm một con sóc bay lên, nhìn mắt và mỏ là biết có phải "đặc sản" rừng thật hay chỉ là "dán mác". Người bán thì luôn miệng bảo đảm 100% hàng "chính hãng" từ rừng.
 
Tại quán cà phê vỉa hè khu vực Hồ Con Rùa (Q.1, TP HCM), chị Hoài (tên người bán thú rừng) nhoẻn miệng cười lịch thiệp trước cánh mày râu đang say sưa hàn huyên. Chị Hoài rao: "Thú rừng đảm bảo nuôi sống 100%, ngâm rượu tuyệt đỉnh, làm mồi nhậu hảo hạng…". 
 
Có nghĩa là, thú rừng còn sống, nếu mua về nuôi làm cảnh, huấn luyện đều có khả năng sống tốt, vì ở rừng sức đề kháng của chúng rất cao. Không nuôi thì dùng ngâm rượu cũng tuyệt. Mà nướng muối ớt, rang xả lai rai thì chỉ có quên đường về. Kèm theo lời quảng bá bằng miệng, tức thì tay chị Hoài "huỵch" một cái vào giỏ lưới, những con sóc hoảng hốt lao đầu húc túi bụi trong "cũi", con đại bàng vỗ cánh phành phạch rồi im lìm bất lực. Chúng gắng sức tìm kiếm một lối thoát nhưng đều vô vọng.
Người bán hàng rong thú rừng tại TP HCM.
Người bán hàng rong thú rừng tại TP HCM.
Một vị khách túm chú sóc lên, kéo căng tai, bạnh mỏ xem răng, lưỡi rồi gật gù: "Sóc rừng chính hiệu". Vị này tỏ ra tinh đời, giải thích bài bản chẳng khác nào các tay ăn chơi thứ thiệt: "Sóc rừng tai nhỏ, phía trong nhiều lông tơ. Răng nhọn do chúng phải kiếm thức ăn cứng như cây, lá, củ quả từ rừng. Lưỡi xanh là do dưỡng chất mà chúng ăn được chủ yếu là cây cỏ thiên nhiên…
 
Còn nữa, móng chân của loài sóc rừng dù nhỏ nhưng đều có vuốt sắc nhọn, điều này tạo cho chúng khả năng leo trèo, bay nhảy rất điệu nghệ". Sau khi vị này phán như thần rừng, các ông bạn xung quanh gật gù thán phục. Một ông quyết định lấy cặp sóc bay với giá 400 ngàn. Chị Hoài tươi như hoa mười giờ khi bán được hàng.
 
Chị Hoài cho biết, tất cả "gánh hàng thú rừng" này chị lấy mối của các tay săn thú chuyên nghiệp ở tận Gò Dầu, Tân Biên (Tây Ninh). Từ 18h đến 20h, tất cả các đầu nậu như chị Hoài sẽ tập trung tại cửa rừng đón lõng người đi săn trở về. Vì lượng thú săn có hạn nên cánh lái buôn phải nhanh chân, nhanh tay, nhanh mắt. Hễ thấy bóng dáng thợ săn nào tay sách lồng, vai khoác bao ló đầu ra khỏi rừng là phía này nhào tới.
 
Cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng, tiếng mặc cả giá chát chúa, tiếng chửi nhau choanh choách, giằng giật từng con thú một. Dĩ nhiên, ai trả cao hơn thì họ bán. Nhưng bán buôn kiểu này cũng lắm bất trắc. Nhiều người mua giá cao quá về bán lại không được, lỗ chỏng thây, chưa kể thú gặp rắc rối gì nó lăn đùng ra chết thì đầu nậu tay trắng. Chỉ có người thợ săn là ẵm trọn tiền. Nhưng nói qua thì cũng phải kể lại, đời thợ săn còn hiểm nguy hơn lái buôn nhiều. Họ có thể mất mạng trong rừng, bị thương do va đập, do thú cắn...
 
Đơn cử như chuyện anh Tám nhà ở Tuy Đức (Đắk Nông) sang Tây Ninh săn thú, ngay hôm đầu tiên đã bị rắn độc cắn, may mà có người biết cầm nọc độc, nhưng lúc chuyển ra tới bìa rừng thì anh Tám mặt tím đen, chân tay cứng đờ. Sau đưa đi cấp cứu bệnh viện cứu sống nhưng anh Tám không được bình thường nữa, người đờ đẫn như bị điên. Thế là bỏ nghề luôn.
 
Về phần cánh lái buôn như chị Hoài, sau khi mua được thú rừng về nhà phải nuôi nhốt làm sao cho thú không bị chết. 4 giờ sáng hôm sau, bắt chuyến xe sớm về Sài Gòn đi bán dạo. Như chuyến hôm nay chị Hoài chỉ có một con đại bàng, chục con tắc kè, trăm con bố củi, hai chú sóc bay. Gánh hàng rong thú rừng của chị Hoài nếu bán hết thì được khoảng hơn hai triệu đồng. Trừ vốn, xe cộ đi cũng lời được vài trăm ngàn.
 
Đi cùng với chị Hoài là chị Tâm, cũng túm, đùm, bọc lủng lẳng trên người. Chị Tâm ngoài sóc, bố củi, đại bàng còn có một con cầy nhông chừng 5 lạng. Con cầy nhông này thuộc hàng cụ trong loài, vì nó có mào chỉa lên đầu như mào rồng. Vảy nó sần sùi, thô ráp, chân nó nổi rất nhiều mùn cóc. Cánh chơi thú sành điệu nhận định, con cầy nhông này có tuổi thọ cả chục năm trong rừng, dùng ngâm rượu dành cho quý ông hay bị đau khớp, mất ngủ và đặc biệt là khoản yếu sinh lý thì không gì bằng. 
 
Chị Tâm mách thêm: "Trước khi ngâm, chọc tiết lấy máu pha với rượu uống sống cũng là bài thuốc "tráng dương, bổ thận" cho các đấng mày râu. Còn nữa, quý bà uống vào thì da trắng, má hồng, ăn ngon ngủ kỹ…".
Sóc bị nhốt trong cũi làm cảnh.
Sóc bị nhốt trong cũi làm cảnh.
Làm sao để biết công dụng phi thường của từng con thú? Có bằng chứng gì không? Chẳng may uống vào chết người thì sao? Chị Hoài quả quyết: "Không quý mà người giàu đổ xô đi săn thú rừng về ngâm rượu chữa bệnh. Có ai chết đâu. Phải có tác dụng thì người ta mới mua nhiều thế, chúng tôi không có mà bán đấy". Để đi làm cái nghề này, thì việc đầu tiên là các lái buôn phải thuộc làu cách chào hàng, sau đó là khả năng "thúc" vào não người mua công dụng mà trời phải thua, đất phải phục khi dùng thức ăn, thức uống từ các loài hoang thú rừng xanh.
 
Theo tiết lộ của những người bán thú rừng dạo, một khi đã chọn Sài Gòn là lãnh địa buôn bán, thì trước tiên phải đảm bảo chúng là những con thú rừng thật sự. Giới sành chơi ở Sài Gòn rất rành khoản nhận dạng, không thể lừa được họ. Một khi họ đã thích thì bao nhiêu cũng mua.
 
Theo chị Tâm, vài người bạn của chị cũng làm nghề buôn thú rừng, dùng chiêu nhập nhoạng giữa thú nuôi và thú rừng hòng kiếm chác khoản lời nhiều hơn. Nhưng chỉ được vài lần là lộ mặt, phải dạt về tỉnh lẻ bán cho các ông nông dân ham của rẻ, thích của lạ, gọi là ăn uống cho vui mồm vui miệng, lời lãi chẳng bao nhiêu.
 
"Chảy máu" thú rừng
 
Làm thế nào vận chuyển được mấy chục con thú từ Tây Ninh về TP HCM? Chị Tâm thật thà cho biết: "Nhốt mỗi loại vào bao lưới rồi cho vào giỏ xách như người ta đi chợ ấy mà. Bản chất các loài này không độc hại gì, với lại mình cho ăn no trước khi lên xe là chúng nằm im re, không quậy phá gì".
Nhiều quán nhậu còn mua đại bàng về làm cảnh hoặc ngâm rượu.
Nhiều quán nhậu còn mua đại bàng về làm cảnh hoặc ngâm rượu.
Chị Tâm than thở rằng, bây giờ người đi săn, bẫy nhiều mà thú rừng thì săn mãi cũng hết. Có ngày cả nhóm buôn ngồi chờ dài cổ mà cũng chỉ được vài con sóc, họa lắm mới được chú đại bàng hay chú nhím. Mấy mặt hàng đặc sản từ rừng mang xuống thành phố đều bán hết, hầu như không bị ế. Nhiều người sành nhậu còn đặt con nọ con kia nhưng phải chờ cả tháng trời mới có. Cánh lái buôn không thể chủ động được, nguồn cung phải phụ thuộc vào thợ săn. Các nhà hàng, quán nhậu dùng đặc sản thường đặt cọc giá cao, "xí phần" thợ săn hoặc thuê đầu nậu thu gom nên bộ phận bán rong như chị Tâm, chị Hoài "mót" được con nào bán con đó, có khi phải gom mấy ngày mới được vài con mang xuống phố.
 
"Bây giờ đang là mùa khô nên việc săn bắt dễ dàng hơn vì thú rừng thường ra ngoài kiếm ăn. Để bắt sống được chúng, thợ săn phải rất nhẹ nhàng cẩn thận, thường là dùng lưới bủa vây hoặc bẫy mềm. Một con thú chết sẽ chẳng còn giá trị, bán cho quán nhậu rẻ như cho. Bán thú sống mới quý, giá mới cao". Chị Tâm cho biết.
 
“Buôn bán thú rừng là phạm pháp, các chị biết không”? Chị Hoài cười xòa: "Mình bán mấy con nhỏ xíu mà, đáng gì. Người ta buôn hàng hiếm, hàng sách đỏ mới lo chứ. Chúng tôi chỉ biết đi lấy lại của cánh thợ săn thôi chứ có bắn giết gì đâu. Chúng tôi bán toàn hàng sống mà, có người mua về nuôi, người thả vào rừng…Không phải con nào cũng bị chọc tiết, ngâm rượu đâu".
 
Trên thực tế, động vật rừng vẫn hàng ngày được rao bán công khai khắp nơi, từ nông thôn đến thành phố, với các hình thức, bán con sống, bán thịt chết, bán khô, bán tươi…tấp nập và nhộn nhịp. TP HCM hiện có các khu vực đường Bình Hòa (Q. Bình Tân), QL. 50 (huyện Bình Chánh), Hương lộ 2 (qua Hóc Môn, Củ Chi) đầy rẫy thú rừng rao bán như: Rắn, nhím, chim, sóc, chồn, đại bàng…với các biển quảng cáo mát mắt: "Thú rừng thật 100%". Thật hay giả cần các khâu kiểm định, nhưng sự thật là người ta đang nhân danh thú rừng để trục lợi, máu của các loài thú rừng xanh vẫn chưa bao giờ ngừng chảy.

Khoản 2 điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định: Nghiêm cấm hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. Việc khai thác động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn Động vật hoang dã. Việc kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

 

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác