Phóng sự
Nhận diện tội phạm mua bán người (kì 2)
KÌ II: NHỮNG PHẬN NGƯỜI Ở LẠI SAU CUỘC NGÃ GIÁ KIM TIỀN
(Congannghean.vn)-Không nghề nghiệp, nhận thức lại có hạn nên khi được các đối tượng vẽ ra viễn cảnh xán lạn ở xứ người, nhiều trẻ vị thành niên đang ngồi trên ghế nhà trường đã bỏ học, những bà mẹ bỏ lại con thơ, vợ bỏ chồng để dứt áo ra đi, những mong sẽ thay đổi số phận mà không biết rằng, đó là chuyến đi “lành ít, dữ nhiều”. Để rồi, phía sau những cánh cửa, ngôi nhà, trên những bản vắng, những đôi mắt xa xăm nhìn ra đầu núi, ngóng đợi thông tin về người thân.
Người cha chèo đò để ngóng tin con
Bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn là bản toàn người dân tộc Khơ Mú, nằm chênh vênh bên dòng Nậm Mộ. Vài năm trở lại đây, “bão” buôn người “quét” qua, có đến gần 40 phụ nữ, trẻ em đã mất tích, không hồi đáp. Ông Moong Văn Quế, Công an viên phụ trách bản Lưu Tiến cho biết, toàn bản có 148 hộ với 638 nhân khẩu, nhưng có đến gần 40 người mất tích, trong đó một nửa là trẻ em và học sinh, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. Những người này đều có cuộc sống khốn khó, các em bị cha mẹ “bỏ rơi” để lên nương rẫy, dẫn đến rơi vào cạm bẫy buôn người.
Ở bản này, từ hơn một năm nay, ai có việc phải vượt sông Nậm Mộ để sang trung tâm huyện lỵ, đều đã rất quen thuộc với hình ảnh anh Moong Văn Tiến (SN 1980), tình nguyện đóng bè chở khách vượt sông để tìm con gái. Trên chuyến đò chòng chành giữa lòng Nậm Mộ, anh Tiến tâm sự: Vợ chồng anh sinh được 5 người con, cháu đầu là Moong Thị Na (SN 2002), năm ngoái đang học lớp 7 thì mất tích.
“Nó học giỏi nhất nhì bản, lại xinh xắn và ngoan ngoãn. Những ngày vợ chồng tôi ngủ lại trên rẫy, việc nhà đều do cháu quán xuyến, chăm lo cho các em. Khi nghe các con báo tin chị gái không về nhà, hai vợ chồng đã đi tìm con nhưng vô vọng. Đã qua nhiều mùa rẫy, tôi vẫn nuôi hy vọng tìm được con trở về nên mới ra đây chèo đò, mục đích chính là để dò la tin tức chứ không đơn thuần chỉ vì mưu sinh”, anh Tiến gạt nước mắt nghẹn ngào.
Người cha chèo đò trên sông Nậm Mộ để ngóng tin con gái |
Cũng ở bản Lưu Tiến, chuyện của cháu Cụt Văn Anh (SN 2009) cũng khiến nhiều người xót xa. Hai năm trước, mẹ cháu bị lừa bán sang Trung Quốc rồi biệt tích từ đó đến giờ. Trong chừng ấy thời gian, trong khi bố tất tả ngược xuôi để tìm mẹ về cho con thì đứa trẻ này phải sống dựa vào ông bà nội. Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ, cháu Anh ngày càng gầy gò, đen nhẻm. Đôi mắt hiện rõ nỗi buồn xa xăm.
Rời bản Lưu Tiến, chúng tôi đến với bà con bản Lưu Thắng, một trong những địa bàn cũng đang rất “nóng” về vấn nạn mua bán người. Cả bản có đến 70% hộ nghèo, vừa “quay quắt” bởi tệ nạn ma túy và đến nay, vẫn còn trên 30 đối tượng nghiện thì lại phải gánh thêm nỗi đau kép bởi có quá nhiều chị em phụ nữ đã bị lừa bán khỏi bản. Trên 50 phụ nữ, trẻ em đã “mất tích”, chỉ có khoảng 5 - 7 gia đình nắm được thông tin về con em mình trong số này, đây là thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở bản nhỏ này.
Trưởng bản Cụt Thanh Sơn trầm ngâm kể, mỗi trường hợp là một câu chuyện dài, nhưng bi kịch chung của cả bản có lẽ được thể hiện rõ nhất qua câu chuyện của gia đình anh Cụt Văn Sang (SN 1988).
Vượt biên, ngậm ngùi nhìn vợ mình đã là vợ người khác
Anh Sang có vợ là chị Moong Thị May (SN 1985), hai người cưới nhau vào năm 2007 và sinh được đứa con trai, đặt tên là Cụt Văn Đức. Cuối năm 2010, khi con trai còn chưa cai sữa, chị May đã bị một phụ nữ ở xã Hữu Kiệm đến rủ rê, lừa bán sang Trung Quốc rồi mất tích từ đó đến nay. Anh Sang đã nhiều lần vượt cả nghìn cây số, sang xứ người tìm vợ nhưng không đưa được vợ về, vì chị May đã là vợ của người đàn ông khác ở Trung Quốc. Gia đình anh Sang bán cả trâu, bò cũng không đủ tiền để chuộc vợ về. Chưa dừng lại ở đó, khoảng tháng 2/2014, em gái của anh Sang là Cụt Thị Mỹ (SN 1993) cũng bị một người trong xã lừa bán sang Trung Quốc.
Theo ông Cụt Thanh Sơn, bản Lưu Thắng còn rất nhiều trường hợp phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc mất tích không có thông tin. Gia đình ông Cụt Khăm My (SN 1962) có 7 người con, người con gái thứ 6 là Cụt Thị Bông (SN 1993) bị lừa bán sang Trung Quốc hơn 3 năm nay, đã lấy chồng bên đó và sinh được một đứa con gái. Khoảng đầu năm 2014, chị Bông trốn về thăm gia đình được mấy hôm, nhưng sau đó đã quay lại Trung Quốc với chồng, con. Hay như bà Cụt Thị Đức, sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 2010, sinh con bên đó rồi khi quay về bản, bà dẫn một đứa cháu con chú con bác sang Trung Quốc. Người cháu gái sang đó cũng đã lấy chồng, sinh con.
Anh Cụt Văn Sang cùng bố đẻ từng ngày trông ngóng vợ và em gái trở về |
Trong hàng trăm câu chuyện bên lề của những gia đình có con bị lừa bán ra nước ngoài, trường hợp bà Lô Thị Bình trú tại bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, quyết định “bán mình” để trà trộn vào đường dây mua bán người để được xuất ngoại tìm con, là một câu chuyện thực sự xúc động. Bà Bình có con gái lớn là Lô Thị Ngọc (SN 1995).
Vào năm 2013, khi mới 17 tuổi, Ngọc bị một phụ nữ lừa đi buôn chuyến, rồi bán ra nước ngoài. Trường hợp của em gái Ngọc là Lô Thị Ổn (SN 1997) cũng tương tự như chị gái. Nỗi đau mất 2 trong số 4 người con đã nhân lên thành “sức mạnh” to lớn. Nhiều tháng ròng, bà Bình đã đến khắp các nhà hàng, khách sạn, những tụ điểm ăn chơi dọc Quốc lộ 7A, vào tận Hà Tĩnh để tìm con.
Đến lúc Ngọc điện thoại báo tin bị bán sang Trung Quốc, người mẹ này đã trà trộn vào đường dây mua bán người để “giải cứu” con. Nhưng bi kịch là, khi tìm thấy con rồi nhưng đành phải lặng lẽ trở về vì không có đủ tiền chuộc. May mắn, sau này, Ngọc đã đào thoát được để trở về và làm đơn tố cáo về đường dây mua bán người. Đến nay, hai đối tượng đưa các em đi bán, một người đã bị thiệt mạng vì lũ quét, người còn lại đang bỏ trốn nên hồ sơ vẫn còn để ngỏ.
(Còn nữa)
Thiên Thảo