An ninh trật tự
Chính quyền chối bỏ trách nhiệm
(Congannghean.vn)-Sau khi Báo Công an Nghệ An có các bài viết phản ánh về việc 'lâm tặc' tàn phá rừng ở xã Mậu Đức và Đôn Phục, huyện Con Cuông, UBND xã Mậu Đức đã có văn bản báo cáo việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, gửi UBND huyện và Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An.
Điều đáng nói là, việc “lâm tặc” tàn phá rừng bước đầu đã được điều tra, làm rõ, phân định địa giới hành chính cũng như trách nhiệm của từng địa phương, tuy nhiên, báo cáo của UBND xã lại phủ nhận những gì đã xảy ra.
Bàn giao đất nhưng không giao rừng?!
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh ngày 20/4/2012 thì huyện Con Cuông có 8 xã nằm trong danh sách phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt; trong đó có xã Mậu Đức 286 ha và xã Đôn Phục 566 ha.
Phòng Cảnh sát Môi trường và cơ quan chức năng làm việc với UBND xã Mậu Đức |
Sau khi có quyết định phê duyệt, xét đơn thuê đất của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt và đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 892 về việc cho Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt thuê 16.888.625 m2 đất (đợt 1) tại 8 xã thuộc huyện Con Cuông để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu, trong đó có hai xã Mậu Đức và Đôn Phục.
Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công việc sau: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức giao đất tại thực địa cho Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt để đưa vào quản lý, sử dụng theo quy hoạch và pháp luật; ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt theo quy định”.
Quyết định trên nếu được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc thì không có vấn đề gì để tranh luận. Tuy nhiên, sau khi vụ phá rừng trái phép xảy ra tại khu vực địa giới hành chính của 2 xã Đôn Phục và Mậu Đức thì UBND xã Mậu Đức “vin” vào Quyết định trên để “biện minh” nhằm phủ nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương sau khi để xảy ra việc “lâm tặc” khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên diện rộng. Báo cáo về việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép gửi UBND huyện Con Cuông và lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường có đoạn: “Vị trí tập kết gỗ thuộc Khoảnh 2, Tiểu khu 752 của xã Mậu Đức là đất rừng tự nhiên đã được UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt thuê theo Quyết định số 892 (chủ rừng) và có biên bản bàn giao đất ngày 9/1/2015.
Hai đối tượng khai vận chuyển gỗ thuê cho bố vợ của cán bộ kiểm lâm |
Qua kiểm tra trên bản đồ và xác định tọa độ thì vị trí các gốc bị đốn hạ nằm tại Khoảnh 10, Tiểu khu 748 thuộc địa phận xã Đôn Phục”. Theo nội dung báo cáo trên thì UBND xã Mậu Đức đã phủ nhận 2 nội dung việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép bị bắt giữ ngày 28/6/2015. Thứ nhất, UBND xã cho rằng, xã Mậu Đức chỉ là nơi tập kết gỗ của “lâm tặc” và đất đã được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt (chủ rừng). Thứ hai, việc “lâm tặc” đốn hạ rừng, qua xác định tọa độ là thuộc địa phận xã Đôn Phục?!
Như vậy, UBND xã Mậu Đức không thừa nhận là “lâm tặc” phá rừng của địa phương mình. Nhưng Quyết định số 892 của UBND tỉnh chỉ cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt được thuê đất. Theo đó, phía thuê đất thực hiện các thủ tục tiếp theo như: Ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Điều 2 của Quyết định 892 quy định - P.V). Qua tìm hiểu, đến thời điểm rừng bị tàn phá, 2 đối tượng bị bắt giữ, phía Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt mới chỉ có trong tay bản hợp đồng thuê đất.
Như vậy, nói về trách nhiệm trong vụ phá rừng trên thì xã Mậu Đức không thể “kết tội” phía thuê đất như văn bản UBND xã Mậu Đức đề cập. Hơn nữa, nếu “chiếu” theo Quyết định 892 của UBND tỉnh và biên bản bàn giao đất ngày 9/1/2015 như văn bản UBND xã Mậu Đức đề cập thì Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt tạm thời gọi là “chủ đất” và cũng không thể áp đặt là chủ rừng như UBND xã đã “đóng ngoặc, mở ngoặc”. Trong khi đó, phía Công ty chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền. Nếu theo phương án tổng thể chung của UBND tỉnh thì việc giao đất phải tiến hành đồng thời với việc giao tài sản khác gắn liền với đất (giao đất và giao rừng).
“Phản ứng” với văn bản của UBND xã Mậu Đức, Phòng Cảnh sát Môi trường có văn bản phủ nhận những nội dung trên. Trung tá Đào Duy Chiến, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết: Việc phát hiện, bắt giữ 2 “lâm tặc” dùng cưa xăng đốn hạ gỗ trái phép tại Tiểu khu 748 là thuộc địa bàn xã Đôn Phục. Nhưng qua kiểm tra thì phát hiện “lâm tặc” tàn phá rừng trên diện tích rộng, gỗ và gốc cây gỗ có đường kính từ 50 - 70 cm bị “lâm tặc” đốn hạ nằm rải rác khắp cả 2 tiểu khu của xã Mậu Đức và Đôn Phục. “Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND huyện Con Cuông và cơ quan chức năng phản hồi lại văn bản của UBND xã Mậu Đức”, Trung tá Chiến nhấn mạnh.
Điều dư luận lấy làm quan tâm là tại sao chính quyền và các cơ quan chức năng làm thủ tục giao đất mà không giao rừng cho phía Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Việt để tiến hành các bước thủ tục tiếp theo đúng với nội dung Quyết định 892 của UBND tỉnh đã ký?!. “Khi giao đất thì phải giao rừng cũng như tài sản khác gắn liền với đất, có nghĩa là phải “mắt thấy tay sờ”, đếm từng cây để bàn giao. Phải chăng chính quyền địa phương để chặt hết rừng rồi mới giao rừng”, một người dân địa phương cho biết trong sự nghi ngờ, bức xúc.
Cán bộ kiểm lâm là con rể của chủ buôn bán gỗ
Khi những kẻ tàn phá rừng ở huyện Con Cuông bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An phát hiện, bắt quả tang, người dân địa phương nơi đây lấy làm “khó hiểu”. Bởi họ cho rằng, ngoài chính quyền địa phương, còn có lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra canh giữ, bảo vệ rừng, bất luận là rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh hay rừng sản xuất. Đó là chưa nói đến việc vận chuyển gỗ phải đi qua 2 “cửa ải” là Ban Quản lý rừng phòng hộ và Trạm Kiểm lâm nằm trên con đường độc đạo được chốt chặn ở 2 đầu.
Về trách nhiệm bảo vệ rừng, phải kể đến cơ quan chủ quản rừng là lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, tiếp đến là chính quyền địa phương, các hộ gia đình được giao khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Hầu hết các xã ở huyện Con Cuông đều có cán bộ kiểm lâm “cắm bản” để tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc tàn phá rừng gây thiệt hại lớn tại 2 xã Mậu Đức và Đôn Phục, qua tìm hiểu, người dân địa phương cho biết, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đôn Phục là con rể của một ông chủ buôn bán gỗ nổi tiếng ở xã Mậu Đức.
Đặc biệt, sau khi 2 đối tượng “lâm tặc” bị bắt giữ, đoàn công tác liên ngành trên đường vào cửa rừng đã vô tình phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng khi đang dùng máy kéo để vận chuyển hàng chục khúc gỗ từ dưới khe suối lên lán trại của “đầu nậu” buôn bán gỗ (tổng cộng gần 6 m3 gỗ các loại), trong khi lán trại này chỉ cách UBND xã Mậu Đức và Trạm Kiểm lâm hơn 2 km. Hai đối tượng khai toàn bộ số gỗ trên cũng như chiếc máy kéo dùng để kéo, vận chuyển gỗ trái phép từ cửa rừng ra đều là của bố vợ cán bộ kiểm lâm nói trên, trú tại xã Mậu Đức, huyện Con Cuông; còn họ chỉ là người làm thuê.
Xét thấy sự việc trên có điểm không bình thường, nhất là trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, chúng tôi trực tiếp gặp cơ quan quản lý cán bộ trên thì họ cho rằng: “Biết thế là không nên, nhưng vì bận công việc nên chưa kịp luân chuyển cán bộ”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại huyện Con Cuông, còn có mối quan hệ khác cũng không kém phần “nhạy cảm” như trường hợp con rể của ông chủ buôn bán gỗ. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá rừng trong thời gian cả tháng, thậm chí cả năm trời nhưng không bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn.
Hữu Trọng