Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201507/xuc-dong-ngay-gap-lai-626105/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201507/xuc-dong-ngay-gap-lai-626105/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xúc động ngày gặp lại - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 27/07/2015, 09:31 [GMT+7]

Xúc động ngày gặp lại

(Congannghean.vn)-Khi trở về, có người còn sống, có người đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi lần nhớ đến nhau, những đồng đội là thầy cô giáo cũ một thời “xếp bút nghiên theo việc binh đao” đã tìm đến nhau, sẻ chia chuyện vui buồn, ôn lại những kỷ niệm của năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào.

“Xếp bút nghiên theo việc binh đao”

Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình nhưng những đau thương, mất mát, tàn dư của nó thì không gì bù đắp nổi. Nhân kỷ niệm 68 nămNgày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015), tôi có dịp cùng với những nhà giáo Nghệ An đi B tìm về thăm lại những đồng đội một thời “vào sinh ra tử” nay đã già yếu, đau ốm; thăm lại người thân của những liệt sĩ, chiến sỹ, nhà giáo đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước. Giây phút gặp lại nhau, những cái ôm, cái nắm tay ấm áp, nụ cười hòa lẫn trong giọt nước mắt, bao nhiêu ký ức về những năm tháng gian khổ nơi chiến trường được tái hiện trước mắt người cựu giáo chức.

Ngày ấy, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, những nhà giáo đã bỏ lại sau lưng ước muốn riêng tư, với cùng ý chí, quyết tâm sắt đá lên đường làm nhiệm vụ. Có thầy giáo sau nhiều lần xung phong mới được đi, nhiều anh chị em tuổi vừa hai mươi chưa lập gia đình, có người đã “yên bề gia thất”, thâm niên trong nghề, cũng có những sinh viên mới ra trường..., tất cả sẵn sàng xung phong ra tiền tuyến.

Thầy giáo Hoàng Tư Hậu nhớ lại những năm tháng đi B
Thầy giáo Hoàng Tư Hậu nhớ lại những năm tháng đi B

Thầy giáo Hoàng Tư Hậu, Phó Ban liên lạc nhà giáo đi B nhớ lại: “Hình ảnh người thân bịn rịn, tiễn đưa anh chị em đi chiến đấu vẫn còn in đậm trong tâm trí của chúng tôi. Quên sao được cảnh thầy giáo gạt nước mắt từ biệt mẹ già, cha yếu. Có cô giáo ngày lên đường cũng là ngày gia đình nhận giấy báo tử của người anh ở chiến trường; có đồng chí có vợ sắp sinh; có đồng chí mới cưới vợ được hai tuần... nhưng vẫn quyết chí lên đường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”

Theo thống kê, Nghệ An có 182 nhà giáo đi B, trong đó có 74 người vào chiến trường Nam Bộ, 18 người vào Liên khu 5, còn lại là chiến trường Quảng Trị. Dẫu biết chiến trường ác liệt, mưa bom, bão đạn và bệnh tật hoành hành, thế nhưng, các thầy cô giáo đã đoàn kết một lòng, vượt qua tất cả. Lực lượng giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên” này không những làm tốt công tác giáo dục: Mở trường lớp cho thanh, thiếu niên ở vùng địch tạm chiến, vùng giải phóng, tổ chức trường lớp và dạy học cho bà con Việt Kiều ở Campuchia mà còn làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia, ủng hộ cách mạng, chống càn...

Nhà giáo, chiến sỹ làm nên huyền thoại

Trong những câu chuyện mà tôi được nghe tại cuộc hội ngộ này thì những mẩu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của những nhà giáo, chiến sỹ đã làm nên huyền thoại được nhắc đến rất nhiều lần với niềm tự hào, kiêu hãnh.

Quên sao được cô giáo Lê Thị Bạch Cát, sinh ra tại thị xã Cửa Lò, những năm 60 của thế kỷ trước, cô giáo trẻ rời bục giảng, tình nguyện ra chiến trường, trở thành chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cô đã nêu cao sự mưu trí, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tấm gương của cô giáo Bạch Cát được những người dân Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ hết sức ngợi ca, noi theo. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, UBND TP Hồ Chí Minh đã lấy tên cô đặt cho một ngôi trường THCS và một con đường ở phường 13, quận 11. Tại quê nhà, để ghi nhớ tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cô giáo Bạch Cát, tháng 9/2000, UBND TX Cửa Lò quyết định thành lập trường THCS mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Lãnh đạo Hội Cựu Giáo chức Nghệ An và Ban liên lạc nhà giáo đi B thăm thầy giáo Nguyễn Duy Mãi đi B năm 1969 bị đau ốm nặng
Lãnh đạo Hội Cựu Giáo chức Nghệ An và Ban liên lạc nhà giáo đi B thăm thầy giáo Nguyễn Duy Mãi đi B năm 1969 bị đau ốm nặng

Rất đỗi tự hào và khâm phục những nhà giáo đi B bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết, phẩm chất của người con trên quê hương Bác Hồ, quê hương Xô Viết anh hùng. Đó là thầy giáo Trần Văn Mậu, quê ở huyện Diễn Châu; thầy giáo Chu Cấp (bí danh Chu Thành Nghệ), quê ở huyện Yên Thành, hoạt động ở chiến trường Mỹ Tho, Đồng Tháp bị địch bắt, giải đi nhiều nhà lao ở đất liền rồi bị đày ra Côn Đảo, giam cầm 5 - 6 năm. Đó là thầy giáo Trần Hanh, quê ở tỉnh Hà Tĩnh; thầy giáo Thái Duy Trấp ở Yên Thành bị tra tấn dã man ở nhà tù Đồng Tháp nhưng quyết tâm tìm mọi cách thoát khỏi vòng vây của địch, trở về với cách mạng. Một số nhà giáo tuy không bị địch bắt nhưng trong những đợt càn, vượt lộ hoặc xuống vùng ven, bị thương tật đã phải “để lại” một phần cơ thể nơi chiến trường. 14 nhà giáo, chiến sỹ hy sinh ở các chiến trường là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp nổi...

Điều đáng tự hào là những giáo viên vào miền Nam đã làm công tác giáo dục ở khắp các chiến trường. Có nhiều người giữ chức vụ cao như: Thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng, là Trưởng ban Giáo dục Cách mạng miền Nam (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục); thầy giáo Nguyễn Thái Như, Trưởng phòng Đô thị tiểu ban Giáo dục miền Nam; thầy Chu Cấp, Trưởng ban Giáo dục Bến Tre... Dù gặp muôn vàn gian khổ, khó khăn nhưng các giáo viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào việc xây dựng nền giáo dục giải phóng. Nhiều thế hệ học sinh sau này đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Trung ương và địa phương...

Ngày trở về

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh em nhà giáo đi B lại tiếp tục với sự nghiệp giáo dục. Đa số làm cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, số còn lại tham gia dạy học. Sau hơn 20 năm giải phóng, theo nguyện vọng của anh em, Sở GD&ĐT Nghệ An thông báo mời họp mặt Cựu giáo chức đi B ở TP Vinh vào năm 2000, từ đó hình thành nên Ban liên lạc nhà giáo đi B Nghệ An. Từ đó đến nay, dẫu mỗi người một nơi, sức khỏe giảm sút nhưng khi có cuộc họp mặt, những giáo viên đi B một thời vẫn tìm đến nhau, thăm hỏi sức khỏe, ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ nơi chiến trường ác liệt... Ban liên lạc cũng thường xuyên tổ chức các đợt đi thăm anh em đồng đội ở các huyện. Gần đây nhất, Trung ương Hội Cựu giáo chức gửi về 7 suất quà thăm hỏi 3 gia đình liệt sĩ (mỗi suất 1 triệu đồng) và 4 người đi B lâu ngày đang ốm đau (mỗi suất 1,5 triệu đồng).

Tháng 7 lại về, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Ban liên lạc nhà giáo đi B Nghệ An đã hội tụ về đây, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm nơi chiến trường ác liệt, cùng nhau sẻ chia những vui buồn của cuộc sống thường nhật. Tại ngôi nhà liệt sĩ Phan Thanh Hóa ở huyện Nghi Lộc, Ban liên lạc đã thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội của mình, hỏi han, động viên người thân của liệt sĩ. Về huyện Đô Lương, Hội Cựu giáo chức Nghệ An cùng với Ban liên lạc đã tới thăm nhà thầy giáo Nguyễn Duy Mãi, đi B năm 1969 nay tuổi đã cao, lại đau ốm nặng. Được gặp gỡ anh em đồng đội từng một thời “vào sinh ra tử”, thầy Mãi không giấu nổi niềm xúc động, khóe mắt rưng rưng, không nói nên lời...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vào những lần hội ngộ, những nhà giáo đi B vẫn thường nhắc nhau rằng: Là người con trên quê hương Bác Hồ, theo con đường cách mạng của Người thì còn sống ngày nào, còn cần phải giữ gìn phẩm chất truyền thống của những nhà giáo, chiến sỹ như những năm tháng đã qua...

.

Phan Tuyết