(Congannghean.vn)-Hiện nay, ở TP Vinh, quan sát bất cứ nơi đâu có đông dân cư sinh sống, không khó để bắt gặp những thông tin quảng cáo rao vặt với sự “đa dạng” từ hút hầm vệ sinh, khoan cắt bê tông đến gia sư, tuyển nhân viên, du học. Sự thiếu quy hoạch cũng như quy định liên quan trên lĩnh vực này đã khiến hình ảnh đô thị Vinh lúc nào cũng trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Lực lượng quản lý trật tự đô thị tháo gỡ các biển quảng cáo sai quy định tại đoạn giao nhau đường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong (TP Vinh) |
Qua tìm hiểu, một trong những lý do khiến hoạt động quảng cáo rao vặt với sự bất cập trên kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm là do chủ nhân của những hình ảnh, dòng chữ thông báo đó lợi dụng đêm tối, trưa vắng hoặc những khi không có người qua lại để thực hiện hành vi, trong khi đó đối tượng đưa thông tin chủ yếu là người làm thuê nên việc phát hiện, lập biên bản xử lý rất khó.
Thời gian qua, để chấn chỉnh tình trạng này, ngành chức năng của thành phố, nhất là Phòng Quản lý đô thị, Phòng Văn hóa thông tin đã chỉ đạo Đội Quy tắc đô thị các phường cùng với lực lượng Công an, cán bộ văn hóa đã tiến hành kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh đã tuyên truyền và thực hiện một số tuyến phố để đảm nhận, tuy nhiên, hiệu quả của việc đẩy lùi “nạn” quảng cáo, rao vặt vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cơ quan liên quan thành phố cũng đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các chủ cơ sở có đăng thông tin quảng cáo rao vặt, nhằm tìm giải pháp chấn chỉnh và tháo gỡ, song hiệu quả đem lại chưa cao. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành “mạnh” tay xử lý với các hành vi này nhưng “đâu lại vào đấy”.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động quảng cáo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/2017/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường quản lý, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo trên phạm vi cả nước; đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể tham gia Quảng cáo; tạo sự thống nhất đồng bộ trong thực thi Luật quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo ổn định trật tự an toàn, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Tại Nghệ An, thực hiện Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 59/2017, quy định về xây dựng, lắp đặt các phương tiện tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định này, tuyên truyền, quảng cáo bằng băng rôn (bao gồm băng rôn ngang và băng rôn dọc) phải tuân theo quy định sau: Băng rôn không được treo, mắc qua đường giao thông, trừ các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch của tỉnh, của cấp huyện; vị trí chỉ được treo, mắc tại các vị trí đã được quy hoạch, có giá treo, cột treo cố định trên các tuyến đường; thời hạn cho một đợt treo băng rôn không quá 15 ngày, phải ghi rõ tên và địa chỉ của đơn vị thực hiện ở phía dưới của băng rôn dọc và phía bên phải đối với băng rôn ngang, trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra đảm bảo không phai màu, rách, hư hỏng làm mất mỹ quan.
Yêu cầu về xây dựng, lắp đặt bảng tuyên truyền, bảng quảng cáo trong khu vực nội thành, nội thị phải nằm trong quy hoạch khi xây dựng, lắp đặt bảng tuyên truyền, bảng quảng cáo; trong khuôn viên các công viên được lắp đặt bảng quảng cáo, bảng tuyên truyền theo quy định hình thức bảng quảng cáo 1 cột trụ, đứng độc lập; bố trí theo chiều ngang theo tỉ lệ 1:2 (tỉ lệ chiều cao: chiều ngang), diện tích tối đa 40 m2/mặt; chiều cao tối thiểu 6 m, chiều cao tối đa 10 m tính từ mặt đường đến mép dưới của bảng quảng cáo.
Đối với bảng quảng cáo, bảng hiệu đặt tại mặt tiền công trình/nhà ở một tầng, có thể lắp đặt bảng quảng cáo phía trên mái của tầng một, chiều cao cụ thể theo quy hoạch của từng địa phương, nhưng tối đa cao không quá 4 m, chiều ngang không quá chiều ngang mặt tiền công trình/nhà ở. Đối với màn hình điện tử dùng làm công trình quảng cáo đặt trong phạm vi lộ giới đường giao thông và đặt tại các khu vực công cộng không được dùng âm thanh.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có trụ sở trong các ngõ, ngách, không nằm trên các trục đường chính được lắp đặt biển chỉ dẫn trên vỉa hè, nhưng phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường và đô thị của địa phương; không được thể hiện bất cứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu lên biển chỉ dẫn; chỉ được phép lắp đặt biển chỉ dẫn trên vỉa hè, lề đường trong phạm vi cho phép sử dụng tạm thời (ngoài mục đích giao thông). Bề rộng lớn nhất của biển chỉ dẫn (đối với vỉa hè có bề rộng trên 3 m) là 1,5 m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hay từ mốc chỉ giới đường đỏ) trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào. Không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng; phải được sự chấp thuận của UBND cấp huyện về vị trí dựng bảng.
Quy định cũng chỉ rõ việc xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đảm bảo về hình thức, diện tích, độ cao, khoảng cách theo Quy hoạch của UBND tỉnh, cụ thể trong khuôn viên khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được lắp đặt bảng quảng cáo, có kích thước: 5m (cao) x 8m (dài) = 40 m2, độ cao từ mặt đường đến mép dưới của bảng là 10 m.