Thứ Ba, 20/10/2020, 07:51 [GMT+7]

Tăng cường ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang được các cơ quan chức năng thực hiện tích cực, chủ động, nhằm góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận siêu cao mà một số đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng nhái, hàng lậu cố tình đưa những sản phẩm không rõ nguồn gốc vào thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như uy tín và chất lượng của doanh nghiệp. 

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở buôn bán trên địa bàn TP Vinh
Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở buôn bán trên địa bàn TP Vinh
Hàng giả diễn biến phức tạp
 
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện đầy rẫy ở khắp nơi cũng như có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Từ các quầy hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa cho đến hè phố các đô thị, thậm chí còn len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức kiểm tra 6.702 vụ việc liên quan buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, qua đó tiến hành lập biên bản xử phạt 6.103 vụ với tổng giá trị thu phạt 143 tỉ 613 triệu đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 40 tỉ 086 triệu đồng; xử phạt bổ sung và truy thu thuế 89 tỉ 040 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu 5 tỉ 895 triệu đồng; trị giá tang vật tịch thu trong kỳ chưa thanh lý 8 tỉ 592 triệu đồng.
 
Là 1 trong những lực lượng đóng vai trò chủ công trên mặt trận chống hàng giả, thời gian qua, quản lý thị trường (QLTT) liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh kém chất lượng, kịp thời ngăn chặn nhiều lô hàng giả, với số lượng hàng hóa lớn, thủ đoạn tinh vi. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT Nghệ An đã tổ chức kiểm tra 2.618 vụ việc liên quan buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tiến hành xử lý 2.387 vụ với tổng giá trị thu phạt 8.676.543.000 đồng. Trong đó, xử phạt hành chính 4.298.270.000 đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 4.378.273.000 đồng.
 
Cần chế tài xử phạt đủ mạnh
 
Bên cạnh những mặt làm được, công tác đấu tranh chống buôn lậu còn tồn tại một số hạn chế như: Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp; một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, là kẽ hở cho cá nhân, tổ chức lợi dụng; nhận thức của người dân về chất lượng hàng hóa và ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn hạn chế,… 
 
Ông Trần Đăng Ninh, quyền Cục trưởng Cục QLTT, Phó ban Thường trực 389 Nghệ An cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại bày bán công khai tại các chợ miền núi ở Nghệ An. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được đặc biệt quan tâm và thu được nhiều kết quả. Trong 5 năm (2015 - 2020), Cục QLTT Nghệ An đã xử lý 31.399 vụ việc vi phạm liên quan buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với tổng giá trị thu phạt hơn  67 tỉ đồng.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Ninh, chế tài xử phạt đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định cũng nêu rõ, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, QLTT, Hải quan và UBND các cấp.
 
Với tình hình thực tế tại tỉnh ta, lực lượng thực thi nhiệm vụ về công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là lực lượng QLTT, do đó hình thức xử lý mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Mặc dù nhiều vụ việc có nghi ngờ số lượng hàng hóa, vận chuyển, buôn bán vi phạm lớn, nhưng khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phải căn cứ trên số lượng hàng hóa bắt quả tang ở hiện trường. Hơn nữa, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng không có hóa đơn, chứng từ xuất kho nên không có bằng chứng để xử phạt cao hơn. Do đó, nhiều đối tượng sau khi nộp phạt lại tiếp tục tìm cách hoạt động trở lại.
 
Để công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác thanh, kiểm tra, đồng thời có chế tài xử lý đủ sức răn đe các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Các bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Quan trọng hơn nữa là cần có giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng tránh xa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ để người dân và doanh nghiệp cùng phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian tới.
.

Cao Loan

.