Thứ Bảy, 24/10/2020, 09:09 [GMT+7]

Khó khăn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Qua đó, góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đồng thời tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học cần được tiến hành thường xuyên và hiệu quả trong thời gian tới
Công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học cần được tiến hành thường xuyên và hiệu quả trong thời gian tới
 
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác PBGDPL tại một vài thời điểm chưa được triển khai thường xuyên, liên tục. Trong đó, nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Hình thức PBGDPL mặc dù đã được đổi mới nhưng hiệu quả chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng và nội dung cần phổ biến. Vẫn còn hiện tượng PBGDPL theo phong trào, chưa đi vào chiều sâu, thiếu thực chất, chưa sát với nhu cầu của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL tuy đã được áp dụng song vẫn còn hạn chế. Công tác triển khai Ngày Pháp luật hàng tháng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, môn học pháp luật trong nhà trường thiếu sự đổi mới phương pháp dạy và học. Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
 
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên là do nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm và phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, trình độ chưa đồng đều. Một số thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại các sở, ngành, địa phương chưa chú trọng đổi mới phương pháp, xây dựng cách làm mới, làm hay do đó chưa thể nhân rộng các mô hình điểm, hình thức PBGDPL có hiệu quả. Đặc biệt, hình thức PBGDPL còn đơn điệu, không hấp dẫn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục pháp luật. Hiện nay, hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Một số hình thức giáo dục pháp luật khác như hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ, hội thi thu hút được đông đảo người tham gia, nhưng ít có điều kiện tổ chức. Ngoài ra, nhiều địa phương còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng tiểu nông, bảo thủ đã ăn sâu trong tiềm thức một bộ phận dân cư nên việc PBGDPL gặp nhiều khó khăn.
 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật. Cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc; đồng thời quan tâm chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung giáo dục pháp luật thường xuyên cho đội ngũ này. Đặc biệt, cần đổi mới nội dung giáo dục pháp luật theo hướng thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật để quần chúng nhân dân dễ dàng tiếp cận, trong đó ưu tiên các hình thức như tọa đàm, tổ chức các câu lạc bộ, hội thi… nhằm thu hút đông đảo người tham gia. Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thanh, thiếu niên. Qua đó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
.

Ngọc Anh

.