Thứ Ba, 15/09/2020, 08:14 [GMT+7]

Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã (ĐVHD) được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật quốc tế và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Tại các địa phương trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc thực thi các chính sách pháp luật nói trên.

Đối tượng Kim Văn Nhân bị bắt giữ cùng tang vật 4 tay chân động vật             hoang dã nghi là gấu ngựa
Đối tượng Kim Văn Nhân bị bắt giữ cùng tang vật 4 tay chân động vật hoang dã nghi là gấu ngựa
Trong đó, công tác đấu tranh, triệt xóa các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD được thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về nhiều mặt. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Nghệ An - lực lượng chủ công trong cuộc đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường, chỉ trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã bắt gần 20 vụ, thu giữ hàng trăm kg ĐVHD các loại và đã tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
 
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 972 ngày 12/7/2020 của Công an tỉnh về việc mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2020, chỉ trong tháng 8, Phòng CSMT đã liên tiếp bắt giữ các vụ việc liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ĐVHD trái phép. Điển hình, vào hồi 16 giờ ngày 20/8, đơn vị chủ trì phối hợp với Công an huyện Quế Phong bắt Kim Văn Nhân (SN 1977) trú tại bản Liên Hợp, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong về hành vi tàng trữ ĐVHD trái phép; thu giữ 4 tay chân ĐVHD nghi là gấu ngựa có tổng trọng lượng 11 kg. Tiếp đó, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 22/8, tại ngã ba Yên Lý thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Phòng chủ trì phối hợp với Công an huyện Diễn Châu bắt đối tượng Phan Văn Thành (SN 1993) trú tại khối 3, phương Long Sơn, TX Thái Hòa về hành vi mua bán ĐVHD trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tang vật gồm: 21 kg sơn dương, 36 kg hoẵng và 31 kg dúi.
 
Gần đây nhất, ngày 31/8, đơn vị phối hợp Công an huyện Nam Đàn khám phá thành công Chuyên án về mua bán, vận chuyển ĐVHD nguy cấp quý hiếm, bắt Nguyễn Đình Sỹ (SN 1972) trú tại xóm 3, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khi đang điều khiển xe ôtô BKS 38A-159.27 qua khu vực xóm Phú Xuân, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn. Tiến hành kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện cốp sau xe có 6 cá thể tê tê được đựng trong 3 thùng xốp màu trắng, có tổng trọng lượng 23,8 kg. 
 
Mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt xóa, tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD vẫn còn diễn biến phức tạp dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ  truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm. Để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý ĐVHD, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD.
 
Tiếp đó, ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 504/KH-UBND, yêu cầu việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD phải đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành chặt chẽ, toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ngành, người đứng đầu và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ thường xuyên và là yếu tố đảm bảo thực hiện thành công trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài ĐVHD. Bên cạnh đó, yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất các loài ĐVHD, trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của ĐVHD đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.
 
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn bản pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ, sử dụng ĐVHD trái phép. Kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại ĐVHD trái pháp luật, nhất là ĐVHD thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên. Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo ĐVHD trái pháp luật.
 
Để ngăn ngừa tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển ĐVHD, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để bảo vệ các loại ĐVHD, nhất là các loại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập khẩu, săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, nuôi nhốt, quảng cáo, xâm hại động vật nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD; nhất là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức trong việc mua bán, tàng trữ, giết mổ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài ĐVHD. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng các loài súng săn, súng tự chế có khả năng săn bắn ĐVHD...
.

Ngọc Anh