Thứ Ba, 11/08/2020, 08:43 [GMT+7]
Tại phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Chậm nộp tiền hoa lợi cho phường, người dân bị thu thêm lãi suất

(Congannghean.vn)-Sau nhiều năm triển khai dự án trồng rừng 327, dễ dàng nhận ra những đổi thay với sự xuất hiện của nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn tại địa bàn phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai. Nghịch lý là lẽ ra những người nông dân mang lại lợi ích lâu dài ấy phải được hưởng ưu đãi từ phía chính quyền địa phương để tiếp tục sự nghiệp trồng rừng, nhưng thực tế họ đang phải từng ngày đi vay tiền để trả tiền hoa lợi và tiền lãi “nộp chậm” cho phường theo từng năm…
 
Đi vay tiền để trả tiền lãi cho phường
 
Trao đổi với phóng viên Báo Công an Nghệ An, bà Võ Thị Hiểu (SN 1953) trú tại khối 1, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai cho biết: Gia đình bà có 5 ha đất lâm nghiệp theo dự án 327. Theo hợp đồng đã ký với chính quyền địa phương, gia đình có trách nhiệm trồng và bảo vệ rừng, lúc nào thu được hoa lợi thì gia đình được hưởng 70%, 30% nộp cho phường. Cũng theo hợp đồng này thì số tiền 30% trên tổng hoa lợi chỉ phải nộp khi đã có sản phẩm thu hoạch. Từ đó đến năm 2013, bà Hiểu đã thực hiện chăm sóc, trồng rừng và nộp hoa lợi như trên. 
Bà Hiểu tại rừng keo của gia đình chưa đến mùa thu hoạch
Bà Hiểu tại rừng keo của gia đình chưa đến mùa thu hoạch
Tuy nhiên, từ năm 2014, khi ông Vũ Văn Từ lên làm Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, địa phương bất ngờ đưa ra quy định mức thu 10 kg thóc/500 m2 đất rừng/năm và thu theo từng năm (mỗi năm 2 vụ). Việc đưa ra chính sách thu hoa lợi theo từng năm không chỉ gây bất lợi cho gia đình bà vì cây rừng bà trồng là cây keo, ít nhất 3 - 5 năm mới cho thu hoạch, vì thế hàng năm bà phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để thanh toán tiền hoa lợi. Chua xót hơn, có những vụ, những năm vì không vay mượn kịp để nộp tiền cho phường, đến vụ sau đi nộp tiền, trong hoá đơn thanh toán đã có thêm mục tiền thanh toán lãi suất cho nợ cũ với mức 1,1%. Bà Hiểu bức xúc nói: “Gia đình tôi đã chật vật khi đầu tư một khoản lớn vào dự án trồng mấy ha rừng, mấy năm trở lại đây, chưa kịp thu lại vốn đã phải gánh thêm khoản định mức hoa lợi nộp về cho địa phương quá lớn, nên gia cảnh càng khó khăn, chật vật thêm”. 
 
Bà cũng đưa ra một số hóa đơn, chứng từ nộp tiền có chữ ký của ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân và đóng dấu của Ủy ban phường này. Theo các hoá đơn bà đưa cho phóng viên xem bao gồm: Thông báo các khoản thu vụ 5 năm 2015 ( ghi ngày 22/6/2015), bà Hiểu phải nộp khoản “đất lâm nghiệp thu 70%” tới 3.840.000 đồng và khoản nợ chậm nộp tính lãi lên đến 5.486.000 đồng.  Hay trong “Thông báo các khoản thu vụ 5 năm 2016 hoá đơn ghi ngày 20/6/2016, hộ bà Hiểu phải nộp 10 khoản như quỹ tình nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ xây dựng địa phương… với tổng cộng 17.389.000 đồng; trong đó khoản “nợ 1.1” lên tới hơn 13 triệu đồng. Bà Hiểu giải thích khoản “nợ 1.1” này là số tiền hoa lợi đất rừng theo quy định của xã. 
 
“Mỗi năm, xã thông báo thu hai lần, khoản này chưa xong thì đã phải lo khoản khác, trong khi hoa lợi đất rừng chưa có thu hoạch, tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để nộp tiền cho phường”, bà Hiểu cho biết thêm.
 
Trường hợp hộ gia đình ông Lê Khắc Phương trú tại khối 3, phường Quỳnh Xuân cũng được giao 7,1 ha đất lâm nghiệp và cũng đã phải nộp lên phường với các khản thu tương tự như bà Hiểu. Đến nay, ngoài tiền hoa lợi ông còn phải  nộp cho phường số tiền 16,366,000 đồng tiền chậm lãi. Với nhiều hoá đơn chứng minh sự bất hợp lý trong việc thu tiền hoa lợi từ dự án trồng rừng của chính quyền địa phương, ông Vũ Văn Tráng ở khối 1, phường này cho rằng, mức thu 10 kg thóc/sào/năm của xã là quá cao. Trao đổi với phóng viên, ông Tráng còn cho biết thêm: “Ai chậm nộp thì bị tính lãi, còn dân chưa có tiền để thanh toán thì không được xã xác nhận vào các hồ sơ, đơn từ”. 
 
Bức xúc trước việc không cần biết người dân trồng rừng có thu được sản phẩm hay không, chính quyền cứ thu mỗi năm 2 vụ, đặc biệt là nếu hộ nào chậm nộp, thì từ vụ sau phải chịu lãi suất 1,1 lần nợ gốc khiến nhiều hộ trồng rừng, đã làm đơn kiến nghị lên các cấp, ngành chức năng đề nghị được giải quyết thoả đáng. 
Ông Quắc, bà Hiểu trình bày với phóng viên về việc bị phường Quỳnh Xuân tính lãi 1.1% khi chậm nộp tiền đất lâm nghiệp
Ông Quắc, bà Hiểu trình bày với phóng viên về việc bị phường Quỳnh Xuân tính lãi 1.1% khi chậm nộp tiền đất lâm nghiệp
Người dân viết đơn xin miễn giảm tiền thuế rừng 
 
Với ông Lê Khắc Quắc (90 tuổi) cũng trú tại phường Quỳnh Xuân có diện tích đất lâm nghiệp gồm 1,4 ha. Sau nhiều năm trồng rừng, mãi đến tháng 3/2015 mới cho thu hoạch, ông đã lên nộp cho phường số tiền 2.800.000 đồng. Tuy nhiên, đến vụ 10/2015 phường lại tiếp tục thu 495.000 đồng. Do chưa thu hoạch được keo (vì vừa mới thu hoạch xong) không có tiền đóng cho phường nên đến vụ 5, năm 2016, phường tiếp tục thu với hoá đơn cộng thêm khoản nợ gồm: Vụ 10/2015 + vụ 5/2016: 495.000 + 1.155.000  x  lãi 1.1 = 1.815.000 đồng. Như vậy, ngoài khoản tiền gốc, hộ gia đình ông Quắc phải gánh thêm khoản nợ lãi 1.1%. 
 
Trước các khoản thu quá lớn, trong khi tuổi cao sức yếu, ông Lê Khắc Quắc đã phải làm đơn xin phường miễn giảm tiền thuế đất lâm nghiệp. Trong đơn viết ngày 4/7/2018, ông Quắc trình bày: Năm 2015, ông nộp 3 triệu đồng tiền thuế đất lâm nghiệp, năm 2016 phải nộp 3 triệu đồng nhưng không có hoa lợi thu hoạch nên không có tiền nộp, bị xã tính lãi, ông làm đơn xin miễn giảm. Dưới góc đơn, bộ phận tài chính kế toán xã đã tính toán ông Quắc nợ 3.148.000 đồng, trong đó gốc 2.145.000 đồng, tiền lãi 1.003.000 đồng. Ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân thời điểm đó bút phê trong đơn của ông Quắc với nội dung: “Do tuổi cao, đề xuất giảm 50%”. 
Một số hoá đơn, chứng từ phường Quỳnh Xuân  thu tiền của người dân trồng rừng
Một số hoá đơn, chứng từ phường Quỳnh Xuân thu tiền của người dân trồng rừng
Cũng theo đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Hiểu thì hiện có hàng chục hộ dân trồng rừng theo dự án 327 và Quyết định 661 tại phường Quỳnh Xuân, từ năm 2014 phải chịu mức thu quá nặng do UBND phường Quỳnh Xuân áp đặt và ai không nộp kịp thời đều bị tính lãi 1.1. Trước thực trạng trên, những hộ dân trồng rừng bị thu và tính khoản nợ 1,1% đề nghị các cấp, ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ. 
 
Được biết, đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Hoàng Mai đã kỷ luật cảnh cáo ông Vũ Văn Từ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân do nhiều sai phạm như: Chỉ đạo và tổ chức thu tiền đóng góp của nhân dân đối với các đối tượng ngoài tuổi lao động, gia đình chính sách, hộ nghèo; thu tiền lãi chậm nộp hơn 14,8 triệu đồng đối với 425 hộ…Tuy nhiên, đến nay số tiền thu không đúng quy định do ông Từ ký vào hoá đơn chứng từ đối với các hộ trồng rừng lúc đang đương chức vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xuân đương nhiệm cho biết: Đối với các khoản thu trước, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Còn từ đầu năm 2020 đến nay, các khoản thu trên đang tạm dừng.
 
Thiết nghĩ, dự án trồng rừng là chủ trương lớn của Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi để phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo nguồn thu nhập cho người trồng rừng cũng như giải quyết nhiều lợi ích lâu dài, trong khi chính quyền phường Quỳnh Xuân dường như đang đi ngược lại với chủ trương này và gây khó cho người dân. Vì vậy rất mong chính quyền các cấp vào cuộc để giải quyết kịp thời quyền lợi cho người dân, để họ yên tâm trồng rừng.
.

Thuỳ Anh

.