Theo Văn phòng phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, số lượng các loại chất hướng thần mới (NPS), bao gồm cả thuốc phiện dạng tổng hợp, được báo cáo từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á tăng đều đặn. Vào cuối năm 2019, các quốc gia ở khu vực này báo cáo tổng cộng có 461 loại chất hướng thần khác nhau.
Ảnh minh họa |
Số lượng các chất hướng thần mới với tác dụng như các chất dạng opioid (thuốc phiện) được xác định ở Đông và Đông Nam Á đã tăng dần trong những năm gần đây. Mặc dù chỉ có 3 loại chất hướng thần dạng opioid tổng hợp được xác định trong khu vực vào năm 2014, nhưng số lượng này đã tăng lên 28 loại vào năm 2019.
Một số chất opioid tổng hợp được xác định trong khu vực có tác dụng rất mạnh và có liên quan đến những ca tử vong do sử dụng quá liều ở một số quốc gia ngoài khu vực, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và ở một số ít trường hợp ở châu Âu.
Có rất ít thông tin liên quan đến tử vong do sốc ma túy có liên quan đến sử dụng chất opiod tổng hợp không vì mục đích y tế ở Đông Á và Đông Nam Á mặc dù việc sử dụng các chất này tăng đều trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, có dấu hiệu cho thấy trên thị trường ma túy khu vực có sẵn chất hướng thần mới NPS mạnh.
Hơn nữa, các dữ liệu có được từ khám nghiệm tử thi gần đây ở Thái Lan cho thấy có sự sử dụng thuốc an thần giảm đau fentanyl dạng benzodiazepines lẫn methamphetamine cùng một lúc. Mặc dù không rõ là việc sử dụng chất opioid tổng hợp chiếm tỷ lệ bao nhiêu, nhưng phát hiện này rõ ràng là một mối quan ngại.
Mặc dù việc sử dụng ketamine không vì mục đích y tế từ lâu đã là một thách thức đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong những năm gần đây thị trường ketamine có những thay đổi. Giống như methamphetamine, lượng ketamine thu giữ được tăng đáng kể tại Đông Nam Á kể từ năm 2015.
Việc lượng ketamine bị thu giữ ở Đông Nam Á tăng mạnh chủ yếu là do một lượng lớn ma túy hiện đang được sản xuất bất hợp pháp tại Myanmar hoặc đang bị mua bán từ Myanmar. Hầu hết ketamine có trên thị trường khu vực được cung cấp từ chính khu vực, và cũng có chỉ báo cho thấy có đường dây cung cấp đến từ các khu vực khác ví dụ như Nam Á và châu Âu.
Diện tích trồng cây thuốc phiện giảm
Đối với thuốc phiện và heroin, báo cáo của UNODC cũng cho biết, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanmar đã giảm mạnh từ năm 2014. Trong năm 2019, diện tích trồng cây thuốc phiện giảm xuống còn 33.100 ha, giảm 11% so với 37.300 ha năm 2018. Thực tế này cũng liên quan đến xu hướng chuyển dịch sang ma túy tổng hợp của thị trường khu vực.
Giống như những năm trước, phần lớn cây thuốc phiện được trồng tại bang Shan, chiếm 85% (28.000 ha) tổng diện tích trồng cây thuốc phiện năm 2019, tiếp theo là bang Kachin 12% (3.900 ha), và các bang Chin và Kayah có tổng là 3% (1.200 ha). Giá của thuốc phiện tươi và khô cũng giảm trong các năm gần đây.
Mặc dù nhu cầu sử dụng thuốc phiện giảm, các băng nhóm tội phạm có tổ chức vận chuyển heroin vẫn tiếp tục kiếm được số tiền đáng kể. Trong khi lượng heroin tiêu thụ trong Myanmar là 6 tấn, có giá trị từ 152-290 triệu USD, việc vận chuyển heroin từ Myanmar sang các nước lận cận có giá khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, mặc dù xu hướng trồng thuốc phiện và sản xuất heroin giảm, loại ma túy này vẫn tiếp tục đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế và an ninh công cộng trong khu vực vì Myanmar vẫn là nơi cung cấp thuốc phiện và heroin chính ở Đông Á, Đông Nam Á cũng như ở Úc. Có hơn 3 triệu người sử dụng heroin ở những khu vực này, họ tiêu thụ lượng ma túy trị giá khoảng 10 tỷ USD ma túy hàng năm, qua đó khẳng định heroin vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
.