Thứ Hai, 01/06/2020, 08:10 [GMT+7]

Cảnh báo tội phạm lừa đảo qua không gian mạng

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các đối tượng đã gia tăng hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, chiếm đoạt số tiền lớn.
2 đối tượng trong đường dây mạo danh cán bộ Công an lừa đảo                                 bị bắt cuối năm 2019
2 đối tượng trong đường dây mạo danh cán bộ Công an lừa đảo bị bắt cuối năm 2019
Thông báo mới nhất của Bộ Công an nêu rõ, thời gian qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch của Chính phủ, hầu hết mọi sinh hoạt của người dân được thực hiện qua không gian mạng. Nhu cầu người dân ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để làm việc, hội họp, học tập, mua sắm, giao tiếp trực tuyến ngày càng tăng cao. Lợi dụng tình hình này, hoạt động lừa đảo qua không gian mạng ngày càng gia tăng, đặc biệt là thủ đoạn mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin hỗ trợ điều tra để đánh cắp thông tin tài khoản và chiếm đoạt tài sản, xảy ra nhiều tại các địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, An Giang…; chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng. Cá biệt, có vụ lừa đảo hàng nghìn nạn nhân trên toàn quốc, chiếm đoạt trên 500 tỉ đồng.
 
Tại Nghệ An, chỉ tính riêng từ giữa tháng 3 đến nay, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) đã tiếp nhận gần 10 tin báo từ thủ đoạn này. Trong số này có nạn nhân T.T.N. trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An đã bị các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn như trên chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng. Cũng trong 5 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã điều tra, làm rõ 5 vụ, 15 đối tượng phạm tội công nghệ cao. Hiện nay, Phòng CSHS đang khẩn trương điều tra, xác minh đơn trình báo của các nạn nhân. 
 
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân nói rằng họ bị kiện vì nợ tiền, hoặc có liên quan đến vụ án mà cơ quan điều tra đang giải quyết. Sau đó yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào tài khoản mà chúng cung cấp để điều tra. Thủ đoạn này khiến nhiều người dân lo sợ, mặc dù họ không làm ăn phi pháp nhưng cũng “chột dạ”, sợ hãi và răm rắp làm theo lời các đối tượng lừa đảo, chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp. Tất cả số điện thoại các đối tượng sử dụng đều là sim rác, vì vậy công tác xác minh gặp nhiều khó khăn.
 
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế… có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó. 
 
Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng thiết yếu, đang khan hiếm như: Khẩu trang y tế, nước rửa tay y tế, đồ bảo hộ... phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân. Ngoài ra, chúng còn cài mã độc lên wedsite quyên góp tiền từ thiện liên quan đến chống dịch COVID-19, khi người dân truy cập các wedsite này sẽ bị nhiễm mã độc, bị lấy cắp thông tin cá nhân như số điện thoại, mật khẩu tài khoản điện tử... Các đối tượng sẽ sử dụng những thông tin thu được để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không chỉ mạo danh cán bộ cơ quan tư pháp, các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng phòng, chống dịch gọi điện lấy lý do hướng dẫn nạn nhân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó lừa nạn nhân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử để đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.
 
Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan Công an đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Cơ quan Công an khuyến cáo, lực lượng Công an không làm việc với người dân qua điện thoại, vì vậy khi có dấu hiệu bị lừa đảo phải báo ngay cho lực lượng Công an gần nhất. 
 
Người dân khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng; tài khoản cá nhân.
 
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi nhận các thư điện tử. Kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư điện tử của người mình quen biết không. Không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm, ứng dụng tin cậy. Ngoài ra, tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
.

Huyền Thương (tổng hợp)

.