(Congannghean.vn)-Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mới đây huyện Can Lộc đã ra quyết định xử phạt liên quan đến việc xây khu sinh thái trái phép trên đất lâm nghiệp tại khu vực Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt như vậy là còn thiếu thuyết phục và chưa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật.
Khu vực bến thuyền, bãi đỗ xe xuất hiện thêm bức tường mới được xây dựng. |
Theo nội dung quyết định xử phạt do ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc ký ngày 13/5/2020, các hành vi sai phạm của ông Trần Huy Giáp được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, ông Giáp đã sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp (cải tạo, đắp bờ ngăn cách thành ao hồ); Sử dụng đất đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp (xây nhà ở, làm mái che) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Lấn chiếm đất chưa sử dụng khu vực tiếp giáp hồ Trại Tiểu xây bồn trồng hoa, chòi hình tròn một cột, không nằm trong đất rừng sản xuất được giao.
Với các sai phạm trên, ông Trần Huy Giáp bị phạt tổng cộng 17,5 triệu đồng. Trong đó phạt 7,5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất rừng sản xuất vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp, phạt 7,5 triệu đối với hành vi sử dụng đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp, phạt 2,5 triệu cho hành vi lấn chiếm đất. Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay hình thức xử phạt bổ sung.
Ngoài ra, quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Can lộc cũng yêu cầu trong vòng 60 ngày, ông Giáp khắc phục hậu quả, như: Khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với diện tích đất rừng sản xuất bị chuyển sang đất khác trong nhóm đất phi nông nghiệp, tháo dỡ các công trình trái phép xây dựng trên phần đất lấn chiếm, khôi phục lại nguyên trang ban đầu.
Riêng đối với phần nhà ở xây dựng trái phép, yêu cầu trong trong 60 ngày, ông Giáp phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn trên, nếu không xuất trình được giấy tờ thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.
Liên quan đến quyết định trên của UBND huyện Can Lộc, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt còn thiếu thuyết phục và chưa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật. Đầu tiên phải kể đến việc chỉ sử dụng Nghị đinh 91/2019 của Chính phủ là chưa đủ, bởi việc xây dựng trái phép còn phải bị xử lý theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ xử phạt vi phạm quy định về trật tư xây dựng.
“Việc ra thời hạn 60 ngày để ông Giáp làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng chính là áp dụng điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Và đương nhiên cũng phải xử phạt tương ứng với hành vi sai phạm trong lĩnh vực xây dựng”. Một cán bộ Sở xây dựng Hà Tĩnh cho biết.
Đặc biệt, chi tiết không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho thấy còn có sự bao che của cơ quan thẩm quyền. Kể từ khi sự việc được phát hiện lần đầu vào ngày 3/3/2020 đến nay, các cơ quan chức năng ở huyện Can Lộc đã có hàng chục cuộc làm việc, lập biên bản đình chỉ nhưng ông Giáp vẫn tiếp tục vi phạm. Điều này cho thấy sự coi thường pháp luât của chủ rừng và sự bất lực khó hiểu của chính quyền sở tại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện căn nhà mà ông Giáp xây dựng trái phép đã hoàn thành. Phía ngoài tường có lắp máy điều hòa, khuôn viên xung quanh lợp mái tôn chống nóng, Khu vực bến thuyền, bãi đỗ xe được xây thêm một bức tường cao khoảng 3m, rộng khoảng 5m, giống như biển quảng cáo. Nhiều hạng mục khác như trồng cây bóng mát, san gạt đồi vẫn được công nhân thi công bình thường.
Việc phạt cứ phạt, xây cứ xây cho thấy một loại bệnh đã nhờn thuốc khi người sai phạm coi thường tính thượng tôn của pháp luật. Còn các cơ quan chức năng ở huyện Can Lộc dù khách quan hay không thì cũng cho thấy chưa làm hết chức trách của mình. Vì vậy, câu chuyện xây xong rồi hợp thức hóa mà dư luận nghi ngại rất dễ trở thành sự thật./.
Căn nhà xây trái phép bi phát hiện khi đang làm móng, nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. |
.