(Congannghean.vn)-Cán bộ địa chính xã bị “tố” lấy đất của người dân để cấp cho em trai của mình, trong khi đất rừng của vị cán bộ này cũng bỗng dưng tăng vọt sau cấp, đổi; nhiều người không có rừng nhưng vẫn có danh sách cấp đổi sổ lâm bạ, đất của người dân đang sử dụng bỗng dưng “mọc” thêm bìa của người khác, dẫn đến xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài trong nhiều năm… là những dấu hiệu sai phạm trong cấp, đổi đất lâm nghiệp tại xã biên giới này.
Kỳ II: Nhiều “bất thường” sau cấp, đổi bìa đất
Đất rừng của dân, “đi lạc” vào bìa đỏ em trai cán bộ địa chính xã
Theo trình bày của ông Lê Doãn Thành trú tại thôn 5, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, ngày 15/10/1998, ông được UBND huyện Thanh Chương giao đất theo Nghị định 02 (nay là Nghị định 163). Theo Quyết định 281, ông Thành được giao 5,7 ha rừng sản xuất tại Tiểu khu 1000, khoảnh 2, lô 183 tại khu vực Khe Trổ, xã Thanh Thủy, thời hạn 50 năm. Đến thời điểm xã Thanh Thủy có chủ trương cấp đổi bìa rừng từ sổ lâm bạ sang GCNQSDĐ, ông Thành nộp lại sổ lâm bạ, được UBND huyện Thanh Chương cấp lại bìa đỏ, với diện tích mới là 111.622 m2. Một thời gian sau, ông Thành kiểm tra lại thì phát hiện diện tích rừng của mình đã được cấp theo Nghị định 02 đã nằm trọn trong 2 bìa đỏ của ông Bùi Xuân Liên, em trai của cán bộ địa chính xã Thanh Thủy Bùi Xuân Hùng. Ông Thành đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền để đòi lại quyền lợi nhưng không được quan tâm, giải quyết chính đáng.
Theo tài liệu phóng viên có được, tại danh sách hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp theo Quyết định 756 ngày 26/5/2009 của UBND huyện Thanh Chương, hộ ông Bùi Xuân Liên được cấp 2 thửa đất số 83 và 85, diện tích lần lượt là 40.688 m2 và 32.735 m2 tại khu vực Hồ Trổ, trùng với phần đất rừng của ông Lê Doãn Thành đã được cấp trước đó. Trong khi đó, theo biểu thống kê tình hình đất và rừng giao cho hộ gia đình làm vườn rừng, được UBND huyện Thanh Chương thống kê kèm theo Quyết định số 218 ngày 15/10/1998 thì ông Bùi Xuân Liên được cấp 14,4 ha tại Tiểu khu 1000, thuộc lô số 218. Vị trí được cấp này hoàn toàn khác so với 2 bìa đỏ mà ông Liên đang sở hữu từ sau khi thực hiện việc cấp đổi lại sổ lâm bạ.
Người dân xã Thanh Thủy bất bình trước việc làm có dấu hiệu sai phạm của cán bộ xã này vì liên quan đến đất rừng |
Ngoài ra, một số công dân tại xã Thanh Thủy thời gian vừa qua còn “tố” cán bộ xã này có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình cấp, đổi hồ sơ đất rừng từ bìa xanh sang bìa đỏ. Trong đó, mặc dù đã có quy định là mỗi hộ dân khi cấp đất rừng thì không quá 20 ha, song cán bộ địa chính Bùi Xuân Hùng, khi cấp đất vào thời điểm năm 1998 thì chỉ có 9 ha, nhưng đến lúc đổi sang bìa đỏ thì tăng vọt lên hơn 27 ha. Trong khi, nhiều người lại bị cắt giảm rất nhiều. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hữu Giáp, hồ sơ giao đất là 20 ha, nhưng khi cấp đổi lại bìa thì chỉ còn chưa đầy 8 ha. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, nhiều hộ dân không sử dụng đất, không làm đơn xin cấp đất vẫn có tên trong danh sách cấp GCNQSDĐ của xã Thanh Thủy.
Hợp thức hóa sai phạm từ thỏa thuận bằng… miệng?
Về những vấn đề nói trên, theo lý giải của UBND xã Thanh Thủy là đều do nguyên nhân khách quan, lịch sử để lại. Cụ thể, Báo cáo số 01 ngày 6/1/2020 của UBND xã Thanh Thủy cho biết: Trước đây, theo Nghị định 02, sổ lâm bạ được giao cho người dân gọi là bìa xanh, sau khi có chủ trương cấp đổi sang GCNQSDĐ (bìa đỏ) theo Nghị định 163, thì các hộ dân có bìa xanh cũng như các hộ chưa có lâm bạ đều được quyền làm đơn xin nhận giao đất lâm nghiệp theo quy định. Đối với trường hợp của ông Lê Doãn Thành, qua làm việc với ông Bùi Xuân Liên, xã Thanh Thủy đã xác nhận là khi có chủ trương của Nhà nước thông báo về việc làm đơn xin cấp đất, ông Liên đã xin nhận đất tại vùng Khe Dỏ, còn đất của ông Thành đã được giao thuộc vùng Khe Trổ. Ông Liên và ông Thành là hàng xóm láng giềng nên đã thỏa thuận bằng… miệng, hoán đổi vị trí cho nhau, ông Thành xin cấp đất rừng tại vị trí ông Liên đã làm đơn và ngược lại, ông Liên được sử dụng vùng đất mà ông Thành đã được cấp sổ lâm bạ.
Thời điểm đó, mặc dù không có văn bản thỏa thuận nhưng có cán bộ các cấp về giao đất, thấy các bên thỏa thuận cũng hợp lý nên cấp đổi theo nguyện vọng. Theo đó, cả ông Thành và ông Liên đều đi theo đoàn giao đất để ký nhận ranh giới, xác nhận diện tích được giao. Ông Lê Doãn Thành được giao đất vùng Khe Dỏ, diện tích 111.622 m2, số hiệu bìa đất là AE 642703; ông Bùi Xuân Liên được giao đất vùng Khe Trổ, với hai bìa đất số hiệu AE 642719 và AE 642720, tổng diện tích là 642.720 m2. Diện tích rừng nói trên ông Liên sử dụng ổn định, không tranh chấp còn ông Thành đã cho con rể là Nguyễn Đình Hoài, trú cùng xã nhưng anh Hoài không sử dụng mà ngày 30/4/2007 đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Minh Đệ trú tại TP Vinh. Trao đổi với ông Lê Doãn Thành, người này khẳng định không hề có sự thỏa thuận đổi vị trí với ông Liên, còn diện tích ông đã chuyển nhượng là thửa đất nằm ở vị trí khác, đã được huyện Thanh Chương cấp bìa đỏ cho cá nhân ông.
Vị trí đất rừng của ông Thành đã nằm trong 2 bìa đỏ của ông Bùi Xuân Liên |
Trên thực tế, ông Thành chưa từng được sử dụng thửa đất tại vị trí của ông Liên mà xã Thanh Thủy cho rằng, hai bên đã thỏa thuận miệng để hoán đổi. Mâu thuẫn là, hai diện tích đất này có sự chênh lệch nhau rất lớn, đất rừng của ông Thành lớn gấp gần 6 lần diện tích đất của ông Liên, nên UBND xã Thanh Thủy lý giải việc mất đất của ông Thành là do hai người này đã thỏa thuận hoán đổi vị trí cho nhau là không thuyết phục. Đối với việc đất của cán bộ địa chính Bùi Xuân Hùng tăng vọt, cùng với đó là diện tích của nhiều hộ dân khác bị giảm đáng kể sau cấp đổi, Báo cáo số 93 ngày 26/8/2019 của UBND xã Thanh Thủy cho biết: Xã Thanh Thủy căn cứ vào sổ giao đất lâm nghiệp từ năm 1998 - 2002 lưu tại xã và bản đồ Lâm nghiệp xã năm 2004 cho thấy, diện tích của các hộ dân trong hai loại hồ sơ này không trùng khớp nhau khi có hộ tăng, có hộ lại giảm là có thật.
Nguyên nhân, năm 1998 khi thực hiện Nghị định 02, xã Thanh Thủy giao cho các hộ dân với mục đích là để khoanh nuôi, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Thời điểm đi giao đất thì chỉ có cán bộ lâm nghiệp xã, cán bộ kiểm lâm và các hộ gia đình, chưa có bản đồ lâm nghiệp, chưa đo đạc mà chỉ ước lượng diện tích để giao cho các hộ dân. Năm 2006, khi thực hiện Nghị định 163, thực hiện chủ trương cấp đổi từ sổ lâm bạ sang bìa đỏ, địa phương có đơn vị tư vấn, căn cứ bản đồ lâm nghiệp năm 2004 chụp từ vệ tinh và căn cứ thực tế sử dụng của các hộ để cấp bìa.
Do đó, diện tích giữa sổ lâm bạ và thực tế có sự tăng, giảm. Hộ ông Bùi Xuân Hùng, cán bộ địa chính xã, diện tích theo sổ lâm bạ là 9,0 ha nhưng diện tích theo bìa là 27,5 ha. Một số hộ dân khác giảm, ngoài hộ ông Nguyễn Hữu Giáp giảm từ 20 ha xuống còn 7,8 ha, còn có hộ ông Phan Duy Dương giảm từ 14,8 ha xuống còn 4,2 ha; hộ ông Nguyễn Văn Dần giảm từ 18 ha xuống còn 1,8 ha… Đối với quy định mỗi hộ không quá 20 ha rừng, theo lý giải của UBND xã Thanh Thủy, thời điểm đó xã có chủ trương này nhưng không có văn bản. Do đó, mặc dù trong sổ theo dõi thời kỳ cấp sổ lâm bạ không có hộ gia đình nào vượt quá 20 ha nhưng khi cấp đổi lại bìa đỏ, có những hộ có diện tích vượt quá 20 ha, mà điển hình là hộ ông Bùi Xuân Hùng, cán bộ địa chính xã với diện tích là 27,5 ha.
Nội dung công dân “tố” cán bộ địa chính xã lập khống danh sách để cấp bìa đất, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, qua rà soát thấy phản ánh này là có cơ sở. Căn cứ tình hình thực tế sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Thanh Thủy, ngày 29/12/2016, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành Quyết định số 5781, hủy tên trong danh sách cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đã được cấp theo Quyết định 756 ngày 26/5/2006 đối với 3 công dân xã Thanh Thủy. Cụ thể, hủy tên các hộ bà Nguyễn Thị Vinh và bà Nguyễn Thị Bảy, cùng trú tại xóm 3 được cấp các thửa đất lần lượt là 85 và 87, tổng diện tích 47.928 m2 tại xứ Bể Nồi. Ngoài ra, bà Trần Thị Hòa ở xóm 8 cũng bị hủy tên tại thửa số 89, diện tích 29.617 m2. Lý do, ba hộ gia đình này từ trước đến nay không sử dụng đất, không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận và không có GCNQSDĐ đối với các thửa đất nói trên.
.