Thứ Năm, 07/05/2020, 14:38 [GMT+7]

Siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông

(Congannghean.vn)-Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra hết sức phức tạp kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề trong thời gian qua, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020. Với những quy định mới về giấy phép khai thác; đấu giá quyền khai thác cát, sỏi; cấm khai thác ở khu vực sạt lở; phải lấy ý kiến địa phương giáp ranh…, đây được xem là động thái tích cực nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường tiến hành đo khối lượng cát khai thác trái phép
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường tiến hành đo khối lượng cát khai thác trái phép
Theo số liệu do Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Nghệ An cung cấp, năm 2019, đơn vị đã phát hiện, xử lý 192 vụ với 158 cá nhân và 42 tổ chức có các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi. Đặc biệt, trước thực trạng khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, ngày 17/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn Nghệ An. Sau hơn 5 tháng triển khai đợt ra quân, Đoàn đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 135 tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn liên ngành đã góp phần hạn chế được các vi phạm về khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các địa phương dọc tuyến sông Lam và được chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao.
 
Tuy nhiên, sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành hoàn thành nhiệm vụ và giải tán theo chỉ đạo thì tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lại tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng CSMT đã bắt 23 vụ, 23 cá nhân có các vi phạm liên quan đến hoạt động này. Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài xử lý nghiêm nhưng vì lợi nhuận, vì kế sinh nhai, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tìm mọi cách để lén lút hoạt động. Hành vi khai thác cát, sỏi trái phép đã kéo theo nhiều hệ lụy như khiến cho đất sản xuất bị thu hẹp, tàn phá môi trường, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
 
Trên thực tế, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm và các ngày nghỉ. Các đối tượng thường thực hiện bơm hút cát trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau rồi nhanh chóng tìm cách di chuyển các phương tiện vi phạm ra khỏi khu vực hoạt động. Đây cũng là một trong những khó khăn của lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, bắt quả tang hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức. Mặt khác, việc khai thác vượt thời hạn, trữ lượng, mốc giới trong giấy phép gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống dân sinh trong vùng. 
 
Theo Nghị định 23 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020, trong Điều 9 quy định về giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông thì tới đây, khai thác cát, sỏi chỉ được thực hiện từ 7 giờ đến 17 giờ, không được khai thác ban đêm. Quy định này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của quần chúng nhân dân vì việc khai thác cát, sỏi được thực hiện trong khoảng thời điểm nói trên sẽ dễ dàng nằm trong sự kiểm soát của cơ quan chức năng, từ đó sẽ hạn chế được các vi phạm và ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sản xuất. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp thì đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đều có mức đầu tư lớn về kinh phí và thời gian nên nếu chạy đua với mức giá trôi nổi ngoài thị trường thì sẽ sớm bị thua lỗ. Do đó, nếu Nhà nước càng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ bao nhiêu thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vì họ sẽ không chịu cảnh bất lợi so với các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động để khai thác trái phép.
 
Rõ ràng, với quy định mới trong Nghị định 23 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4, xét về công tác quản lý Nhà nước hay phương diện thực hiện của các doanh nghiệp đều gặp rất nhiều thuận lợi. Đặc biệt là quy định giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất đó là làm thế nào để Nghị định đi vào thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, quyết liệt và nghiêm túc từ các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương. Có như thế mới hy vọng hạn chế được hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn chặn tình trạng ảnh hưởng đến môi trường, nguồn đất sản xuất nông nghiệp như trong thời gian qua. 
.

Ngọc Anh

.