Thứ Năm, 07/05/2020, 14:38 [GMT+7]
Tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An

Dấu hiệu sai phạm trong cấp, đổi đất lâm nghiệp (kì 1)

(Congannghean.vn)-Cán bộ địa chính xã bị “tố” lấy đất của người dân để cấp cho em trai của mình, trong khi đất rừng của vị cán bộ này cũng bỗng dưng tăng vọt sau cấp, đổi; nhiều người không có rừng nhưng vẫn có danh sách cấp đổi sổ lâm bạ, đất của người dân đang sử dụng bỗng dưng “mọc” thêm bìa của người khác, dẫn đến xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài trong nhiều năm… là những dấu hiệu sai phạm trong cấp, đổi đất lâm nghiệp tại xã biên giới này. 

Ông Nguyễn Hữu Giáp bên phần đất tranh chấp, gia đình sử dụng hơn 20 năm nay
Ông Nguyễn Hữu Giáp bên phần đất tranh chấp, gia đình sử dụng hơn 20 năm nay
Kỳ I: “Kỳ án” tranh chấp đất, chủ rừng thành bị hại 
 
Ông Nguyễn Hữu Giáp trú tại thôn 5, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương vừa có đơn gửi TAND tỉnh Nghệ An, yêu cầu thụ lý vụ án tranh chấp đất đai giữa gia đình ông và gia đình ông Nguyễn Hữu Trang ở thôn Thị Tứ, xã Thanh Thủy. Đây là vụ án tranh chấp đất rừng giữa hai gia đình, xảy ra từ năm 2006 đến nay, từ là người chủ rừng nhưng ông Nguyễn Hữu Giáp bị vợ chồng ông Trang khởi kiện ra tòa án.
 
Chủ rừng bỗng dưng bị kiện
 
Cụ thể, từ năm 1994, ông Nguyễn Hữu Giáp vào khu vực Đá Dựng, thuộc xã Thanh Thủy khai hoang đất rừng để làm trang trại. Năm 1998, ông đã làm đơn xin cấp đất lâm nghiệp, được UBND xã Thanh Thủy xét cấp cho hai vợ chồng diện tích 20 ha, có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Võ Văn Thịnh. Năm 2006, xã Thanh Thủy thông báo chủ trương cấp đổi sổ lâm bạ thành GCNQSDĐ nên ông Giáp đã nộp lại sổ lâm bạ và được UBND huyện Thanh Chương cấp 2 GCNQSDĐ gồm các thửa 114 và thửa 212, thuộc tờ bản đồ số 2, tại khu vực Đá Dựng, có diện tích lần lượt là 51.504 m2 và 26,583 m2, thời hạn sử dụng đến năm 2048. So với diện tích được giao ban đầu là 20 ha, diện tích hai thửa đất được cấp bìa này chỉ mới đạt chưa đầy 8 ha. Phát hiện ra điều này, ông Giáp đã làm đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.
 
Trong quá trình đó, ngày 26/5/2006 ông Nguyễn Hữu Trang cũng được UBND huyện Thanh Chương cấp thửa đất lâm nghiệp số 120, tờ bản đồ số 2 tại khu vực Tròi, xã Thanh Thủy, diện tích 82.080 m2, mục đích rừng sản xuất. Cho rằng, quá trình trồng rừng, ông Nguyễn Hữu Giáp đã có hành vi lấn chiếm diện tích này nên ông Trang và vợ là bà Hương đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. Sau nhiều lần hòa giải tại cơ sở không thành, tòa án đã thụ lý và bản án dân sự sơ thẩm số 20 ngày 21/11/2018 của TAND tỉnh Nghệ An, xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Trang, buộc ông Giáp có trách nhiệm trả lại cho vợ chồng ông Trang, bà Hương diện tích 77.621 m2 đã lấn chiếm, thuộc thửa đất số 120, tờ bản đồ số 2, tại khu vực Tròi, xã Thanh Thủy, trị giá hơn 232 triệu đồng.
 
Bản án còn yêu cầu ông Giáp tháo dỡ và di chuyển một ngôi nhà ngói 3 gian, 1 chuồng trâu bò xây gạch táp lô và các công trình khác, mà theo phán xét của tòa án là ông Giáp đã xây trên phần đất lấn chiếm. Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu ông Giáp thu hoạch và di chuyển đi nơi khác toàn bộ cây keo và tràm có giá trị 280 triệu đồng; 500 cây keo tràm và cây rừng trị giá 175 triệu đồng, 200 cây cam trị giá 40 triệu đồng và 20 cây cau trị giá 5 triệu đồng. Đồng thời, bác đề nghị của ông Giáp về việc yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Trang, bà Hương. 
 
Ngay sau đó, ông Nguyễn Hữu Giáp đã kháng cáo toàn bộ bản án lên tòa án tối cao. Bản án số 199/2019/DSPT ngày 14/11/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn là ông Nguyễn Hữu Giáp, hủy bản án dân sự sơ thẩm số 20 ngày 21/11/2018 của TAND tỉnh Nghệ An, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Nghệ An để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Nguyên nhân của việc hủy án, là bởi hồ sơ, chứng cứ của tòa sơ thẩm thu thập được còn sơ sài, lỏng lẻo, thậm chí hồ sơ cấp đất cho vợ chồng ông Trang có dấu hiệu mạo danh chữ ký. Cụ thể, hộ ông Trang được Nhà nước cấp GCNQSDĐ tại khu vực Tròi, xã Thanh Thủy với diện tích 82.000 m2. Thực tế từ nhiều năm trước và hiện nay, ông Giáp đang quản lý, sử dụng diện tích 77.621 m2, trong đó có 70.666 m2 ông Giáp trồng cây nhiều năm và 7.555 m2 xây chuồng bò, làm nhà tại thửa đất số 120 đang tranh chấp. 
Những dấu hiệu lạ trong hồ sơ               cấp đất của ông Nguyễn Hữu Trang
Những dấu hiệu lạ trong hồ sơ cấp đất của ông Nguyễn Hữu Trang
Nhiều khuất tất chưa được làm rõ
 
Theo ông Giáp, diện tích tranh chấp nằm hoàn toàn trong diện tích 20 ha mà ông được huyện Thanh Chương cấp ngày 26/5/2006. Ngoài ra, thửa đất mà ông Trang được cấp, có hộ liền kề là ông Giáp, hồ sơ cấp đất cho ông Trang có thể hiện chữ ký hộ liền kề là bà Lê Thị Thìn, vợ ông Giáp. Tuy nhiên, thời điểm đó bà Thìn đang bị bệnh tâm thần, không thể ký vào hồ sơ. Ngoài ra, Thông báo kết luận giám định số 646 ngày 8/11/2019 của Công an huyện Thanh Chương xác nhận, chữ ký của bà Thìn trong hồ sơ là không đồng nhất, không phải do một người ký.
 
Do đó, trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ ngày 26/5/2006 cho hộ ông Trang là có dấu hiệu không bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ông Giáp không thừa nhận đất của ông Trang tiếp giáp với phần đất của mình, nên từ tháng 1/2007 đã gửi đơn đến UBND huyện Thanh Chương, khiếu nại về việc xã Thanh Thủy cắt 8 ha đất lâm nghiệp của ông để giao cho ông Trang nhưng không được giải quyết. Quá trình thụ lý, TAND tỉnh Nghệ An không tiến hành lấy ý kiến của các hộ liền kề, không giám định chữ ký của bà Thìn theo yêu cầu của bị hại, cũng không thu thập kết quả giải quyết khiếu nại của UBND huyện Thanh Chương để làm rõ vấn đề này.
 
Thực địa tại hiện trường, phóng viên ghi nhận, hai khu vực đất rừng thuộc hai địa danh Tròi và Đá Dựng là hai vị trí hoàn toàn khác nhau, được chia tách bởi Quốc lộ 46B. Theo đó, nếu đi từ ngã ba Thanh Thủy ngược lên cửa khẩu thì địa danh Tròi nằm bên phía tay trái, còn Đá Dựng nằm bên tay phải. Thửa đất số 120 đang tranh chấp nằm ở khu vực Đá Dựng chứ không phải Tròi. Hai thửa đất số 121, 114 mà ông Giáp đã được cấp GCNQSDĐ thuộc khu vực Đá Dựng, liền kề với khu vực Tròi. Mặt khác, tại hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Trang, có nhiều điểm bất thường khi không có xác nhận ý kiến của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương, không có ý kiến của người thẩm tra hồ sơ cũng như ý kiến của Giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Chương nhưng UBND huyện Thanh Chương vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông này. Thậm chí, TAND tỉnh Nghệ An vẫn coi đây là hồ sơ hợp lệ để thụ lý vụ án. 
 
Ngoài ra, mặc dù cả ông Giáp lẫn ông Trang đều cung cấp sổ hồ sơ giao đất lâm nghiệp do UBND huyện Thanh Chương ký quyết định giao vào ngày 15/10/1998, song hai bộ hồ sơ này khác nhau về mặt hình thức, nhưng TAND tỉnh Nghệ An không tiến hành xác minh loại sổ nào là thật, được sử dụng vào thời điểm năm 1998. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Giáp khẳng định, hồ sơ của ông Trang là giả, được sự tiếp tay của cán bộ địa chính xã Thanh Thủy. Hiện, diện tích tranh chấp này, hộ ông Nguyễn Hữu Trang đã chuyển nhượng cho người khác sử dụng.
                                    (Còn nữa)
.

THIỆN THÀNH

.