Thứ Tư, 15/04/2020, 07:49 [GMT+7]

Từ 15/4/2020, đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội bị phạt 20 triệu đồng

(Congannghean.vn)-Nghị định số 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật.
Công an huyện Yên Thành làm việc với người đăng tải thông tin                                     không chính xác về trường hợp trốn khỏi khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19
Công an huyện Yên Thành làm việc với người đăng tải thông tin không chính xác về trường hợp trốn khỏi khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19
Cụ thể, tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
 
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
 
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
 
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
 
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
 
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
 
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
 
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
 
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
 
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
 
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
 
Thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến khối, xóm, thôn, bản đã tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin sát đúng tình hình dịch COVID-19 trong nước về số người bị nhiễm COVID-19, số người được chữa khỏi, số người phải cách ly, vùng bị dịch cần cách ly. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số người dân cả nước chấp hành nghiêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chủ trương khoanh vùng, phòng, chống dịch bệnh thì một số người còn tỏ ra lơ là, chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch và nguy hại hơn, một số người còn đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật về các trường hợp bị nhiễm COVID-19, bị tử vong, bị cách ly... khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch.
Thông tin đăng tải sai sự thật                trên mạng xã hội về tình hình dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch
Thông tin đăng tải sai sự thật trên mạng xã hội về tình hình dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch
Tính đến ngày 15/3/2020, theo thống kê của cơ quan Công an, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Công an các đơn vị, địa phương đã triệu tập, làm việc với gần 700 trường hợp chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, qua đó đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 146 đối tượng.
 
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực trong bối cảnh, mới đây Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa có hướng dẫn tòa án các cấp xử lý hình sự các hành vi liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngay sau đó, đối tượng Đinh Vĩnh Sơn trú tại tỉnh Lâm Đồng là đối tượng đầu tiên trong cả nước bị khởi tố hình sự về tội “Tung tin giả về COVID-19”. Cụ thể, sáng 1/4, trên mạng xã hội facebook của “Nhóm cộng đồng việc làm thêm học sinh sinh viên Đà Lạt” xuất hiện thông tin có nội dung: “Thông tin mới nhất về COVID Đà Lạt. Đà Lạt có 3 ca nhiễm COVID-19. Trong đó 1 ca đã tử vong lúc 4 giờ sáng nay, 2 ca còn lại đã được mang đi cách ly. Chính quyền đang lên danh sách những người tiếp xúc với 3 bệnh nhân đó. Dự tính số người tiếp xúc với bệnh nhân khoảng trên dưới 500 người. Bệnh nhân tử vong bên đường Đa Phú, còn 2 bệnh nhân còn lại ở chợ Đà Lạt. Thông tin mình sẽ cập nhật thêm. Mọi người chú ý không đi đâu nếu không cần thiết. Thông tin trên hoàn toàn chính xác. Không phải mình đùa 1/4 đâu, mình cũng không dư 12 triệu đóng phạt đâu, nên không rảnh đăng tin tào lao làm gì. Nên mọi người ai không tin thì lượn chỗ khác”.
 
Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải đã được nhiều người chia sẻ, bình luận, khiến cộng đồng mạng xã hội, người dân tại Đà Lạt hết sức hoang mang, lo lắng. Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định, người đưa thông tin này lên nhóm có tài khoản facebook là Hồ Hoàng Duy (tên gọi khác là Đại Tướng Hồ”). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định, người đưa thông tin này chính là Đinh Vĩnh Sơn (SN 1993) trú tại xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Tại cơ quan điều tra, Đinh Vĩnh Sơn thừa nhận, thông tin này là bịa đặt và giả mạo người khác để đăng tải với mục đích trả thù cá nhân. Chiều 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Vĩnh Sơn về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, Công an các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳnh Lưu... cũng đã triệu tập hàng chục trường hợp lên làm việc vì liên quan đến hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Đáng chú ý, ngày 10/2/2020, UBND huyện Tương Dương đã ra Quyết định số 192/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quang D. (SN 1985) trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương vì đăng tin sai sự thật lên trang facebook cá nhân. Trước đó, vào lúc 15 giờ 20 phút ngày 31/1/2020, ông D. đã đăng tải trên trang facebook cá nhân với nội dung: “Khu vực Yên Na có người Trung Quốc ốm từ Tết đến dừ không thấy ai đến kiểm tra, sợ thật”. Đến 18 giờ 26 phút ngày 2/2/2020, ông D. tiếp tục đăng tải trên trang facebook cá nhân với nội dung “…Sao dám nói họ ốm không phải Corona đã xét nghiệm đâu mà khẳng định. Yên Na cũng chả ai qua xét nghiệm họ ốm thì nói ốm bình thường ai biết…”. Qua xác minh của cơ quan chức năng thì bệnh nhân người Trung Quốc chỉ bị viêm họng thông thường và đã khỏi bệnh.
 
Không gian mạng tưởng chừng như ảo nhưng lại thật, bởi đứng đằng sau những thông tin được phát tán, chính là những con người thật và điều đáng ngại là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật lại được đăng tải, chia sẻ với tốc độ chóng mặt, có tác động rất lớn. Việc xác minh, xử lý những đối tượng đăng tải các nguồn tin giả, tin sai sự thật khiến cơ quan chức năng mất không ít thời gian, công sức, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch đang diễn biến phức tạp.
.

Đ. Thắng

.