Thứ Tư, 25/03/2020, 09:15 [GMT+7]

Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền

(Congannghean.vn)-Thực hiện Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021, thời gian qua, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân; tạo động lực để họ tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT và phòng, chống ma túy                                           bằng hình thức sân khấu hóa cho người dân vùng sâu, vùng xa
Tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT và phòng, chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa cho người dân vùng sâu, vùng xa
Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về công tác PBGDPL trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục xác định tuyên truyền, phổ biến cho nhóm đối tượng cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo về các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, pháp luật về chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. 
 
Quá trình thực hiện Đề án, ngành Tư pháp đã biên soạn và phát hành miễn phí Tập san Pháp luật và đời sống nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân tại các vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh với hình thức phong phú, đa dạng cùng nhiều hoạt động hưởng ứng thực chất, phù hợp với đặc thù của các đơn vị. Đặc biệt, năm 2019, thông qua hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn cho hàng trăm đối tượng ở các địa bàn trọng điểm vùng sâu và ven biển, hải đảo thuộc đối tượng người nghèo, diện chính sách và những nguời yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở để giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.
 
Riêng trong 2 năm 2018 và 2019, Sở Tư pháp đã in ấn hơn 3.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật cấp phát cho hòa giải viên cơ sở; hơn 20.000 tờ gấp pháp luật về các nội dung cơ bản của pháp luật mới nói chung và pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân; 6.400 tờ gấp Tìm hiểu pháp luật Việt Nam liên quan đến phòng, chống tra tấn cho nhân dân 125 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 26 xã biên giới và 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
 
Tiến hành rà soát, bổ sung các đầu sách vào hệ thống tủ sách pháp luật tại các xã vùng biên giới, hải đảo với nhiều văn bản gồm: Luật An ninh mạng, Luật Biên giới quốc gia; văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo như: “Việt Nam với việc thực hiện công ước về biển năm 1982”, “Chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, “Toàn cảnh biển đảo Việt Nam”... Đặc biệt, thường xuyên duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ: Phòng, chống tội phạm; Thanh niên với pháp luật; Thanh niên tuần tra; Thanh niên giữ yên biên giới; Pháp luật trong trường học; Thời sự pháp luật... Mỗi tháng 1 - 2 lần, hội viên của các câu lạc bộ sẽ được cung cấp thông tin về Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Trong đó, xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho cán bộ và nhân dân là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là ở vùng ven biển.
 
Cùng với Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”. Trong đó, chú trọng đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền như qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; qua các buổi họp thôn, bản; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn khẩu hiệu; tổ chức chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền; tổ chức “Ngày Pháp luật” tại cơ quan, đơn vị, địa phương; nói chuyện pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, các đơn vị Biên phòng còn phối hợp với các nhà trường thường xuyên tiến hành tuyên truyền PBGDPL cho học sinh để nâng cao nhận thức cho các em; đồng thời định hướng tuyên truyền pháp luật cho gia đình và người dân địa phương.
 
Năm 2020, để Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” phát huy hiệu quả thiết thực, mới đây, Ban chỉ đạo Đề án đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-BCĐ  về thực hiện các nội dung theo Đề án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị, địa phương tổ chức PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, ven biển, đảo theo các nhóm đối tượng cụ thể. Tiếp tục nhân rộng các hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao, tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật ở các đơn vị và xã, phường biên giới, ven biển; tổ chức xét xử lưu động một số vụ án hình sự ở các xã, phường biên giới, ven biển (nếu có).
 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật - hướng nghiệp, tổ hoà giải ở các xã, phường biên giới, ven biển phù hợp với từng đối tượng; phát huy hiệu quả Đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng tỉnh kết hợp PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, ven biển; PBGDPL thông qua thực hiện công tác chuyên môn của các lực lượng và những người có uy tín ở các xã, phường biên giới, ven biển. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ xây dựng tủ sách pháp luật và đảm bảo vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL…
.

Ngọc Anh

.