(Congannghean.vn)-Hoàn thổ (khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác trước khi tiến hành khai thác) là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng nhiều đơn vị, DN chưa thực hiện hoặc thực hiện mang tính đối phó nghĩa vụ phục hồi môi trường vẫn còn tái diễn.
Thực tế trên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác hoàn thổ sau khai thác khoáng sản |
“Vấn nạn” đáng báo động
Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ.
Theo đó, Quỹ này phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi DN khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong DN bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp DN không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm.
Tại Nghệ An, thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan trên tuyến sông Lam chảy qua địa phận một số huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương đã “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, hệ quả của “vấn nạn” trên đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương mà nguyên nhân chính là do việc hoàn thổ, trả lại hiện trạng cũ cho khu vực khai thác chưa được thực hiện hiệu quả. Thực tế trên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy và có thể tạo nên những điểm sạt lở bờ sông, khiến dòng sông chỗ lồi, chỗ lõm.
Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác, đơn vị chưa khai thông đúng hướng dòng chảy, gây xói lở bờ sông. Tình trạng nhiều DN không tiến hành việc hoàn thổ sau khi khai thác còn tái diễn tại nhiều điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như tại huyện Quỳ Hợp có 46 mỏ (mỏ đá và quặng thiếc), tính đến thời điểm đầu tháng 8 có 20 mỏ hết phép khai thác, trong đó có 10 mỏ xin gia hạn. Đáng chú ý là chỉ có 2 mỏ đã tiến hành hoàn thổ mặt bằng, còn 8 mỏ vẫn “án binh bất động”.
Còn tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, trong số 6 mỏ đất, có 5 mỏ đã hết hạn khai thác nhưng việc hoàn thổ vẫn chưa được thực hiện. Những mỏ đất không được lấp lại trở nên nham nhở với vô số hố sâu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhất là vào mùa mưa.
Trên thực tế, trước và trong quá trình khai khoáng, đa số các mỏ đều chưa có phương án phục hồi nguyên trạng về mặt bằng, môi trường. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là hiện trường khai thác để lại nhiều hố nước sâu, rất nguy hiểm, được ví như các hố “tử thần” nhưng lại không hề có biển cảnh báo, gây ra nhiều vụ việc đau lòng.
Đơn cử như trường hợp 2 anh em ruột Lê Viết Kiên và Lê Viết Sang trú tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn. Chiều 24/5, do thời tiết nắng nóng, 2 cháu rủ nhau ra khu vực sông Lam đoạn chạy qua địa bàn xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn tắm nhưng không may sảy chân xuống khu vực hố khai thác cát cũ dẫn đến tử vong.
Trước đó, tại TX Hoàng Mai cũng xảy ra vụ việc tương tự. Nạn nhân là cháu Hồ Hữu Tài (8 tuổi) được phát hiện trong tình trạng nổi ở hồ nước sâu chừng 3 m, nơi rộng nhất khoảng 30 m, do một công ty đào để khai thác đá song chưa kịp lấp mà không gắn biển cảnh báo nguy hiểm dưới chân núi thuộc mỏ đá Lèn Chùa (phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai).
Theo Nghị định 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại là từ 10.000 - 270.000 đồng/tấn; khoáng sản không kim loại từ 1.000 - 90.000 đồng/m3/tấn. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách Nhà nước. |
Cần sự chung tay phối hợp
Trước thực trạng nhiều DN sau khi khai thác xong đều “một đi không trở lại”, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành rà soát 30 điểm mỏ đã hết hạn trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều điểm mỏ chưa thực hiện việc hoàn thổ.
Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị, DN khai khoáng sớm hoàn thổ mặt bằng, phục hồi hiện trạng môi trường. Nếu DN nào không chấp hành, Sở sẽ lấy tiền ký quỹ tài nguyên môi trường mà DN nộp trước đó giao cho địa phương nơi diễn ra quá trình khai thác thuê đơn vị khác thực hiện việc hoàn thổ mặt bằng mỏ.
Trên thực tế, việc DN chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm hoàn thổ, khôi phục hiện trạng sau khai khoáng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ dự án, bởi có những dự án do cấp bộ quản lý, địa phương chỉ phối hợp.
Thiết nghĩ, để kiểm soát được vấn đề trên, cần tiến hành công khai các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác, như trữ lượng, diện tích, vị trí khai thác để người dân biết. Sau khi kết thúc quá trình khai thác, việc hoàn thổ, chi trả phí dịch vụ môi trường… cũng phải được công khai để nếu DN không thực hiện đúng cam kết, người dân địa phương có thể báo cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn việc di chuyển máy móc, phương tiện đi nơi khác trước khi hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Thực tế, các đơn vị, DN khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã, đang tạo việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động và đóng góp lớn vào nguồn ngân sách hàng năm của tỉnh. Vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, cơ chế pháp lý để các đơn vị khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để nguồn tài nguyên khoáng sản không bị lãng phí và vấn đề hoàn thổ, bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát; qua đó thiết lập lại trật tự hoạt động khai khoáng trên địa bàn.