(Congannghean.vn)-Những nội dung được phát trên mạng lưới truyền thanh cơ sở là những quy định pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân. Đặc biệt, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, điều kiện tiếp cận với các kênh thông tin còn hạn chế thì hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở được xem là phù hợp và mang lại hiệu quả cao.
Vai trò thiết thực
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50.000 loa truyền thanh ở 480 xã, được lắp đặt tại các khối, xóm, làng, bản… Truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin quan trọng để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, địa phương… đến với đông đảo người dân.
Đồng thời, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ dân trí, góp phần đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
Đặc biệt, với các huyện miền núi, do điện lưới quốc gia, mạng internet chưa phủ sóng tới tận các thôn bản vùng cao nên truyền thanh cơ sở càng đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các thông tin của người dân.
Anh Hồ Văn Minh, cán bộ văn hóa xã Tam Quang, huyện Tương Dương đảm nhiệm công tác tuyên truyền pháp luật qua hệ thống truyền thanh |
Việc phổ biến, GDPL qua mạng lưới truyền thanh cơ sở có những lợi thế nhất định như khả năng truyền tin nhanh, kịp thời, gần gũi với người dân ở cơ sở. Qua đó, đã giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày và những vấn đề khác mà người dân quan tâm.
Hình thức phổ biến pháp luật này có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian, có thể phát đi phát lại nhiều lần và chủ động về mặt thời gian; có thể lựa chọn thời gian thích hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, hình thức này không tốn nhiều kinh phí và lực lượng tham gia tuyên truyền, phổ biến. Những nội dung tuyên truyền pháp luật qua hệ thống truyền thanh thường ngắn gọn, dễ nhớ, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân.
Cần nhiều giải pháp
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác truyền thanh cơ sở, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp thực hiện công tác phổ biến, GDPL của cơ quan tư pháp và văn hóa - thông tin ở địa phương. Nội dung tuyên truyền đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với trình độ thực tế của người dân địa phương. Đồng thời, quan tâm tới việc chọn thời điểm phát thanh đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân.
Việc đẩy mạnh công tác đưa thông tin pháp luật về cơ sở đã góp phần tăng thêm hiệu quả và độ phủ sóng cho công tác tuyên truyền đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa tới công tác này.
Trước tiên, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các đoàn thể, khối, xóm, làng, bản trong việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, GDPL cho nhân dân. Tăng cường chỉ đạo đưa công tác phổ biến, GDPL trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân đầu tư đường truyền dây dẫn, loa phát thành đến tất cả các thôn, bản. Như vậy, người dân sẽ được tiếp cận các thông tin về pháp luật một cách kịp thời, đầy đủ. Đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.