Pháp luật
Nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người hiệu quả
(Congannghean.vn)-Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, huyện Con Cuông có 13 xã, thị trấn với 17.400 hộ, hơn 73.200 nhân khẩu, có 5 dân tộc sinh sống là Kinh, Thái, Thổ, Nùng, Đan Lai. Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, bộ mặt nông thôn, miền núi của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn nổi lên một số vụ việc phức tạp liên quan đến tình hình ANTT, hoạt động của các loại tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng, đáng chú ý là tội phạm mua bán người, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH.
Đại tá Nguyễn Đăng Việt, Phó Trưởng Công an huyện cho biết: Theo thống kê, tính đến tháng 7/2015, trên địa bàn huyện Con Cuông có khoảng 100 phụ nữ, trẻ em nghi bị mua bán và mua bán, tổ chức trốn ra nước ngoài. Xác định tính chất phức tạp của tội phạm, bên cạnh công tác phòng ngừa, Công an huyện đã tập trung đấu tranh, làm rõ 5 vụ, 9 đối tượng, giải cứu, trao trả 5 trường hợp về địa phương. Cùng với đó, qua công tác nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định trên địa bàn huyện có 13 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người hoặc đưa người xuất cảnh lao động trái phép.
Công an huyện Con Cuông phối hợp với các ban, ngành của huyện truyền thông về phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn |
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người là lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, éo le, các cô gái chậm kết hôn, người vợ có chồng nghiện ma túy, rượu, bạo lực gia đình hoặc các chị em có trình độ văn hóa thấp để dụ dỗ, lôi kéo với lời hứa có việc làm nhàn hạ nhưng thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán vào các động mại dâm hoặc bán cho người nước ngoài làm vợ. Với các nạn nhân là nam giới, chúng thường dụ dỗ sẽ giới thiệu việc làm với thu nhập cao, rồi đưa nạn nhân ra khỏi Việt Nam bán cho người nước ngoài để ép lao động nặng nhọc. Điều đáng lên án là những nạn nhân của các vụ mua bán người trước đây đã quay về quê nhà, mang theo tiền và vẽ ra những viễn cảnh về một cuộc sống phồn vinh ở xứ người để lừa chính người thân, bạn bè của mình, thậm chí cả chị em ruột thịt.
Qua thực tế cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Con Cuông tiếp tục diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, dân số đông, thiếu việc làm, chênh lệch về thu nhập, mức sống. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của nhân dân còn hạn chế, phần lớn nạn nhân chưa được cung cấp đầy đủ thông tin khi tìm kiếm việc làm nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình. Ngoài ra, công tác nắm tình hình tuy đã có nhiều chuyển biến nhất định song tội phạm vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Phần lớn các vụ mua bán người, mua bán trẻ em được phát hiện, điều tra, khám phá thông qua đơn thư tố cáo của nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc các cơ quan thông tin đại chúng...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng huyện Con Cuông đã thực hiện kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 48/2010/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị 09/2011/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán nguời.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền tập trung, lồng ghép với các buổi họp thôn bản, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề với học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung chỉ đạo đưa các vụ án điểm ra xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người. Tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ học nghề, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán và bố trí công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.
Xuân Thống