Pháp luật
Người tiêu dùng 'tự bơi' (Bài 2)
(Congannghean.vn)-Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được người tiêu dùng rất coi trọng. Trên thực tế, bên cạnh những sản phẩm chất lượng thì hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng “trôi nổi”, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng, trong khi công tác quản lý Nhà nước lại “không theo kịp” và tồn tại những bất cập. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý vấn đề này vẫn còn hạn chế, khiến người tiêu dùng phải “tự bơi” khi lựa chọn sản phẩm.
Bài 2: Xử lý nghiêm vi phạm về ATVSTP
Đảm bảo ATVSTP là hoạt động có điều kiện, mọi tổ chức và cá nhân phải chịu trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị được giao nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về ATVSTP, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tham mưu, đề xuất với cấp trên; đồng thời phối hợp các ngành chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm. Qua đó góp phần ổn định tình hình và từng bước đưa việc chấp hành pháp luật về ATVSTP vào khuôn khổ.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh cùng lực lượng Công an kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Vinh vào đầu năm 2015 |
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn có 15.442 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 1.953 cơ sở sản xuất chế biến, 8.552 cơ sở kinh doanh và 4.937 cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua điều tra, phân tích cho thấy, có đến 80% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm về ATVSTP.
Trong đó chủ yếu là vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu đầu vào (chất lượng thịt, gia cầm, sản phẩm gia cầm và nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch); vi phạm sử dụng các chất phụ gia (chủ yếu là chất tăng trưởng, chất tạo màu, chất tạo mùi, kết dính); vi phạm về sử dụng hoá chất (chất tẩy, chất bảo quản, chất kích thích nảy mầm, chất tăng trọng...); vi phạm thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc để chế biến thực phẩm cho người và các nhóm vi phạm về chất dinh dưỡng, vật liệu bao gói, tiếp xúc, tiêu chuẩn sức khoẻ...
Trên thực tế, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm hết sức tinh vi, bất chấp pháp luật, các giá trị đạo đức xã hội để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm độc hại, không an toàn. Đáng chú ý là các thủ đoạn lợi dụng triệt để các sơ hở trong chính sách nhập khẩu thực phẩm, gia súc, gia cầm, chất phụ gia; lợi dụng việc buông lỏng quản lý Nhà nước, những hạn chế, bất cập trong phân công, phân cấp giữa các ngành liên quan gồm Y tế, Nông nghiệp và Công thương; sự yếu kém trong giám định, thẩm định kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đầu ra cũng như những hạn chế, yếu kém trong thanh tra, kiểm tra, xử lý, khắc phục hậu quả đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trong những năm qua, Cảnh sát Môi trường Nghệ An đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với đối tượng vi phạm pháp luật về ATVSTP. Riêng năm 2014, đã tiến hành 466 lượt thanh tra, kiểm tra về ATVSTP ở 3 cấp, với 8.326 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện 1.382 cơ sở vi phạm. Phát hiện, bắt giữ, xử lý 73 vụ vi phạm về ATVSTP, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 300 triệu đồng; tiến hành tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm, bánh kẹo, chất phụ gia.
Để từng bước đẩy lùi những hành vi trên, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trước hết, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cảnh báo về tác hại, nguy cơ và các biện pháp nhận diện, phòng tránh các loại thực phẩm độc hại, thực phẩm không an toàn và các điều kiện an toàn bắt buộc đảm bảo ATVSTP, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP, nhất là trong các lĩnh vực thẩm định cấp phép đủ điều kiện về ATVSTP; thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm, công tác phối hợp và phân cấp trong quản lý chất lượng về ATVSTP giữa các ngành liên quan gắn với công tác quản lý xã hội, nâng cao đạo đức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và trách nhiệm của các ngành trong quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Xuân Thống