Pháp luật
Hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ: Cần mạnh tay xử lý
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của hàng giả, hàng gian lận thương mại, việc kinh doanh các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng diễn biến ngày càng phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, do những hạn chế trong quy định về phân định giữa hàng được bảo hộ và hàng vi phạm SHTT cũng như chế tài xử phạt chưa nghiêm nên số vụ vi phạm liên quan đến vấn đề này có chiều hướng gia tăng, song việc xử lý lại có sự chồng chéo và còn nhiều bất cập.
Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An, 7 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 5.033 lượt, qua đó xử lý 33.813 vụ liên quan tới kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ATVSTP, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỉ đồng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý 184 vụ liên quan đến hàng hóa vi phạm SHTT. Đáng chú ý, có rất nhiều vụ việc vi phạm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, sức khỏe của người dân. Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt ra quân xử lý nhưng thực tế cho thấy, các mặt hàng vi phạm SHTT khá đa dạng về chủng loại, từ hàng bình dân đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Chi cục QLTT kiểm tra hàng hoá tại chợ Vinh |
Tình trạng hàng hoá vi phạm SHTT đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính không chỉ phải chịu thiệt hại về kinh tế vì mất đi thị phần tiêu thụ, uy tín giảm sút mà môi trường kinh doanh cũng bị xâm phạm. Tình trạng này kéo dài một phần do sự hiểu biết của các doanh nghiệp về SHTT còn hạn chế, chưa phân biệt được đâu là các đối tượng bảo hộ SHTT, dẫn đến có sự nhầm lẫn giữa việc đăng ký bản quyền tác giả và sở hữu công nghiệp. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng chưa thể phân biệt được hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT, từ đó vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng có hành vi vi phạm.
Hiện nay, hàng gian lận thương mại, hàng giả và hàng vi phạm SHTT được làm, sản xuất rất tinh xảo mà bằng mắt thường thì rất khó phân biệt. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng QLTT trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng gia tăng nhưng các quy định, biện pháp, chế tài xử lý còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đơn cử, trong quá trình kiểm tra hàng xâm phạm quyền SHTT, dù lực lượng QLTT có quyền trực tiếp kiểm tra, xử lý nhưng lại không được phép tự ý kiểm tra doanh nghiệp vi phạm.
Bởi theo quy định, lực lượng QLTT chỉ được phép tiến hành kiểm tra các hành vi xâm phạm quyền SHTT khi có đơn yêu cầu xử lý của phía chủ sản phẩm bị xâm phạm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chủ sở hữu hàng hóa bị xâm phạm quyền SHTT trước khi muốn gửi đơn yêu cầu xử lý lên lực lượng QLTT thì phải có khuyến cáo gửi tới đối tượng có hành vi xâm phạm quyền SHTT sản phẩm của mình cũng như các chứng cứ liên quan. Do quy định, thủ tục yêu cầu được bảo vệ quyền lợi của mình khá phức tạp nên phía chủ sở hữu hàng hóa bị xâm phạm thường không kiên trì đến cùng với việc yêu cầu xử lý. Từ đó vô hình trung tạo ra “đất sống” cho các đối tượng có hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Ngoài ra, theo Nghị định 105 của Chính phủ, lực lượng QLTT chỉ được phép kiểm tra hàng hóa xâm phạm quyền SHTT lưu thông trên thị trường, không kiểm tra nơi sản xuất và mức phạt tối đa chỉ là 20 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An, muốn ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT, trước tiên phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành chức năng trong quá trình kiểm tra. Trong đó, vai trò của chính doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT là hết sức quan trọng.
Bởi chính họ mới biết rõ sản phẩm của mình bị đối tượng nào xâm phạm và chỉ rõ được hành vi xâm phạm đó. Do đó, phía chủ sở hữu sản phẩm bị xâm phạm quyền SHTT cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tránh tâm lý lo ngại khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của đơn vị mình. Mặt khác, cần đổi mới hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến các quy định về xâm phạm quyền SHTT và trước tiên, cần thống nhất việc đăng ký quyền SHTT hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cao Loan - Đặng Duyên