Pháp luật

Cấp thẻ nhà báo cho cộng tác viên - 'không tóc' nắm thế nào?

10:21, 15/09/2015 (GMT+7)

Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) quy định cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện cũng được xét cấp thẻ nhà báo. Điều này đang gây nhiều lo ngại bởi cộng tác viên không phải biên chế, hợp đồng của cơ quan báo chí, giao thẻ cho họ dễ bị lạm dụng làm bậy và khi đó biết “nắm tóc” ai mà xử?

Mở rộng dễ bị lạm dụng

Điều 36 quy định 8 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Theo chúng tôi, quy định 8 trường hợp như vậy là rộng, trong đó tại điểm 7, Điều 36 quy định cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện cũng được xét cấp thẻ nhà báo. Quy định này mở quá rộng bởi diện cộng tác viên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, cấp huyện rất lớn, người làm việc ở xã, thôn, làm việc trong hay ngoài cơ quan Nhà nước cũng đều có thể là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình huyện, tỉnh. Nếu cấp thẻ nhà báo cho những người này thì số lượng thẻ sẽ tăng lên rất nhiều.

Thứ hai, thẻ nhà báo là giấy tờ phục vụ công tác cho các nhà báo phải được quản lý chặt chẽ. Cộng tác viên thường xuyên của đài, báo chỉ cộng tác về mặt bài vở, chuyên môn chứ không thể ràng buộc trách nhiệm như một công chức, cán bộ thuộc cơ quan báo chí. Khi họ vi phạm nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì không thể lấy quy định cơ quan, tổ chức ra để xử lý kỷ luật, còn thu hồi thẻ thì cũng chỉ là phần giải quyết hậu quả, khác gì nắm người không tóc! Trong khi đó, hiện tượng lạm dụng thẻ nhà báo (nhiều nơi còn dùng cả thẻ nhân viên cơ quan báo chí, giấy giới thiệu, thẻ ra vào cơ quan…) để đến hù dọa, tống tiền cơ quan, tổ chức xảy ra ở nhiều nơi, hành vi này vừa vi phạm pháp luật (lừa đảo, tống tiền), làm xấu hình ảnh nhà báo, vừa gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp, công dân.

Mấy năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thẻ nhà báo để “kiếm ăn”, xử lý bằng cách thu hồi thẻ, giao cơ quan chủ quản cách chức hoặc chuyển công tác khác, nặng hơn thì buộc thôi việc, khởi tố hình sự. Tuy nhiên, thực trạng lợi dụng thẻ nhà báo và các giấy tờ có giá trị khác của cơ quan báo chí vẫn chưa thể kiểm soát, gây phân tâm trong dư luận xã hội.

Điểm nữa, mở rộng diện cấp thẻ dễ bị lạm dụng danh nghĩa cộng tác viên để xin cấp thẻ nhà báo, bởi lẽ tiêu chí xác định “cộng tác viên thường xuyên” cũng rất khó xác định, nhiều khi trở thành chỗ xin xỏ. Chẳng hạn, nhiều người có xe cá nhân hay kinh doanh vận tải thường có tâm lý muốn sở hữu một thẻ nhà báo hay thẻ cộng tác viên báo chí để tiện bề “trình bày” khi lưu hành trên đường nếu bị CSGT, TTGT kiểm tra. Chưa nói việc họ sử dụng thẻ đó vào những mục đích khác.

Quản lý báo chí, trong đó có quản lý phóng viên thường trú ở các địa phương đang là vấn đề lớn, trong đó nếu không kiểm soát được việc cấp thẻ nhà báo sẽ dễ dẫn đến lợi dụng thẻ nhà báo để nhũng nhiễu, tiêu cực. Do đó, theo chúng tôi, các cộng tác viên đài, báo không nên cấp thẻ nhà báo, nếu phục vụ công việc thì sử dụng giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị báo chí đó là phù hợp.

Hoạt động báo chí đang ngày càng sôi động, việc cấp thẻ cần phải được thực hiện chặt chẽ.
Hoạt động báo chí đang ngày càng sôi động, việc cấp thẻ cần phải được thực hiện chặt chẽ.

Không còn tổng biên tập?

Về quy định chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí, Luật Báo chí hiện hành quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập (báo in, điện tử) hoặc tổng giám đốc, giám đốc đài phát thanh, truyền hình (báo hình, báo nói). Tuy nhiên, Điều 27, dự thảo Luật Báo chí mới quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc mà không quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập. Như vậy, chức danh tổng biên tập của các cơ quan báo chí in sẽ như thế nào, các cơ quan báo chí in vẫn giữ chức danh tổng biên tập hay đổi thành tổng giám đốc, giám đốc?

Thực tế, chức danh tổng biên tập là khái niệm chung chỉ người đứng đầu cơ quan báo chí in không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với rất nhiều nước trên thế giới nên nếu đổi thành tổng giám đốc, giám đốc là không phù hợp. Còn nếu vẫn giữ chức danh tổng biên tập mà không quy định chức danh này là người đứng đầu cơ quan báo chí lại xảy ra nghịch lý: tổng biên tập nhưng lại không đứng đầu cơ quan báo chí in theo luật?

Nhà báo suốt đời?

Về tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, điểm e, Điều 27 dự thảo luật quy định tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không quá tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động. Đối với cơ quan báo chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm so với quy định của Luật Lao động. Theo chúng tôi, quy định này là cần thiết vì hiện nay, tại nhiều cơ quan báo chí của tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, người đảm nhiệm chức danh tổng biên tập, phó tổng biên tập làm việc không hạn định tuổi tác dẫn đến có người ngoài 80 tuổi vẫn làm tổng biên tập.

Quy định chỉ được kéo dài không quá 5 năm là phù hợp ở các đơn vị báo chí này. Tuy nhiên, chỉ quy định hạn tuổi của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu mà không quy định hạn tuổi với các chức danh khác là chưa đầy đủ. Thực tế, những người đảm nhiệm các chức vụ như trưởng ban, phó ban, trưởng cơ quan đại diện, văn phòng thường trú cũng cần quy định hạn tuổi vì đây là các chức vụ quan trọng trong tòa soạn cơ quan báo chí.

Hiện nay, nhiều tòa báo vẫn sử dụng người ngoài 60, 70, thậm chí ngoài 80 tuổi làm trưởng, phó trưởng đại diện, văn phòng thường trú ở các tỉnh, có người giữ vị trí này nhiều chục năm liền. Đối với nhà báo hiện luật cũng không quy định hạn tuổi phục vụ, tuổi được cấp thẻ. Thực tế cho thấy, nhà báo trong quá trình làm việc có liên quan đến cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức và nhân dân.

Việc không quy định hạn tuổi dẫn tới những người 80 hay thậm chí 90 tuổi vẫn có thể được cấp thẻ nhà báo, đi làm việc như công chức bình thường là không phù hợp. Những người ở độ tuổi này, nếu làm việc cho cơ quan báo chí thì chỉ nên sử dụng giấy giới thiệu, không nên cấp thẻ nhà báo.


Điều 16 dự thảo luật quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là: “Cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp” và các tổ chức khác của Nhà nước do Chính phủ quy định. Theo đề án quy hoạch báo chí đến 2025 đã được Bộ Chính trị cho ý kiến thì mỗi bộ, ngành chỉ có một tờ báo; không thành lập cơ quan báo thuộc các sở, ngành thuộc tỉnh, thành phố… Như vậy, cần đảm bảo tính thống nhất của đề án với luật, xác định cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội… ở cấp nào thì được thành lập cơ quan báo chí và ghi rõ trong luật. Nếu chỉ ghi chung chung như vậy thì có thể hiểu ở cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã… đều có thể thành lập cơ quan báo chí.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác