Pháp luật
Người tiêu dùng 'tự bơi'
(Congannghean.vn)-Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được người tiêu dùng rất coi trọng. Trên thực tế, bên cạnh những sản phẩm chất lượng thì hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng “trôi nổi”, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng, trong khi công tác quản lý Nhà nước lại “không theo kịp” và tồn tại những bất cập. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý vấn đề này vẫn còn hạn chế, khiến người tiêu dùng phải “tự bơi” khi lựa chọn sản phẩm.
Bài 1: Bất cập từ quản lý và phân cấp
Từ lâu, thức ăn đường phố đặc biệt thu hút nhiều tầng lớp người dân bởi sự ưu việt là rẻ và tiện lợi. Những chiếc xe “di động” được phủ những tấm khăn mỏng hay những chiếc lều tạm bợ được dựng lên tại các địa điểm trung tâm, cơ quan, trường học với đủ các loại thức ăn đang dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, nguy cơ mất ATVSTP do nguồn nước đến khâu chế biến không đảm bảo vệ sinh đang trở thành ẩn họa cho người tiêu dùng, nhưng lại không được chú trọng đúng mức.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại cơ sở bánh kẹo Hương Phúc, TP Vinh |
Sự chủ quan của người tiêu dùng và ý thức không chấp hành quy định của pháp luật của các cơ sở sản xuất đã gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra và kiểm tra về ATVSTP. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết thức ăn đường phố do chính quyền cấp xã, phường quản lý. Nhưng để quản lý tốt nguồn thực phẩm từ thức ăn này là việc làm rất khó khăn, do loại hình này hoạt động ngoài giờ hành chính, địa điểm không cố định, trong khi đến nay, ngành y tế cũng như các cấp chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể trong việc phân cấp cũng như xử lý vi phạm.
Thực tế hiện nay, kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP còn hạn chế, chỉ phân bổ tới ban chỉ đạo cấp tỉnh và huyện, còn ở cấp xã không có kinh phí hoạt động. Hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành ở cấp xã còn nhiều hạn chế, đặc biệt là kinh phí bị cắt giảm. Trong khi theo quy định, UBND cấp huyện phải bố trí kinh phí cho hoạt động ATVSTP, tuy nhiên các địa phương vẫn không thực hiện.
Đó là chưa nói đến những bất cập về nhân lực, bởi hiện tại vẫn chưa có nhân lực thuộc ngành Y tế và Nông nghiệp trong mạng lưới quản lý ATVSTP tại tuyến huyện, xã, mà nếu có thì cũng chỉ phân bố trái lĩnh vực chuyên môn; còn nhân lực của ngành Công thương (trực tiếp là lực lượng QLTT) lại không nằm trong ban chỉ đạo cấp cơ sở. Trong khi ở tuyến tỉnh, lực lượng thanh tra quá mỏng, dẫn đến diện thanh tra chưa rộng, thường xuyên và kịp thời; năng lực của các bộ phận chưa “đều tay”, hoạt động thanh tra của các đoàn liên ngành vẫn còn mang tính thời vụ, không liên tục. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra về ATVSTP ở cấp xã, huyện không cao, đi kèm với đó là hình thức xử phạt khi phát hiện vi phạm còn chưa nghiêm, chỉ đơn thuần là nhắc nhở, cam kết.
An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn tác động trực tiếp tới giống nòi. Ngày 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực, đồng thời Chính phủ cũng đã có hướng dẫn thực hiện. Theo đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh lĩnh vực thực phẩm bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Đây là yêu cầu đầu tiên và bắt buộc đối với cơ sở sản xuất thực phẩm.
Nếu hoạt động trên lĩnh vực này không đáp ứng đủ quy định, sẽ xử phạt từ cảnh cáo đến đóng cửa kèm phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng. Và quan trọng hơn cả, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, cơ sở sản xuất kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở và người lao động trực tiếp phải có chứng chỉ tập huấn an toàn thực phẩm, có giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế, đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết trong quá trình sản xuất về nguồn gốc nguyên liệu, nguồn nước, yếu tố vệ sinh nhà xưởng, dụng cụ bảo quản, bảo hộ lao động, trang thiết bị sản xuất…
Bài 2: Xử lý nghiêm vi phạm về ATVSTP
Xuân Thống