Pháp luật
Quản lý chặt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe
(Congannghean.vn)-Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định, trước ngày 1/7/2015, tất cả xe chở khách, xe đầu kéo sơ mi, rơ-moóc bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, 100% xe ôtô chở khách của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tiêu chuẩn, thiết bị được kích hoạt, hoạt động thường xuyên.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 2.000 phương tiện nằm trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các phương tiện này cơ bản đã chấp hành và hoạt động theo chiều hướng tốt. Đến ngày 1/7, đã có 100% phương tiện vận tải trên địa bàn toàn tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã nghiêm túc chấp hành việc lắp đặt trên các phương tiện, đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Điển hình như Công ty TNHH Du lịch Văn Minh, sau hơn nửa năm đưa thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động, việc quản lý phương tiện đã trở nên đơn giản và mang lại hiệu quả.
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe khách |
Nhờ có thiết bị giám sát hành trình, doanh nghiệp có thể kiểm soát số lượng xe của mình và giảm bớt nhân công. Khi sử dụng thiết bị giám sát hành trình để quản lý và theo dõi phương tiện, doanh nghiệp có thể giám sát được trạng thái hoạt động của phương tiện và lái xe khi đang lưu thông, từ đó có thể quản lý số km cũng như sự an toàn của phương tiện, lái xe, hành khách, đồng thời góp phần đảm bảo TTATGT. Điển hình như: Cảnh báo cho lái xe khi có hiện tượng vượt quá vận tốc, thời gian lái xe liên tục dài hơn quy định, dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định...
Trên thực tế, có rất nhiều phản ánh trái chiều từ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bởi không ít doanh nghiệp lắp đặt chỉ để đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp hoạt động manh mún, nhỏ lẻ chưa thực sự hiểu rõ tác dụng của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong khi chi phí cho mỗi thiết bị này lên tới 3 - 5 triệu đồng/xe. Có doanh nghiệp còn cố tình lắp đặt thiết bị không đảm bảo kỹ thuật, thông tin thiếu chính xác, độ tin cậy chưa cao, có trường hợp cố tình ngắt thiết bị giám sát khi xe đang lưu thông…
Trước thực tế đó, Sở Giao thông Vận tải đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát thiết bị hành trình đối với tất cả các phương tiện vận tải khi đến đăng kiểm cũng như cấp phù hiệu xe. Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thường xuyên vi phạm chạy quá tốc độ. Hàng tháng, Sở GTVT bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe của các đơn vị vận tải qua hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đó phục vụ công tác quản lý vận tải.
Nếu đơn vị nào có xe vi phạm sẽ bị xử lý, chấn chỉnh, đình chỉ khai thác theo quy định. Theo ông Nguyễn Hùng, Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải và ATGT, Sở GTVT, kể từ khi đưa vào sử dụng thiết bị giám sát hành trình, trong quá trình lưu thông, vận chuyển hành khách, các lái xe đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định giao thông. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các lái xe vi phạm cũng dễ dàng hơn nhờ thông tin mà thiết bị giám sát hành trình ghi lại. Chính vì vậy, Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương quản lý tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện vận tải.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết, bởi có tới 80% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lái xe.
Với công tác quản lý Nhà nước về ATGT, khi tích hợp thông tin từ thiết bị giám sát hành trình thì có thể xác định được tình trạng vi phạm các quy định về vận tốc, hành trình, thời gian lái xe liên tục của lái xe, từ đó đưa ra quyết định xử lý vi phạm đối với cá nhân lái xe hay với các doanh nghiệp vận tải…, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cao Loan