Pháp luật

Quy định về lao động giúp việc gia đình: Chưa đi vào thực tiễn

08:41, 19/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đến nay, đã hơn 1 năm thực hiện Nghị định 27/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình, thế nhưng, cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn chưa thật sự quan tâm đến các quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Trong đời sống xã hội hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng vì bận rộn với công việc nên ít có thời gian để chăm lo gia đình. Chính vì vậy, nhu cầu lao động về giúp việc gia đình ở các thành phố ngày càng tăng, thu hút một lượng lớn lao động nữ ở các vùng quê nông thôn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa xem giúp việc nhà là một nghề thực sự. Việc giao dịch giữa người giúp việc và người sử dụng lao động giúp việc vẫn còn mang tính truyền thống bằng hình thức thỏa thuận theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Người giúp việc chỉ xem đây là công việc tạm thời, thích thì nghỉ, còn người sử dụng lao động cũng chưa hiểu rõ nghĩa vụ của mình đối với người giúp việc.

Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ đưa nghề giúp việc gia đình trở thành nghề chính thức                       của xã hội
Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ đưa nghề giúp việc gia đình trở thành nghề chính thức của xã hội

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình. Trong đó quy định rõ: Giữa người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng ghi rõ thỏa thuận về tiền lương nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng, điều kiện ở của người giúp việc; được trả thêm tiền làm ngoài giờ trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT để tự mua bảo hiểm; được nghỉ ngơi ít nhất 8 giờ/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục, mỗi tháng được nghỉ ít nhất 4 ngày và nếu làm đủ 12 tháng, sẽ được nghỉ 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc, đồng thời là cơ sở để bảo vệ người giúp việc trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp; tạo điều kiện cho người giúp việc được đóng BHXH, BHYT như các ngành nghề khác. Tuy nhiên, hiện nay, sau 1 năm Nghị định có hiệu lực, hầu hết người giúp việc đều không biết về chính sách này.

Chị Nguyễn Thị Hiên (40 tuổi), giúp việc cho một gia đình ở phường Bến Thủy, TP Vinh cho biết: “Tôi làm việc ở đây gần 1 năm rồi nhưng chưa bao giờ nghe và cũng chưa thấy chủ nhà đề cập tới Nghị định này. Khi vào làm việc, tôi và chủ nhà thỏa thuận bằng miệng tiền công 3 triệu đồng/tháng, mỗi tháng được nghỉ 1 ngày”.

Không chỉ người giúp việc mà phần lớn người sử dụng lao động giúp việc cũng không biết về Nghị định này. Những người thuê giúp việc cho rằng, Nghị định có những điều khoản không hợp lý như: Nếu giờ chi trả thêm 20% để người giúp việc tự mua BHXH, BHYT thì hơi nặng vì gia đình đã “bao” tất cả chi phí sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, ngoài ra còn các khoản phát sinh như thuốc men lúc ốm đau, tiền tàu xe về quê, tiền lễ tết. Nếu phải chi trả thêm tiền BHXH, BHYT thì họ sẽ phải cân nhắc, tính toán cắt giảm các chi phí khác và nếu có trả thì không chắc chắn rằng người giúp việc có đi mua bảo hiểm hay không.

Theo ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Việc làm, lao động, tiền lương, BHXH Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trên thực tế, Nghị định 27 mang lại nhiều lợi ích cho người giúp việc. Tuy nhiên, nhiều quy định tại Nghị định còn chưa cụ thể, rất khó để thực hiện; vì lâu nay, giúp việc nhà chỉ đơn thuần là thỏa thuận giữa chủ nhà với người làm. Nếu giờ thực hiện theo những điều kiện ràng buộc thì sẽ tạo khoảng cách giữa chủ nhà và người giúp việc. Trong khi đó, Nghị định lại không nêu rõ ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó kiểm soát và đưa quy định này đi vào cuộc sống.

Rõ ràng, Nghị định 27 đã mở ra hướng phát triển để nghề giúp việc gia đình phù hợp với xu hướng thị trường lao động hiện nay. Tuy nhiên, để Nghị định đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại. Bên cạnh đó, người giúp việc và người sử dụng lao động giúp việc cần tìm hiểu và thực hiện nghiêm các quy định liên quan trong Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014 NĐ-CP. 

Đặng Duyên

Các tin khác