Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201507/an-toan-giao-thong-tren-cac-cay-cau-yeu-danh-du-voi-tu-than-620074/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201507/an-toan-giao-thong-tren-cac-cay-cau-yeu-danh-du-voi-tu-than-620074/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đánh đu với tử thần - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:00 [GMT+7]
An toàn giao thông trên các cây cầu yếu

Đánh đu với tử thần

Bài 1: "Gồng mình" bởi xe chở quá tải trọng
 
(Congannghean.vn)-Những năm qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp, nhưng trên những con đường này, vẫn còn tồn tại nhiều cây cầu "già nua". Hàng ngày, những cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc thiết kế cầu không còn phù hợp với yêu cầu phát triển phải "gồng mình" “cõng” nhiều chuyến xe chở quá tải trọng, đe dọa đến “sự sống” của cầu và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Do đó, việc khắc phục những bất cập liên quan tới tình trạng trên được xem là đòi hỏi cấp thiết trong xu thế phát triển vận tải đường bộ hiện nay. 
 
Cầu Khe ở xóm 10, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương có chiều dài gần 10 m, rộng gần 3 m, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối các xã Thanh Hà, Thanh Long, Thanh Giang và Thanh Thủy. Cầu được xây dựng cách đây vài chục năm, theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng; mặt cầu hẹp, lại bị bong tróc, nứt, sụt nham nhở, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Xung quanh mố cầu và dãy lan can 2 bên đã bị gãy, có chỗ bị cắt khỏi mặt cầu. Tình trạng trên kéo dài trong nhiều năm, chưa được khắc phục đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Điều đáng nói, mặc dù là cầu dân sinh nhưng trong thời gian qua, những cây cầu trên lại phải “gồng” mình bởi sức nặng của những chiếc xe quá tải trọng chở gỗ và vật liệu xây dựng, vì vậy, có thể “sập” bất cứ lúc nào. 
Mố cầu và lan can cầu Khe (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) bị sập, gãy
Mố cầu và lan can cầu Khe (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) bị sập, gãy
Tương tự, ở các huyện, hiện cũng đang tồn tại nhiều cây cầu do địa phương quản lý bị hư hỏng, xuống cấp, cần được nhanh chóng khắc phục. Điển hình như cầu Đò Rô, An Ngãi, Tân Thanh Hồng (huyện Tân Kỳ) bị mất lan can, thanh nẹp bị bong, bật, mất thanh dọc, đinh ốc bị long…; hay như cầu Bảy Tám (xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn), phần trụ cầu trên sông Đào bị thuyền đâm gãy cũng chưa được khắc phục. Toàn huyện Nam Đàn có trên 30 chiếc cầu yếu, tập trung ở 24 xã. Hầu hết những cây cầu này nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, được xây dựng cách đây đã hàng chục năm. Vì vậy, đều có chung tình trạng mặt cầu, mố cầu bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cộng với việc lại nằm ở khu vực đông người qua lại nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. 
 
Ngoài cầu do huyện quản lý, cũng tồn tại nhiều cây cầu yếu trên tuyến do Sở GTVT quản lý. Điển hình như cầu Nghi Văn 1 ở Km 25+600 ĐT.534, được xây dựng năm 1997. Hiện cả 2 mố cầu đã bị rạn nứt, bong tróc phần chân, tường cánh bị đẩy nghiêng do trụ yếu được gia công bằng khung thép nhưng hiện tại đã hoen gỉ, hư hỏng, lan cầu cũng bị rạn nứt. Điều đáng quan tâm hơn cả là, những cây cầu được thiết kế dành riêng cho xe có tải trọng thấp (từ 5 - 8 tấn), nhưng trên thực tế, dù đã bị xuống cấp nhưng hàng ngày đều phải “gánh” trên mình những chiếc xe tải trọng lớn, chở vật liệu xây dựng, hàng hóa.
Mặt cầu bị bong tróc, tạo thành hố, được gia cố bằng thân cây
Mặt cầu bị bong tróc, tạo thành hố, được gia cố bằng thân cây
 
Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây. Trong khi đó, trước đây, những cây cầu này thường được thiết kế đơn giản, với mặt cầu hẹp, bởi chúng nằm trên những con đường ban đầu được xây dựng chủ yếu theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, kết cấu bê tông cốt thép. Nhưng do tốc độ phát triển kinh tế, các loại phương tiện có trọng tải lớn gia tăng nhanh đã làm đa số cầu bị xuống cấp nhanh chóng, với các dấu hiệu như nứt mặt, nứt mố cầu, các dầm chủ bị nghiêng…
 
Qua tìm hiểu của phóng viên, để đảm bảo giao thông thông suốt trên những cây cầu, hàng năm, các địa phương, mà trực tiếp là Phòng Công thương đã tham mưu chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ để phát hiện, qua đó khắc phục, duy tu, sửa chữa kịp thời những chỗ hư hỏng trong khả năng cho phép, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão, lũ lụt.
 
Tuy nhiên, việc gia cố, sửa chữa chỉ là giải pháp trước mắt và về lâu dài, vẫn cần được xây mới nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người và các loại phương tiện khi lưu thông qua cầu. Do đó, để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, rất cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các cấp, ngành trong việc sửa chữa hoặc xây dựng mới những cây cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
(Còn nữa)
.

Xuân Thống

.