Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201501/co-che-tuyen-dung-tao-co-hoi-cho-nhieu-nguoi-dung-bang-gia-582434/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201501/co-che-tuyen-dung-tao-co-hoi-cho-nhieu-nguoi-dung-bang-gia-582434/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cơ chế tuyển dụng tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 26/01/2015, 14:08 [GMT+7]

Cơ chế tuyển dụng tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả?

Vụ việc Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá một đường dây mua bán bằng giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay và Thanh Hóa phát hiện 20 trường hợp cán bộ y tế dùng bằng giả cho thấy đây là “nhu cầu” lớn của… nhiều đối tượng trong xã hội!
 
Điều đáng nói là dù chỉ mới hoạt động từ tháng 2/2014, nhưng đường dây mua bán bằng giả do Phạm Đăng Thành (sinh năm 1990, quê Quảng Ngãi) cầm đầu mà Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá đã bán ra gần 600 bằng cấp giả các loại và hàng trăm học bạ, bảng điểm của nhiều trường trên cả nước. Đó là chưa nói đến con số người mua bằng cấp còn có thể cao hơn, bởi chưa thể thống kê hết và ban chuyên án đang tiếp tục điều tra mở rộng.
 
Các đối tượng bị bắt giữ khai nhận, một tấm bằng đại học, cao đẳng giả tới tay khách hàng có giá 5 - 9 triệu đồng; bằng thạc sĩ, tiến sĩ có giá 10 - 15 triệu đồng. Trong khi đó, ngoài thực tế để sở hữu một tấm bằng, với nhiều người ngoài thời gian “dùi mài kinh sử”, công sức, tiền bạc bỏ ra, ở đó còn có cả trí tuệ và tâm huyết, mồ hôi và nước mắt. Còn với một số người thì trong “nháy mắt” lại là có ngay tấm bằng, chứng chỉ mà không mất bất kì công sức nào ngoài tiền mua chúng...
 
Điều đáng nói, 2 vụ việc liên quan đến bằng giả này không phải là những trường hợp cá biệt. Bởi trước đó, trong cả nước đã có rất nhiều các vụ việc liên quan đến bằng giả đã được phát hiện. Ví dụ như tháng 8/2014, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xác nhận cơ quan chức năng đã có kết luận 20 nhân viên y tế học đường đang làm việc tại các trường tiểu học và THCS trong huyện sử dụng bằng giả. Trước đó, tháng 3/2014, lãnh đạo huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Định Công đối với ông Bùi Tuấn Ngọc vì giả mạo bằng cấp. Hay theo số liệu của Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng, năm 2011, toàn tỉnh có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục…. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng bằng giả trong xã hội là rất lớn.
 
Bằng cấp giả mạo do băng nhóm của Phạm Đăng Thành sản xuất
Bằng cấp giả mạo do băng nhóm của Phạm Đăng Thành sản xuất
 
Lý giải về thực trạng mua bán “bằng giả”, nhiều người cho rằng, nguyên nhân quan trọng chính là do sự háo danh. Khi xã hội tồn tại bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng thì sẽ có không ít người dùng tìm mọi cách để có được hư danh. Thêm vào đó, nhiều nhà tuyển dụng còn quá thiên về bằng cấp, họ đòi hỏi bằng cấp này, chứng chỉ kia mới tuyển dụng nên người ta phải “chạy” bằng giả.
 
Thẳng thắn mà nói, việc sử dụng bằng giả để làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước là rất khó, bởi nếu không có năng lực, trình độ thực sự, sẽ không thể tồn tại trong một môi trường có sức cạnh tranh cao, áp lực công việc nhiều. Thế nên, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển cho rằng, chỉ có cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mới thu nhận những người dùng bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả, bởi nếu họ làm không hiệu quả, yếu kém, thua lỗ thì đã có nhà nước, nhân dân chịu. Theo ông, chính cơ chế tuyển dụng nặng về bằng cấp đã làm nản lòng nhiều người giỏi, tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả.
 
Những sự việc này cũng làm chúng ta liên tưởng đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực ngày 25/2/2014: “Việc học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống chính trị của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu”. Vì vậy, người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo “thiết tha đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức.
 
Theo nhiều người, việc sử dụng “bằng giả” trong đa số các trường hợp không chỉ làm mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, làm “chậm” lại quá trình phát triển của xã hội bởi dân gian đã đúc kết rằng “nhiệt tình + ngu dốt” = phá hoại… mà trong một số trường hợp nó để lại hậu quả “khó lường” không thể cân đo đong đếm được.
 
Phân tích cụ thể từ thực trạng 20 cán bộ y tế dùng bằng giả ở tỉnh Thanh Hóa, GS-TS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, đây là điều không thể chấp nhận được. Bởi theo ông “Không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân là cực kỳ nguy hiểm. Những người mua bằng để làm bác sĩ chính là “lang băm” làm liều, coi thường tính mạng người bệnh”. Một chuyên gia trong ngành y tế “đau đớn” cho rằng những người sử dụng bằng giả về chuyên môn là vi phạm pháp luật, cần xử phạt nghiêm khắc.
 
Thực tiễn trước những trường hợp sử dụng “bằng giả” làm chúng ta liên tưởng đến dư luận xã hội về 30% cán bộ, công chức nhà nước "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Chính tư duy và cung cách làm việc kiểu “cha chung không ai khóc” sẽ là "môi trường" thuận lợi cho những người sử dụng bằng giả “diễu võ dương oai”.
 
Cổ nhân có dạy "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", nhưng với hành vi sử dụng bằng giả thì phải xử lý thật nghiêm để làm gương. Bằng giả thật rẻ rúng, cả về tiền bạc lẫn nhân cách, nên phải xử lý thích đáng để bớt đi những kẻ bỏ tiền… “mua” tư cách rởm!.
 
Từ những vụ việc này, thiết nghĩ, khi tuyển dụng, đánh giá năng lực công tác đội ngũ công chức, viên chức, tiêu chí vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở bằng cấp mà không đi liền với nâng cao chất lượng đào tạo, không đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ, thì khi đó, vẫn sẽ còn tồn tại những hệ lụy “chạy bằng”, tạo nên tình trạng “bằng giả”, “học giả bằng thật”!
 
.

Nguồn: dangcongsan.vn