(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Anh Sơn nói riêng và dư luận trong tỉnh nói chung rất bất bình trước việc gia đình ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa, nằm cạnh ngã tư đường Hồ Chí Minh mở ki-ốt làm nhà hàng trên diện tích đất được UBND xã Khai Sơn cho thuê trái phép. Sự việc trên kéo dài nhưng không được chính quyền địa phương và ngành chức năng kiểm tra, xử lý, ảnh hưởng đến hành lang ATGT, di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh.
Di tích bị lấn chiếm
Trên con đường lên các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, đoạn giao nhau với đường mòn mà người dân quen gọi là ngã tư Khai Sơn trên Quốc lộ 7, nhiều người chứng kiến hình ảnh rất phản cảm, đó là nhà hàng Canh Khoa khá bề thế, kiên cố được xây dựng sát với di tích đường mòn. Nơi đây là điểm đặt cột mốc ghi nhận công sức của lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong đã đổ xuống trên tuyến đường vận chuyển hàng huyết mạch, quan trọng cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 2003, cột mốc này đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Qua quan sát có thể dễ dàng nhận thấy, chủ nhà hàng đã chái thêm mái tôn để mở rộng diện tích, chiếm trọn xung quanh di tích, đồng nghĩa với việc hành lang giao thông tại vị trí này bị chiếm dụng hoàn toàn. Cột mốc di tích đường mòn Hồ Chí Minh với chiều cao 1,5 m, rộng 1 m bị nằm ép dưới mái tôn, phần chân đế bị tường rào bằng sắt lấn chiếm, mặt thân bia chỉ là những đường nét nguệch ngoạc bị xóa không còn nhìn rõ thông tin...
Qua tìm hiểu và trao đổi với người dân địa phương, hầu hết họ đều phản đối trước việc địa phương cho hộ gia đình thuê đất thuộc hành lang giao thông để kinh doanh; đồng thời nhà hàng Canh Khoa lấn chiếm đất, xâm hại đến di tích lịch sử đường mòn. Vì bất bình sự việc này nên nhiều lần cử tri đã phản ánh lên xã, huyện và các cuộc họp, tiếp xúc cử tri.
Diện tích nơi gia đình ông Canh thuê vừa trái pháp luật, vừa lấn chiếm công trình di tích lịch sử |
Chính quyền thờ ơ?
Để tìm hiểu những vấn đề dư luận phản ánh, qua trao đổi với địa phương, ông Nguyễn Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn thừa nhận: Việc UBND xã ký hợp đồng cho ông Nguyễn Hữu Canh thuê 24 m2 đất thuộc hành lang đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7A có thời hiệu từ tháng 12/2013. Hợp đồng trong hơn 3 năm, kéo dài đến hết năm 2016. Phía gia đình ông Canh thuê chỉ được dựng hàng quán tạm để kinh doanh. Tuy nhiên, khi được UBND xã cho thuê, họ đã đổ đất lấn chiếm hành lang giao thông và không gian mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn để xây dựng công trình nhà hàng, nhà nghỉ kiên cố. Khi xã phát hiện sự việc đã phân công cán bộ xuống tìm hiểu và yêu cầu họ tháo dỡ, đồng thời lập biên bản nhưng gia đình không hợp tác.
Theo đó, ngày 7/5/2014, khi phát hiện gia đình Canh Khoa có hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình kiên cố trên đất hành làng giao thông, UBND xã Khai Sơn đã lập biên bản đình chỉ thi công. Ngày 11/5/2014, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông 487 đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu gia đình ông Canh phải tháo dỡ công trình vi phạm. Tiếp đến, ngày 15/5/2014, các bên cũng đã tiến hành họp. Tại cuộc họp này, Cục Quản lý đường bộ II, Chi cục quản lý II.2 - Khai Sơn có quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu gia đình ông Canh phải trả lại hiện trạng ban đầu nhưng phía gia đình vẫn không chấp nhận mà còn tiếp tục thi công để mở rộng diện tích.
Đến cuối tháng 10/2014, nhà hàng này đã được xây dựng kiên cố, có thêm 7 phòng trọ cho thuê được xây dựng trên tổng diện tích 144 m2 đất hành lang giao thông và không gian cột mốc di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh.
Trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Anh Sơn, được biết: Việc làm này của hộ gia đình Canh Khoa là sai, bắt nguồn từ việc UBND xã Khai Sơn cho thuê đất trái phép. Sai phạm này UBND xã phải chịu trách nhiệm. Về phía huyện đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với xã Khai Sơn để tháo dỡ phần mái che ảnh hưởng đến không gian hành lang giao thông, không gian của di tích. Sau đó sẽ tổ chức họp để làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm các bên, cá nhân liên quan. Vì hợp đồng do xã ký nên đến khi hết thời gian cho thuê, huyện sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Riêng về Di tích cột mốc lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh, huyện chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp Ban Quản lý đường mòn để khôi phục, sơn sửa, trả lại hình ảnh như ban đầu, không để tình trạng nhếch nhác như vừa qua.
Như vậy, rõ ràng việc ông Canh và bà Khoa xây dựng nhà hàng là vi phạm, không chỉ ảnh hưởng đến hành lang giao thông, mà còn ảnh hưởng đến di tích lịch sử đường mòn. Điều đó cho thấy, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý còn thiếu sự quan tâm và thờ ơ trước vi phạm quá rõ ràng của hộ gia đình. Do đó, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì gia đình ông Canh phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Đồng thời, UBND huyện sớm có quyết định thu hồi diện tích đất đã thuê. Huyện Anh Sơn cần chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra sai phạm, xem đây là bài học cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
.