Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201410/viet-tiep-bai-chinh-quyen-lam-ngo-de-dan-lan-chiem-dat-cong-tai-tan-ky-544700/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201410/viet-tiep-bai-chinh-quyen-lam-ngo-de-dan-lan-chiem-dat-cong-tai-tan-ky-544700/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Viết tiếp bài: 'Chính quyền làm ngơ để dân lấn chiếm đất công' tại Tân Kỳ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/10/2014, 14:37 [GMT+7]

Viết tiếp bài: 'Chính quyền làm ngơ để dân lấn chiếm đất công' tại Tân Kỳ

(Congannghean.vn)-Sau khi Báo Công an Nghệ An đăng bài: “Chính quyền làm ngơ để dân lấn chiếm đất công”, phản ánh sai phạm đất đai tại huyện Tân Kỳ, UBND tỉnh đã lập đoàn thanh tra và ra Kết luận 62 về hàng loạt sai phạm trong việc để dân lấn chiếm đất công, cấp bìa đỏ sai quy định, không GPMB khu vực thư viện cũ và tòa án…”, sau đó tiếp tục đăng bài: “Thanh tra ra hàng loạt sai phạm”.

Sau khi báo ra, UBND huyện Tân Kỳ đã có hồi âm đến tòa soạn, đồng thời một số công dân cũng có nhiều phản hồi trái chiều. Để rộng đường dư luận, Báo Công an Nghệ An tiếp tục trở lại vấn đề này.

Những việc đã được thực hiện

Mặc dù tất cả các sai phạm đều do lịch sử để lại, nhưng sau khi có Kết luận 62, ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã có một loạt động thái tích cực là: Lập ban chỉ đạo thực hiện Kết luận 62, ra Công văn 347 giao trách nhiệm cụ thể cho Phòng TNMT, Nội vụ, Thanh tra, UBND thị trấn và UBND xã Nghĩa Bình.

Sau một thời gian theo sát kiểm tra, tích cực đôn đôc, quyết liệt chỉ đạo, tính đến ngày 11/9/2014, Tân Kỳ đã thực hiện dứt điểm 90% nội dung Kết luận 62. Đó là: Thống nhất phương pháp giải phóng mặt bằng đối với 4 hộ nằm trong hành lang lưới điện cao áp và hành lang đường mòn Hồ Chí Minh. Thu hồi, hủy bỏ 12 GCNQSDĐ cấp sai quy trình.

Xử lý dứt điểm các cá nhân lấn chiếm đất công, khiếu kiện lẫn nhau, tranh chấp đất đai. Quy trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch các lô đất đã đấu giá tại khu vực Trường THSP Miền núi cũ. Riêng nội dung: Giải phóng mặt bằng 11 hộ thuê ki-ốt kinh doanh khu vực thư viện cũ và 4 hộ trước TAND huyện Tân Kỳ thì vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Để thực hiện nội dung này, đích thân Chủ tịch UBND huyện ra: Văn bản chỉ đạo UBND thị trấn tổ chức đối thoại với 15 hộ dân. Kiểm tra, xác minh hiện trạng sử dụng ki-ốt quán và các loại giấy tờ liên quan, mời các hộ đến thống nhất thanh lý hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng. Yêu cầu các hộ tự di chuyển tài sản, trả lại mặt bằng.

Tổ chức cuộc họp giữa các phòng, ban liên quan thống nhất phương án thực hiện. Ngày 3/9/2014, Chủ tịch UBND huyện lại ra quyết định thành lập ban chỉ đạo riêng nội dung này. Ngày 19/9/2014, UBND huyện tiếp tục ra Công văn 89 về “Kế hoạch tuyên truyền, vận động các hộ dân GPMB” nhưng các hộ vẫn “bám trụ” và gửi đơn đến các cơ quan từ địa phương đến Trung ương.

Đi tìm nguyên nhân

Hồ sơ do cơ quan chức năng cũng như các hộ gia đình cung cấp đều thể hiện: Ngày 4/11/1994, UBND huyện Tân Kỳ ra Quyết định 206 về việc cho thuê 11 ki-ốt do huyện xây dựng với 8 điều khoản: “Hộ thuê ki-ốt làm dịch vụ phải thật sự có nhu cầu. Thời gian thuê 2 năm, hết thời hạn phải làm lại hợp đồng. Giữ nguyên hiện trạng không được làm biến dạng thiết kế ban đầu. Giá thuê 1.500.000 đồng/ki-ốt trừ dần hàng tháng”.

234
Dãy ki-ốt chưa giải tỏa

Vậy nhưng, theo “Biên bản kê khai tài sản” tháng 7/2014 giữa thị trấn và các hộ thì các điều khoản trên đều bị vi phạm như:  11/11 hộ cơi nới với diện tích gần 600 m2. Hiện tại chỉ còn vài hộ chính chủ, còn đã chuyển đi để ki-ốt cho người khác thuê lại. Tất cả hợp đồng đã hết thời hạn, có hợp đồng hết từ năm 2012 nhưng không ký lại. Từ năm 2012 đến nay, nhiều ki-ốt thị trấn không thu được đồng thuế nào.

Tuy nhiên, theo đơn công dân thì có 3 hộ: Trần Minh Loan, Lê Đức Nhiệm, Trần Công Hồng có đất ở nằm trong khu vực UBND huyện Tân Kỳ bị giải tỏa năm 1992 và huyện bố trí họ sang đây ở. Nếu xác minh điều đó có thật thì cần có một chính sách ưu tiên hợp lý cho các hộ này.

Riêng 4 ki-ốt tại cổng Tòa án thì các chủ ki-ốt phải tự xây lấy để kinh doanh. Trong số này, hộ ông Trần Khắc Châu hoàn toàn không có giấy tờ. Hộ ông Thiệp, bà Hảo có “Giấy cấp đất làm dịch vụ” ký kết với UBND thị trấn nhưng nêu rõ: “Khi thị trấn cần xây dựng đường sá, thiết kế những việc khác theo quy hoạch thì gia đình phải tự bốc dỡ ki-ốt trả lại đất”.

Ki-ốt bà Trần Thị Trà (hiện là Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ) không có ký kết với UBND huyện, thị. Chỉ riêng hộ ông Nguyễn Cảnh Công có “Đơn xin cấp đất”, có bút phê của Chánh án cũ nên cần được xem xét và có chính sách phù hợp. Theo các hộ này, họ được Chánh án cho ở đây và đã phải nộp một khoản tiền cho Tòa án xây dựng tường bao. Nếu quả như vậy thì đây là chuyện nội bộ mà Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ phải có trách nhiệm đứng ra giải quyết.

Làm việc với chúng tôi, đại diện các hộ mang “Sơ đồ quy hoạch chi tiết xây dựng đất ở” ra trình bày: UBND tỉnh đã quy hoạch chỗ ở cho chúng tôi nhưng huyện không chịu duyệt. Chúng tôi đã ở trên 20 năm và không tự ý đến ở mà có sự bố trí của huyện, ở đúng quy hoạch, sử dụng đúng mục đích, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không tranh chấp, lấn chiếm, không vi phạm pháp luật và ở trước ngày 15/10/1993, theo quy định của Luật Đất đai nghiễm nhiên phải được cấp bìa đỏ”.

Ông Trần Minh Loan là gia đình chính sách cho biết: “Phản ánh của các hộ dân là chính đáng. Chúng tôi không chống đối giải tỏa mà đòi hỏi quyền lợi mình được hưởng là cấp đất cho chúng tôi ở nơi khác và hỗ trợ đền bù”.

Rõ ràng, công tác đối thoại, tuyên truyền, vận động quần chúng của các ban, ngành quá kém, làm cho công dân chưa hiểu hết vấn đề. Đó là: Sơ đồ quy hoạch 8 lô đất ở khu dân cư là nằm phía sau lưng 11 ki-ốt. Nơi hiện có ki-ốt là hành lang giao thông. Điều 50, Luật Đất đai chỉ áp dụng cho các trường hợp đất khai hoang phục hóa, đất nằm trong khu dân cư.

Ở đây, các hộ thuê ki-ốt (không thuê đất) và mượn đất công làm dịch vụ nên việc GPMB trả lại đất cho Nhà nước là bất di bất dịch. Không ai có quyền cấp bìa đỏ cho cá nhân lên hành lang giao thông và đất công do Nhà nước quản lý. Dãy ki-ốt này nằm đối diện ngay trước trụ sở UBND huyện Tân Kỳ.

Vậy mà từ năm 1995, một số hộ đã cơi nới nhưng chính quyền bất lực. Năm 2008, Thanh tra Sở TNMT yêu cầu thị, huyện buộc các hộ chấm dứt kinh doanh, trả lại khuôn viên Tòa án, nhưng qua nhiều đời Chủ tịch vẫn không thực hiện được.

Lời kết

Việc tiếp tục xem xét nguyện vọng của công dân là: Ưu tiên bán đất không thông qua đấu giá cho các hộ chưa có chỗ ở là điều cần thiết. Nhưng nhanh chóng GPMB, hoành thành Kết luận 62 của UBND tỉnh Nghệ An là trách nhiệm bất khả kháng. Những người nguyên là cán bộ tiền nhiệm cần phải đầu tàu gương mẫu ủng hộ lớp kế nhiệm thực hiện chủ trương.

UBND huyện Tân Kỳ cần kiên quyết hơn dù đã muộn. Riêng 4 ki-ốt trước Tòa án, nếu Tòa nhất trí cho xây ki-ốt và lại thu tiền xây khuôn viên (đúng như phản ánh) thì Tòa phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản trên đất cho công dân.

.

Nguyễn Đình Lộc

.