Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201407/tai-truong-thpt-nam-dan-2-phu-huynh-phan-anh-hieu-truong-sach-nhieu-tieu-cuc-503958/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201407/tai-truong-thpt-nam-dan-2-phu-huynh-phan-anh-hieu-truong-sach-nhieu-tieu-cuc-503958/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phụ huynh phản ánh hiệu trưởng sách nhiễu, tiêu cực? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/07/2014, 09:22 [GMT+7]
Tại trường THPT Nam Đàn 2

Phụ huynh phản ánh hiệu trưởng sách nhiễu, tiêu cực?

(Congannghean.vn)-Bạn đọc Báo Công an Nghệ An phản ánh, ông Từ Viết Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn) có nhiều sai phạm trong quản lý, thu chi tài chính và tổ chức “chạy trường”, chuyển trường... Qua điều tra, những nội dung trên là có cơ sở…

“Vòi” tiền phụ huynh, xin hạ điểm chuẩn?

Theo nội dung phản ánh, năm học 2013 - 2014, điểm chuẩn vào lớp 10, Trường THPT Nam Đàn 2 lúc đầu được công bố là 18 điểm (đợt 1). Tuy nhiên, nhiều thí sinh đỗ vào Trường THPT Nam Đàn 2 sau đó không nhập học hoặc nhập học tại các trường khác khiến chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường bị thiếu buộc Sở GD&ĐT Nghệ An phải hạ điểm chuẩn xuống còn 16,5 để tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu kế hoạch.

Thế nhưng, ông Từ Viết Thái lại “bắn” tin tới phụ huynh những học sinh này “thông điệp”, nếu muốn con em mình được vào học tại trường, các bậc phụ huynh phải bỏ tiền “hỗ trợ xăng xe” để nhà trường đi “quan hệ” với cấp trên xin hạ điểm chuẩn...(?!). “Chiêu thức” này đã đánh lừa được nhiều bậc phụ huynh có con đạt điểm từ 16,5 đến dưới 18 điểm.

Trường THPT Nam Đàn 2, nơi phụ huynh phản ánh thầy hiệu trưởng có nhiều tiêu cực
Trường THPT Nam Đàn 2, nơi phụ huynh phản ánh thầy hiệu trưởng có nhiều tiêu cực

Nhiều phụ huynh xác nhận, việc thầy Thái “vòi” tiền với lý do đi xin hạ điểm chuẩn là có thật. Một phụ huynh cho biết: “Con tôi được 16,75 điểm, xem thông báo thấy bị trượt, cháu và gia đình rất buồn. May mà, mấy bữa sau, một cô giáo dạy cấp 2 ở gần nhà đến mách là nếu muốn cháu đi học thì phải mất một ít tiền để “chạy”... Tôi đồng ý và đưa ngay cho cô giáo này số tiền tổng cộng 3.850.000 đồng. Trong đó, 1.350.000 đồng là tiền nhập học đầu năm, 2,5 triệu đồng là tiền để thầy Hiệu trưởng đi “quan hệ”. Số tiền này, cô ấy bảo là đã nộp hết cho thầy Thái...(?)”. Một phụ huynh khác lại cho biết, thông qua một cô giáo dạy môn Anh văn trong Trường THPT Nam Đàn 2, họ nộp 1.350.000 đồng tiền nhập học đầu năm và 500.000 đồng “bồi dưỡng” cho thầy Thái...(!?)

Không ít  phụ huynh khẳng định khi biết con đỗ “vớt”, họ phải đến trường trực tiếp nộp khoản tiền 1.350.000 đồng nhập học đầu năm cho thầy Thái. Gặp số phụ huynh này, thầy Thái đều khẳng định, để các em được vào học, nhà trường nhờ có quan hệ tốt với cấp trên nên mới “chạy” xin hạ điểm chuẩn xuống để tuyển thêm được số học sinh này... Vì vậy, thầy Thái xin thẳng tiền hỗ trợ xăng xe, bồi dưỡng. Có phụ huynh thật thà cho biết: Do gia đình nghèo, nên họ chỉ mang theo đủ tiền nhập học đầu năm nên khi nghe thầy Thái đặt vấn đề xin “hỗ trợ” thì chỉ đưa cho thầy được một ít không đáng kể, gọi là cảm ơn.

Điều đáng nói, các khoản tiền trên, trực tiếp hay gián tiếp nộp cho thầy Thái đều không có phiếu thu. Chỉ nghe thầy Thái giải thích là dùng để may đồng phục học sinh, tiền bảo hiểm... Ngoài số tiền nói trên, các khoản thu khác trong năm học theo quy định, các em đều nộp đầy đủ. Nếu không tính khoản tiền “chạy” điểm nói trên, bình quân mỗi em học sinh được xếp vào loại đậu “vớt” phải nộp trên dưới 3 triệu đồng/năm học.

Trong đó, tiền xã hội hóa giáo dục được “ấn định” một mức là 500.000 đồng/học sinh… Phụ huynh cũng phản ánh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thông qua Hội phụ huynh, nhà trường đã ấn định thu 70.000 đồng/học sinh để “phục vụ thi cử”. Khối 12 nhà trường có 451 học sinh tham gia thi tốt nghiệp. Nhẩm tính số tiền trên phải đến trên 30 triệu đồng nhưng phụ huynh hoàn toàn không hay biết Hội và nhà trường đã sử dụng vào việc gì?

Chuyển trường cũng phải “đi đêm”?

Theo dư luận, kể từ khi ông Từ Viết Thái lên nhận chức Hiệu trưởng, việc tuyển sinh vào trường này mới có nhiều lời ong, tiếng ve, số học sinh xin chuyển trường 2 năm trở lại đây tăng đột biến. Dư luận cho rằng, việc để xảy ra “làn sóng” chuyển trường trong học sinh tại Trường THPT Nam Đàn 2 là do chính ông Thái tạo ra nhằm dễ bề “kiếm chác”.

Điểm chuẩn vào lớp 10, Trường THPT Nam Đàn 1 năm nào cũng cao hơn Trường THPT Nam Đàn 2 từ 8 đến 9 điểm. Vì vậy, nhiều học sinh tại các xã Nam Lộc, Nam Tân, thị trấn Nam Đàn... “nhắm” nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nam Đàn 2. Học được 1 - 2 học kỳ, các em này sẽ xin chuyển về Trường THPT Nam Đàn 1.

Việc chuyển trường sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu học sinh đủ điều kiện theo quy định và không liên quan đến chuyện tiền bạc, chạy chọt. Một vị phụ huynh trú tại xã Nam Lộc cho biết, con ông đậu nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nam Đàn 2. Hết kỳ 1 năm học 2013 - 2014, gia đình xin chuyển về Trường THPT Nam Đàn 1. Dù đã được người quen giới thiệu, nhưng ông vẫn phải thực hiện “cơ chế” như thường. Vị phụ huynh này đã phải gián tiếp chi 2,5 triệu đồng để thầy Thái chấp nhận chuyển trường cho con. Một phụ huynh khác cho biết, chồng chị cũng đã mang đến nhà thầy Thái 1 két bò húc cùng 1 triệu đồng để xin cho con trai được về học tại Trường THPT Nam Đàn 1.

Một phụ huynh khác hồn nhiên “bật mí: “Nếu thầy Thái chưa gật đầu cho chuyển thì phải đến nhà thầy nhiều lần, quà cáp... Nói thật, để con tôi được chuyển trường, tổng tiền quà cáp, phong bì của nhà tôi chi ra cũng mất gần 3 triệu đồng. “Lần đầu đến không đem theo quà cáp gì, thầy Thái bảo khó lắm, để thầy xem xét đã, danh sách học của các em bây giờ ở dưới sở cả, muốn chuyển chúng tôi phải đi lại xin mới được, tốn kinh phí... Hôm sau, tôi kèm theo túi quà và phong bì 300 nghìn đồng thì thầy đồng ý. Hôm lên lấy hồ sơ cho con, thầy còn gọi vào phòng bảo đã nộp tiền chi phí chưa, tôi đành phải bỏ thêm 300 nghìn đồng nữa...” - vị phụ huynh này chua chát.

Một vị phụ huynh khác chép miệng: “Học gần hết học kỳ 1, gia đình lên nhờ thầy Thái chuyển trường. Thầy nói ngay: Chưa có điểm học kỳ 1 nhưng nhiều khả năng cháu không đủ điểm khá nên khó chuyển lắm. Hơn nữa, chưa tổng kết học kỳ nên danh sách học sinh đang do sở nắm hết... Sau một hồi suy nghĩ, thầy Thái ra giá 5 triệu đồng, vừa nâng điểm, vừa lo việc chuyển trường. Thế là gia đình tôi lo đủ 5 triệu đồng đưa thầy, cháu được chuyển trường...

Theo hồ sơ P.V thu thập, năm học 2012 - 2013, Trường THPT Nam Đàn 1  tiếp nhận 9 học sinh; năm học 2013 - 2014 là 14 học sinh từ Trường THPT Nam Đàn 2 chuyển về. Dư luận đặt câu hỏi, trong số này, ông Thái đã “gặt hái” được những gì, có bao nhiêu học sinh đủ điều kiện, bao nhiêu em đã phải bỏ tiền ra chạy điểm, hợp lý hóa hồ sơ để được chuyển trường?

Sau nhiều lần liên lạc, ông Từ Viết Thái mới chịu nghe máy. Ở đầu dây bên kia, ông Thái luôn miệng khẳng định, nhà trường đã làm đúng theo chỉ đạo về công tác tuyển sinh của Sở GD&ĐT. Đồng thời biện bạch nhiều lý do từ chối gặp, cung cấp hồ sơ (vì không có giấy giới thiệu của sở) và cho rằng việc đó sẽ khiến báo chí không thể viết bài được. Ông Thái hẹn chờ sau khi nhà trường tổ chức đi nghỉ mát về kèm theo một thông điệp: “Tôi có thể gặp anh nhưng hồ sơ thì không có lý do gì phải cung cấp cho anh xem. Việc chuyển trường chúng tôi làm theo đúng nguyên tắc, tất cả đều vì học sinh thân yêu”...(!?)

Ngày 16/6, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, sở đã nhận được đơn thư tố cáo sự việc trên và đang triển khai xác minh. Tuy nhiên, ông Ngọ phủ nhận việc Trường THPT Nam Đàn 2 phải “quan hệ” để tăng học sinh, tăng lớp. Còn ông Tô Bá Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2013 - 2014 của Trường THPT Nam Đàn 2 là 11 lớp với tổng số học sinh là 418 học sinh (38 học sinh/lớp), điểm NV1 là 16,5, điểm NV2 là 21,5. Tuy nhiên, đây là vùng đặc thù, lại hay có học sinh chuyển trường nên sở đã cho phép lấy thêm 10 học sinh (?). Số học sinh ngoài kế hoạch này do Phòng Giáo dục Trung học phê duyệt sau khi đã xin ý kiến lãnh đạo sở (?).

.

Văn Dũng