Xây dựng NTM
Nhiệm vụ liên tục, thực hiện thường xuyên
(Congannghean.vn)-Bác Hồ đã từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tế trong nhiều năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp về trách nhiệm nêu gương nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp, hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở, nhiều tổ chức Đảng vẫn còn những bất cập, tồn tại, dẫn đến hiệu quả chưa cao và chưa tạo được sức lan toả lớn, trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện cũng như đạo đức, lối sống...
Bài cuối: "Nêu gương là việc hàng ngày"
Xác định vai trò quan trọng của việc nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh tác động yếu tố khách quan tình hình hiện nay, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận ban hành Quy định về nêu gương cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Công an Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An. Ảnh: Đình Hưng |
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đánh giá vai trò của việc nêu gương cán bộ, đảng viên như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Việc nêu gương cán bộ, đảng viên không phải là vấn đề mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người đã có những luận điểm rất quan trọng về đạo đức cách mạng; tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; công tác cán bộ; công tác tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ trước đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều nội dung, quy định liên quan đến trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, nguyên tắc của nêu gương cán bộ, đảng viên chính là việc thực hiện phương châm: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” với hàm ý đảng viên phải gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, không ngại hy sinh; như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đối với đảng viên giữ vị trí lãnh đạo càng cao, được tín nhiệm thì việc nêu gương, tự giác càng phải thể hiện rõ hơn hết.
Nguyên tắc là như vậy, tuy nhiên, trên thực tiễn có nhiều yếu tố tác động đến cán bộ, đảng viên với những biểu hiện rất đa dạng, phong phú. Đó là cám dỗ về vật chất, quyền lợi, sự nể nang trong mối quan hệ, là sự ngại khó, ngại khổ, và có khi, là thiếu sự dũng cảm nhận trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, một số đồng chí thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì thế, việc ban hành các quy định về nêu gương cán bộ, đảng viên để nhắc nhở mỗi đảng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng trong công việc, lối sống, “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.
Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011 - 2016 |
Phóng viên: Được biết, vừa qua, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vậy quy định này có điểm gì mới so với các quy định trước đó, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua là sự kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các nội dung về việc nêu gương cán bộ, đảng viên từ các quy định trước đó. Trong đó, có nhiều điểm mới đã được bổ sung phù hợp với điều kiện hiện nay, mang tính thời sự, thể hiện rõ sự vận động của cuộc sống. Quy định trách nhiệm nêu gương của từng Ủy viên được xây dựng theo nguyên lý: “Có xây có chống, xây trước, chống sau”. Theo đó, các đồng chí Ủy viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình…
Song hành với nhiệm vụ “xây” là “chống”. Thực tế, một số cán bộ, đảng viên vẫn đang xem nhẹ việc “chống”, xem đó không phải là việc của mình, thấy người khác làm sai thì không nhắc nhở, xử lý, thậm chí bao che. Quy định “chống” để thực hiện trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý “từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nghiêm khắc với bản thân: Không nên làm, không được làm và kiên quyết chống. Các nội dung này là sự phát triển, cô đọng và hoàn thiện, quyết liệt hơn so với các quy định trước đó. Nhất là có sự ràng buộc đối với đảng viên cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Song song với quy định mới này, Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định 105/QĐ-TW năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn phát huy tác dụng và được thực hiện.
Phóng viên: Có thể khẳng định: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” là nguyên tắc căn bản nhất của việc nêu gương cán bộ, đảng viên. Vậy, đồng chí có thể cho biết điểm cốt lõi để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu là gì?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Đó là sự tự giác. Tự giác trong rèn luyện tu dưỡng để xứng đáng là người đảng viên được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng. Rèn luyện trước hết là ở “tâm trong”, nghĩa là tư tưởng thông suốt, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để mình “đứng vững” trước những cám dỗ, thử thách trong công việc và cuộc sống. Tự giác nêu gương bởi sẽ không ai “giám sát” mỗi người hàng ngày, mọi lúc, mọi hành động, lời nói. Tự giác nghiêm khắc với chính mình và còn thể hiện thái độ kiên quyết với những sai trái ở cuộc sống xung quanh.
Sự ban hành Quy định nêu gương cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, tất nhiên, việc thực hiện phải là một quá trình lâu dài, qua thử thách, không thể ngày một ngày hai. Nêu gương là việc hàng ngày. Quan trọng nhất để mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn chính mình, không để bản thân bị dao động trước những tác động tiêu cực. Qua quá trình rèn luyện, thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ thể hiện thống nhất trong hành động, lời nói, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Có được điều đó, các cấp ủy phải tăng cường quán triệt, tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và hiểu rõ trọng trách, nhiệm vụ của mình.
Phóng viên: Tại Nghệ An, thời gian qua, việc triển khai nêu gương cán bộ, đảng viên đã được thực hiện khá đồng bộ. Trước thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Theo đánh giá chung, tại Nghệ An, việc nêu gương cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa. Nội dung này được thực hiện song hành ở 2 nhiệm vụ: Vừa tuyên truyền, biểu dương các điển hình, nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt” trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh...; đồng thời, đấu tranh, phê phán, nhắc nhở các cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn những thách thức, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa. Còn có tình trạng cán bộ, đảng viên chưa phát huy vai trò tiên phong gương mẫu.
Trước yêu cầu của tình hình mới, để đạt mục tiêu đặt ra, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt cần nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng thêm nhiều “điểm sáng” trong triển khai nhiệm vụ; đổi mới cách nghĩ, cách làm; chủ động, sáng tạo và từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, đầu tư từ cấp trên. Phát huy tính gương mẫu xung kích của mỗi cán bộ, đảng viên chính là cơ sở, động lực quan trọng nhất để Nghệ An thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân tỉnh nhà.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đảng bộ tỉnh Nghệ An có 29 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 21 đảng bộ huyện, thành phố, thị xã) trên 1.600 tổ chức cơ sở đảng, hơn 180.000 đảng viên. Từ năm 2014, Nghệ An đã triển khai Đề án số 07-ĐA/TU về “Nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên”. Nghệ An được đánh giá là một trong những đảng bộ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Xuân Thống - Mai Hậu
(thực hiện)