Xây dựng nông thôn mới
Khởi sắc diện mạo nông thôn mới
(Congannghean.vn)-Qua 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghệ An đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự khởi sắc bộ mặt nông thôn cả về cảnh quan và những chuyển biến tích cực trong sự phát triển KT-XH cùng với việc đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là tại các địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là minh chứng cho điều này.
Lực lượng Quân đội, Công an cùng bà con dân bản chung tay làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới - Ảnh: Nguyễn Thư |
Theo đó, toàn tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này đạt 27.773,5 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24,8 triệu đồng/người/năm. Các địa phương cũng đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ xây dựng cơ bản. Trong năm qua, đã xử lý được gần 200 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản.
Nhờ quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề chế biến nông sản được hình thành và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Cũng trong 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có 50 mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả tốt. Trong đó, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ như trồng dứa, trồng cây dược liệu tại các huyện nằm trong Chương trình 30a, mô hình sản xuất chè, cam theo tiêu chuẩn VietGap… Qua đó, góp phần tích cực tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Để xây dựng NTM mang tính bền vững, công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi cũng được quan tâm thực hiện. Ngoài ra, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bổ sung phù hợp với tình hình phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.
Trong năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng 3 xã NTM kiểu mẫu: Sơn Thành (Yên Thành), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và Kim Liên (Nam Đàn) để nhân rộng và tạo sức lan tỏa rộng rãi. Cũng trong thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và nỗ lực của địa phương, một số xã biên giới khó khăn đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đơn cử như xã Tam Quang, huyện Tương Dương; xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương.
Từ khi triển khai đến nay, phong trào xây dựng NTM đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong việc tạo khí thế mới và quyết tâm cao, tạo lập diện mạo mới cho địa phương. Đơn cử như tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Mặc dù không được tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu nhưng Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn đã chủ động tham quan, học hỏi cách làm ở một số địa phương ngoài tỉnh để triển khai và đến nay cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Xã chỉ còn 10 hộ nghèo thì đều là người già cả neo đơn. Toàn xã có 170 gia trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa; xây dựng 5 cánh đồng thu nhập cao và phát triển một số làng nghề. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 38 - 42 triệu đồng/người/năm.
Diện mạo nhiều làng quê trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc nhờ nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới của cộng đồng |
Cũng trong những ngày tháng 5 này, không khí xây dựng NTM sôi nổi đang bao trùm khắp xã Trung Sơn, huyện Đô Lương với cách làm sáng tạo là thực hiện chủ trương “60 ngày cao điểm xây dựng NTM”. Sau hơn 40 ngày triển khai đợt cao điểm, địa phương đã huy động sức dân đóng góp hơn 1 tỉ đồng; hiến trên 2.000 m2 đất; phá dỡ hàng trăm mét tường rào xây và chặt bỏ hàng trăm cây các loại để mở rộng đường giao thông nông thôn. Tất cả các xóm đều hoàn thiện việc chỉnh trang và mua sắm đầy đủ thiết chế nhà văn hóa; có hàng trăm hộ tiến hành chỉnh trang vườn nhà, trong đó 40 hộ xây dựng vườn mẫu, bao gồm các loại cây ăn quả và rau hàng hóa… Có thể thấy, chủ trương trên đã thực sự khơi dậy nội lực “lấy sức dân mà chăm lo cuộc sống cho dân” trên địa bàn.
Cũng trong thời gian qua, nhiều địa phương vùng cao của tỉnh đã cán đích NTM nhờ những cách làm sáng tạo. Bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu là điển hình như vậy. Ngay sau khi đăng ký về đích NTM, bản đã thành lập Ban chỉ đạo ở cấp xóm, bản, bàn giao chỉ tiêu, kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể của bản. Với tiêu chí hộ nghèo - tiêu chí được xem khó đạt nhất của bản, Ban cán sự bản đã vận dụng thế mạnh của địa phương để khuyến kích sản xuất như chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía có giá trị kinh tế cao gấp 6 - 7 lần hay khuyến khích chị em phát triển nghề truyền thống về thổ cẩm…
Tại huyện Quỳ Châu nói riêng và nhiều huyện miền núi nói chung, việc xây dựng làng du lịch cộng đồng cũng được chính quyền địa phương chú trọng, giúp bà con từng bước thoát nghèo và xây dựng thành công NTM. Thông qua đó, người dân ngày càng tích cực tham gia truyền bá, học hỏi cách thêu khăn, dệt vải, thể hiện các làn điệu dân ca đặc trưng hay sưu tầm để giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa dân tộc đặc sắc…
Những kết quả trên là minh chứng cho thấy Nghệ An đã tạo dựng được bước đi vững chắc trên chặng đường xây dựng NTM với "diện mạo mới - sức sống mới" ở các miền quê của tỉnh. Tin tưởng rằng, đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh nhà đạt được nhiều thành quả hơn nữa; góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Thùy Dương