Xây dựng nông thôn mới

Dấu ấn dân vận khéo trong phát triển nông nghiệp

08:56, 13/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thực tế cho thấy, việc gây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành mà còn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Việc sản xuất tập trung, quy mô lớn nhờ mô hình dân vận khéo trong nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Việc sản xuất tập trung, quy mô lớn nhờ mô hình dân vận khéo trong nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Thời gian qua, nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã lần lượt cán đích nông thôn mới (NTM). Kết quả đó một phần nhờ hiệu quả và sức lan tỏa của việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” cụ thể, thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi về đích NTM, nhiều xã trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các mô hình dân vận khéo để nâng cao các tiêu chí. Đơn cử như xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu. Để đảm bảo hiệu quả, các mô hình dân vận khéo được gắn với trách nhiệm của các đoàn thể như công tác vệ sinh môi trường do Hội Phụ nữ đảm nhận, việc xây dựng cánh đồng thu nhập cao được giao cho Hội Nông dân chủ trì... Bên cạnh đó, ở mỗi chi bộ, tổ dân vận các xóm đều gây dựng mô hình dân vận khéo phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra ở từng khu dân cư.

Tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, hiệu quả dân vận khéo trong vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập đã tác động tích cực tới chương trình NTM. Các diện tích sản xuất lúa thuận lợi được quy hoạch thành các cánh đồng mẫu lớn, cho thu nhập cao. Những vùng trồng lúa thấp trũng nay trở thành vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh; nhiều vùng đất cao được quy hoạch thành trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp.

Cũng như xã Hưng Đạo, các mô hình dân vận khéo thay đổi tập quán thâm canh sản xuất lúa được tiến hành tại nhiều địa phương đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả canh tác. Đây cũng là nền tảng để địa phương ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đạt được những chuyển biến tích cực trên, có phần đóng góp quan trọng của các bí thư chi bộ, đảng viên tiên phong thực hiện. Cùng với đó, nhiều chi bộ còn thành lập tổ vận động để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình một cách tích cực, hiệu quả.

Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương, nhiều mô hình dân vận khéo còn tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó phải kể đến phong trào thi đua dân vận khéo của Huyện đoàn Quỳ Châu với mô hình “Ngân hàng con giống”. Không chỉ giúp đỡ nhiều hộ gia đình thanh niên thoát nghèo, phong trào còn góp phần giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, giải quyết dứt điểm những bức xúc của nhân dân, những tồn tại ở cơ sở; đồng thời, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chống di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép…

Các mô hình dân vận khéo được triển khai, nhân rộng thời gian qua đều xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương cũng như nhằm giảm bớt những khó khăn, yếu kém ở từng địa bàn dân cư. Bởi vậy, hầu hết mô hình đều được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai thực hiện cho thấy, tính hiệu quả và bền vững của một số mô hình dân vận khéo chưa cao, đơn cử như việc vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện rộng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do tâm lý e ngại, tư duy chậm đổi mới của một bộ phận người dân trong việc thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả kém. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, cái được lớn nhất của các mô hình thi đua dân vận khéo trong phát triển nông nghiệp là đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trong lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, tập trung.

Từ những thực tế nói trên đặt ra yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở hiệu quả cũng như tính ưu việt của các mô hình; đồng thời, tiếp tục biểu dương, nhân rộng các mô hình có tác động tích cực nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi.

Thùy Dương

Các tin khác