Xây dựng nông thôn mới

Nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia

15:33, 15/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo quy định của Chính phủ, từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được Chính phủ rút gọn từ 16 xuống còn 2 chương trình, đó là  CTMTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Thực hiện quy định này, UBND tỉnh đã xây dựng Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG trên toàn tỉnh nhằm thống nhất quy trình quản lý, điều hành, phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Làm đường giao thông nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Quỳ Hợp
Làm đường giao thông nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Quỳ Hợp

Theo Quyết định 58/QĐ-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh, cơ quan chủ trì dự án thành phần, tiểu dự án thành phần của từng chương trình được quy định cụ thể, đó là CTMTQG về xây dựng nông thôn mới, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); CTMTQG về giảm nghèo bền vững do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Ngoài ra, còn có một số dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững liên quan đến các sở, ngành, địa phương.

Cụ thể: Dự án thuộc Chương trình 30a thì có các tiểu dự án về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp; còn Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện tiểu dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Dự án thuộc Chương trình 135 do Ban Dân tộc chủ trì, các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện các tiểu dự án về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn; còn Sở NN&PTNT chủ trì, Ban Dân tộc, các sở, ban, ngành, các địa phương phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện tiểu dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Các cơ quan chủ trì dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện các CTMTQG giai đoạn 5 năm (cùng với thời gian xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công) và xây dựng kế hoạch thực hiện các CTMTQG hàng năm; đồng thời, phân cấp quản lý thực hiện CTMTQG.

Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu rõ việc huy động nguồn vốn thực hiện CTMTQG gồm nguồn vốn huy động từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, xã để tổ chức triển khai thực hiện chương trình; vốn đầu tư của doanh nghiệp; đóng góp của các cá nhân, tổ chức; các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; nguồn vốn tín dụng, bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại; lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và huy động các nguồn hợp pháp khác.

Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện CTMTQG và các dự án thuộc CTMTQG phải được tiến hành thường xuyên của cơ quan chủ trì chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần nhằm đảm bảo chương trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, có chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã xác định.

Châu Yên

Các tin khác