Xây dựng NTM
Nhiệm vụ liên tục, thực hiện thường xuyên (Bài 4)
(Congannghean.vn)-Bác Hồ đã từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tế trong nhiều năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp về trách nhiệm nêu gương nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp, hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở, nhiều tổ chức Đảng vẫn còn những bất cập, tồn tại, dẫn đến hiệu quả chưa cao và chưa tạo được sức lan toả lớn, trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện cũng như đạo đức, lối sống...
Ông Lê Hồng Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng đoàn kiểm tra, giám sát tại huyện Anh Sơn |
Bài 4: Nghiêm minh xử lý đảng viên vi phạm
“Xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên vi phạm không chỉ thể hiện tính nghiêm minh, kỷ luật trong Đảng mà còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, xây dựng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Tất cả đều không có trường hợp ngoại lệ nào”, ông Lê Hồng Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định. Những biện pháp quyết liệt của các cấp trong xử lý cá nhân, tập thể vi phạm chính là cách rõ ràng nhất để nêu gương cán bộ, đảng viên.
Quyết liệt từ cơ sở
Số liệu thống kê từ Văn phòng UBKT Tỉnh ủy, trong 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 29 tổ chức Đảng, trong đó 26 tổ chức bằng hình thức khiển trách, 3 tổ chức bằng hình thức cảnh cáo. Trong số tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật có 12 Đảng ủy, Ủy ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở và 17 chi bộ. Những lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Vi phạm nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước 23 trường hợp; vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ 6 trường hợp. Cấp ủy đã thi hành kỷ luật 1.740 đảng viên, bao gồm khiển trách 1.215 trường hợp, cảnh cáo 422 trường hợp, cách chức 67 trường hợp và khai trừ 36 đảng viên. UBKT các cấp thi hành kỷ luật 363 đảng viên thì có 197 đảng viên là cấp ủy viên các cấp. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 6 đảng viên; UBKT cấp dưới thi hành kỷ luật 357 đảng viên.
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Đảng bộ huyện Đô Lương cũng đã triển khai nhiều giải pháp trong xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2018, cấp ủy và UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 52 đảng viên và 25 tổ chức Đảng. UBKT các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra 81 tổ chức. Kết quả, đã có 44 đảng viên bị kỷ luật, khiển trách 34 đồng chí. Trong đó, lỗi vi phạm nhiều nhất là vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) (32 đồng chí).
Theo ông Lê Minh Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đô Lương, Đảng bộ huyện có 73 tổ chức Đảng, trong đó 33 đảng bộ xã, thị trấn, 6 đảng bộ cơ quan và 34 chi bộ cơ sở trực thuộc. Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ được chú trọng, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm ở cơ sở như quản lý và sử dụng đất, các khoản kinh phí hỗ trợ, sử dụng ngân sách. Hàng năm, gắn với việc tổng kết xây dựng Đảng, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt việc gợi ý kiểm điểm và tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân do không làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa UBKT Đảng với các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát gắn với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng với công tác tư tưởng, công tác tổ chức.
Đánh giá về những vi phạm của đảng viên trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ thời gian qua, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Trên thực tế, Nghệ An không ban hành chính sách quy định về xử phạt sinh con thứ 3 trở lên, mà chỉ ban hành chính sách khuyến khích và xử lý vi phạm chính sách DS-KHHGĐ trên cơ sở bản tự nguyện ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của cán bộ, đảng viên với thủ trưởng cơ quan và của người dân với chính quyền địa phương. Đây là chính sách cần thiết, phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác dân số tỉnh ta trong những năm qua, hiện nay và trong thời gian tới.
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 15/11/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm với nhiều nội dung mới thay thế Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013. Mới đây, UBKT Trung ương cũng ban hành văn bản Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Không phải đến bây giờ Đảng ta mới có những quy định về xử lý đảng viên vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nội dung tại Quy định số 102-QĐ/TW đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên trên cơ sở xem xét, xử lý nghiêm túc các đảng viên có vi phạm. Như vậy sẽ không có “vùng cấm”, không có “khoảng trống” và việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên hoàn toàn căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm và thái độ của đảng viên có vi phạm.
Trách nhiệm người đứng đầu
Những cám dỗ, thách thức khiến cán bộ, đảng viên vi phạm trong cuộc sống thường ngày vốn rất nhiều, nhất là trong điều kiện tác động khách quan của cơ chế kinh tế thị trường, lối sống thực dụng như hiện nay. Trong khi ý thức, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế dẫn tới những vi phạm, sai lầm trong công tác, sinh hoạt. Việc xác định rõ những khó khăn đó từ đầu tạo thế chủ động trong giáo dục nhận thức đảng viên, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng được xem là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra Đảng.
Nghi Lộc là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, khi khối lượng công việc trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án nhiều, công tác quản lý ở một số nơi, nhất là quản lý đất đai, tài chính ngân sách còn hạn chế; tình trạng đơn thư phát sinh nhiều, một số cán bộ ý thức trách nhiệm chưa cao, năng lực điều hành, quản lý còn hạn chế nên còn để xảy ra vi phạm trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Hiện, Đảng bộ huyện Nghi Lộc có 75 tổ chức cơ sở Đảng, với hơn 10.000 đảng viên. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, các cấp ủy Đảng đã chủ động giám sát, kiểm tra, thể hiện sự quyết liệt, công tâm trong phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm.
Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long cho biết: Xác định rõ công tác giải phóng mặt bằng sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp, tập trung phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vừa qua, trên địa bàn xã có triển khai Dự án Hemajai, với tổng diện tích đất thu hồi là 80 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 567 hộ trên địa bàn. Được sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, xã đã thành lập Ban chỉ đạo phân công phụ trách, nhiệm vụ cụ thể trong tuyên truyền để người dân cùng phối hợp thực hiện. Những vấn đề nào chưa rõ sẽ được lãnh đạo xã trực tiếp trao đổi tại các buổi họp chi bộ ở cơ sở.
Bà Đinh Thị Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc khẳng định: Với đặc điểm của huyện Nghi Lộc, mỗi năm giải phóng mặt bằng hàng trăm ha đất, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân, nếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mà không có vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ sở thì khó có thể nói thành công. Điển hình như các xã Nghi Trung, Nghi Long, Nghi Hoa… Với Đảng bộ huyện Nghi Lộc, việc đánh giá các tổ chức Đảng cũng như vai trò của cán bộ, đảng viên được gắn với đợt sinh hoạt chính trị thông qua công tác dân vận chính quyền; qua đó, huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị để thực hiện một cách toàn diện, bài bản.
Đối với công tác giám sát, kiểm tra, cấp ủy và UBKT đã bám sát các chủ trương, kết hoạch kiểm tra của cấp trên để triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc; qua đó, đã kịp thời kết luận rõ các ưu, khuyết điểm, xử lý kịp thời, nghiêm túc của tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, từ đó làm chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu cấp ủy.
Theo ông Lê Hồng Vinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, để triển khai hiệu quả các giải pháp trong công tác kiểm tra, giám sát, các cấp cần tập trung vào 5 vấn đề: Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, UBKT các cấp; nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát; chú trọng giám sát triệt để những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và những vấn đề nổi cộm qua các kênh thông tin khác nhau; phát huy tốt hiệu quả của UBKT các cấp; tăng cường nắm bắt và xử lý các thông tin; qua đó, rà soát, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng xét cho cùng là để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn, phòng ngừa những cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và sự phát triển của địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong mỗi cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác.
Xuân Thống - Mai Hậu