Xây dựng nông thôn mới
Cú hích trong xây dựng nông thôn mới
(Congannghean.vn)-Nghệ An là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường cả nước. Tuy nhiên, làm thế nào để những mặt hàng này đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi, hiệu quả đang là “bài toán” mà các cấp lãnh đạo phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Giữa muôn vàn lựa chọn, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được hy vọng tạo cú hích trong xây dựng nông thôn mới, đưa nông sản đến gần hơn trên thị trường rộng lớn.
Hải sản Nghệ An cũng là một thế mạnh cần được phát huy |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa ký Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP), được thực hiện trên phạm vi cả nước. Theo đó, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Thực ra, mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Điển hình, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước, đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm thủ công được làm và bán ra tăng từ 143 loại sản phẩm, thu nhập 35,9 tỉ Yên khi phong trào mới bắt đầu lên 336 loại sản phẩm và cho thu nhập 141 tỉ Yên vào năm 2001.
Tại Việt Nam, phong trào OCOP cũng được triển khai khá hiệu quả tại Quảng Ninh trong giai đoạn 2013 - 2016, tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều đáng chú ý, chương trình đã có sự tham gia đầy đủ của các “nhà”, đặc biệt là Nhà nước với hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã ra Quyết định 1323 phê duyệt Đề cương Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020. Một trong những nguyên tắc quan trọng khi triển khai Đề án chính là hành động địa phương hướng đến toàn cầu. Theo đó, để gia nhập vào thị trường trong nước và thế giới, các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hơp với thị hiếu người tiêu dùng. Các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của thị trường đích, như tiêu chuẩn organic.
Để làm được điều này, cần tập trung và hình thành, tái cơ cấu và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tại cộng đồng (HTX, doanh nghiệp) hơn là các cá nhân, hộ gia đình đơn lẻ, để có pháp nhân công bố tiêu chuẩn chất lượng và tổ chức sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, kiến tạo môi trường sáng tạo cho người dân thông qua đánh giá và xếp hạng sản phẩm, từ đó người dân xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến. Chương trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX), trong đó, quan trọng là bước đánh giá và xếp hạng sản phẩm.
Trên thực tế, nếu tính về những sản phẩm mà Nghệ An có thế mạnh, sẽ có không ít như: Tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương, cam Vinh, nước mắm Cửa Hội, chè Nghệ An… Tuy nhiên, những sản phẩm trên đều chỉ dừng lại ở khu vực bó hẹp, chưa có sức lan tỏa rộng khắp. Trong khi đó, do quy mô sản xuất nhỏ, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm, còn lơ là việc xây dựng thương hiệu nông sản xứ Nghệ.
Trong thời đại hội nhập sâu rộng, khi cuộc cách mạng 4.0 đang tạo sức ảnh hưởng rộng khắp, nếu không chủ động đầu tư mạnh mẽ, những sản phẩm đặc sản xứ Nghệ sẽ bị mai một, lấn át bởi những thương hiệu ngoại nổi tiếng hơn. Vì thế, sự cần thiết của Chương trình OCOP là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, tại Nghệ An, tất cả mới chỉ dừng lại ở đề án. Còn cả một quá trình thẩm định, bàn bạc để thống nhất kế hoạch hiệu quả nhất. “Ngay cả khi Đề án đi vào thực tế, chúng ta phải nghiên cứu kỹ, phải tìm ra những sản phẩm thật sự tiêu biểu. Vì sẽ có thực trạng, nhiều địa phương cùng một sản phẩm, hoặc một địa phương có nhiều sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Nông thôn mới Nghệ An cho biết.
Kinh nghiệm từ thành công của Chương trình OCOP tại Quảng Ninh cho thấy, nguồn lực hỗ trợ, sự quan tâm sát sao của lãnh đạo các cấp là yếu tố tiên quyết. Sau Quảng Ninh, nhiều địa phương cũng đã bắt tay vào cuộc. Với một tỉnh còn hạn chế về tiềm lực như Nghệ An, để Đề án đi vào thực tế, sẽ còn rất nhiều việc phải bàn thảo kỹ càng, để Chương trình OCOP không chỉ dừng lại ở một thử nghiệm tính hiệu quả mà thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ, tạo cú hích cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An.
Tuệ Trang