Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201810/neu-guong-can-bo-dang-vien-nhiem-vu-lien-tuc-thuc-hien-thuong-xuyen-bai-1-818623/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201810/neu-guong-can-bo-dang-vien-nhiem-vu-lien-tuc-thuc-hien-thuong-xuyen-bai-1-818623/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiệm vụ liên tục, thực hiện thường xuyên (Bài 1) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 13/10/2018, 07:22 [GMT+7]
Nêu gương cán bộ, đảng viên

Nhiệm vụ liên tục, thực hiện thường xuyên (Bài 1)

(Congannghean.vn)-Bác Hồ đã từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tế trong nhiều năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp về trách nhiệm nêu gương nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp, hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở, nhiều tổ chức Đảng vẫn còn những bất cập, tồn tại, dẫn đến hiệu quả chưa cao và chưa tạo được sức lan toả lớn, trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện cũng như đạo đức, lối sống...

Bài 1: Trách nhiệm “đi trước” của cán bộ, đảng viên

Đổi thay ở một làng quê

Gần 10 năm trước, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc là xã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến một số cán bộ bị xử lý kỷ luật. Sau này, khi các đối tượng vi phạm bị đưa ra ánh sáng, nhiều tài sản của Nhà nước bị thất thoát được thu hồi, cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Lộc mới có thời gian để nhìn nhận, đánh giá lại vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị nơi đây. Bởi vào thời điểm đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Cấm, do buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát cũng như việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở không được triển khai tổ chức nghiêm túc, dân chủ, công khai, một số cán bộ, công chức xã đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xảy ra sai phạm.

Giờ đây, đi trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Nghi Long, chúng ta đều cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê cách mạng, từng được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trải dọc tuyến đường, 2 bên xen lẫn những cụm công nghiệp với hạ tầng đang từng ngày được đầu tư, là những thửa ruộng, vườn rau xanh mướt trên cánh đồng bát ngát. Đây là kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 05 về "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc mang lại hiệu quả cao
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc mang lại hiệu quả cao

Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Long cho biết: Sau giai đoạn khó khăn của địa phương cách đây gần 1 thập kỷ, chúng tôi xem đó là bài học cần được nghiêm túc tiếp thu và chấn chỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Đó chính là vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng cũng như trách nhiệm gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Trước yêu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội, qua nhiều hội nghị và được sự bàn bạc thống nhất của toàn Đảng bộ cũng như chi bộ, với mục tiêu tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên cùng diện tích, ngay từ những năm đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, là một trong những địa phương tốp đầu “cán đích” nông thôn mới của huyện (năm 2016); tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn như Dự án cầu vượt QL1A, đường N5, đường gom N5, Dự án Hemaraj…, được người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Hồ Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Lộc cho biết thêm: Trong những năm qua, xã Nghi Long là địa phương được Huyện ủy đánh giá, xếp loại hàng năm tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Đảng bộ xã đã tập trung quan tâm làm tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác dân vận cũng như lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Từ 1 xã có giai đoạn mất đoàn kết trong nội bộ bắt nguồn từ việc thiếu công khai, dân chủ trong quản lý Nhà nước về đất đai, đến nay xã Nghi Long đã trở thành điểm sáng về sự ổn định, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Có được điều đó là nhờ vai trò của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến mỗi cán bộ, đảng viên được phát huy.

Những mô hình hiệu quả tại cơ sở

Tại Đảng bộ xã Hồng Sơn, trong các nhiệm kỳ gần đây, mô hình Bí thư kiêm Xóm trưởng đã được duy trì, hoạt động hiệu quả và trở thành mô hình điểm trong toàn Đảng bộ huyện Đô Lương. Với 169 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ, trong đó có 9 chi bộ nông thôn, 2 chi bộ trường học và 1 chi bộ trạm y tế, hiện nay xã có 9/9 chi bộ nông thôn đang thực hiện “nhất thể hóa” chức danh bí thư kiêm xóm trưởng. Việc cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng được đông đảo đảng viên và nhân dân đồng tình cao. Bởi qua thực tế triển khai cho thấy, mô hình này đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu xóm, khắc phục tình trạng “vênh nhau” giữa bí thư chi bộ và xóm trưởng trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.

Ông Nguyễn Cảnh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn cho biết: Mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng thực hiện trên địa bàn xã đã tạo được sự thống nhất trong Đảng, chính quyền và được tập trung cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ mô hình này, quá trình thực hiện đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao.

Lãnh đạo chủ chốt xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ về nhiệm vụ phát triển kinh tế tại địa phương
Lãnh đạo chủ chốt xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ về nhiệm vụ phát triển kinh tế tại địa phương

Đánh giá về mô hình cũng như vai trò kiêm nhiệm của người đứng đầu, ông Lê Minh Phúc, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương nhìn nhận: Hiện, toàn Đảng bộ huyện có 367/368 xóm, khối nông thôn trực thuộc Đảng bộ xã, thị trấn thực hiện mô hình này. Với cơ cấu kiêm nhiệm bí thư - xóm trưởng, vai trò “dấu ấn” của họ rất lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Bởi trước khi quán triệt 1 nghị quyết hay văn bản bất kỳ của cấp trên, các chương trình, kế hoạch của chi bộ, của xóm thì tập thể chi ủy tổ thảo luận và chuẩn bị kỹ nội dung để triển khai, sau đó tổ chức hội nghị chi bộ để lấy ý kiến đóng góp xây dựng của đảng viên, đảm bảo dân chủ và đoàn kết, thống nhất cao.

Trong nhiệm vụ chung của bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức lấy ý kiến dân chủ của nhân dân để quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương từ nguồn quỹ do nhân dân đóng góp, hay công khai các cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế, công khai minh bạch trong việc thu chi, các khoản quỹ, các nguồn viện trợ, các dự án đầu tư của cấp trên, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng…

“Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương đánh giá, đây là mô hình có cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, chế độ, chính sách đãi ngộ được nâng lên 1,5 lần so với không kiêm nhiệm. Mô hình đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ, quản lý điều hành của xóm trưởng trên tất cả các lĩnh vực cũng như phát huy tối đa năng lực, tính năng động, gương mẫu của người đứng đầu; hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh công việc cũng như hạn chế chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền…”, ông Lê Minh Phúc cho biết thêm.

Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của Quy định 101, ngày 5/2/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU, hướng dẫn thực hiện Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Hướng dẫn đã nêu rõ việc cần thiết phải phát huy vai trò tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành. Hơn 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Quy định 101. Đặc biệt, Hướng dẫn 09 đã từng bước được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống, trở thành ‘‘kim chỉ nam” cho hoạt động nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành, từ đó có tác dụng tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua tại cơ sở.

.

Xuân Thống - Mai Hậu

.