Xây dựng NTM
Nhiệm vụ liên tục, thực hiện thường xuyên (Bài 2)
(Congannghean.vn)-Bác Hồ đã từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thực tế trong nhiều năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp về trách nhiệm nêu gương nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng những hình ảnh đẹp, hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở, nhiều tổ chức Đảng vẫn còn những bất cập, tồn tại, dẫn đến hiệu quả chưa cao và chưa tạo được sức lan toả lớn, trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện cũng như đạo đức, lối sống...
Bài 2: Dấu ấn “Người đầu tàu” trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới
Sau 7 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh làng quê Nghệ An đã đổi thay, khởi sắc trên nhiều phương diện. Đã có hàng trăm mô hình, hàng nghìn chương trình được triển khai, góp phần khoác lên “tấm áo mới” ở nhiều bản làng, thôn, xóm, địa phương. Trong bức tranh chung đó, các đảng viên, nhất là cấp ủy, tổ chức Đảng tại cơ sở đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực vận động bà con nhân dân chung tay xây dựng quê hương, từ đó, lan tỏa nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo.
“Người kiến tạo” các đề án
Người dân trên địa bàn xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Xác định rõ, lấy nông nghiệp làm trọng, đổi mới mô hình phải thực sự hiệu quả trên cơ sở điều kiện thực tiễn địa phương, nhiều năm qua, xã Hưng Tân được xem là “điểm sáng” của cả tỉnh về xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ xã có 282 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ, đây là tổ chức cơ sở Đảng 15 năm liên tục được công nhận danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”.
Ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Thực hiện Chỉ thị 05 của Tỉnh ủy nhất là Chỉ thị 08 về công tác dồn điền đổi thửa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Tân đã tích cực đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân và triển khai thực hiện một cách đa dạng, phong phú. Năm 2014, xã Hưng Tân được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt NTM. Vui mừng hơn, khi kết quả đó có sự chung tay, đồng lòng của bà con nhân dân trong thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Đảng bộ xã. Có được kết quả này, có dấu ấn không nhỏ của Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân - ông Hoàng Văn Lai.
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân Hoàng Văn Lai cùng hội viên phụ nữ chăm sóc cánh đồng hoa, làm đẹp thêm bức tranh nông thôn mới nơi "vùng quê đáng sống" |
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân Hoàng Văn Lai đã có gần 30 năm gắn bó với chính quyền cơ sở xã. Năm 2010, sau 13 năm làm Chủ tịch UBND xã, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Đây cũng là giai đoạn Nghệ An bắt tay bước vào triển khai chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trăn trở, tìm tòi những cách làm phù hợp, ông Lai đã cùng cấp ủy, chính quyền sáng tạo nhiều mô hình, đề án hiệu quả triển khai trên địa bàn.
Xác định rõ, tái cơ cấu nông nghiệp là mũi nhọn trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tạo tiền đề cho thực hiện các tiêu chí kinh tế - xã hội, hạ tầng, ông Lai cùng cấp ủy đã tự tìm tòi, trao đổi và phối hợp đẩy nhanh ứng dụng tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là Đề án nuôi trồng thủy sản, Đề án làm giống lúa cao nguyên, xây dựng làng nghề rượu nếp... Những “kế sách” mới lúc đưa vào người dân cũng có phần e ngại và chưa tiếp thu. Không nản chí, Bí thư Đảng ủy Hoàng Văn Lai và cấp ủy cơ sở đã tổ chức mời cán bộ chuyên môn giỏi về trao đổi, tập huấn, đưa ra những mô hình hiệu quả tiên tiến, phù hợp để thuyết phục bà con cùng làm.
Thực tiễn đã chứng minh, những đề án trên đã thực sự tạo làn gió mới trong sản xuất nông nghiệp tại Hưng Tân. Từ một xã “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”, bộ mặt Hưng Tân đã khởi sắc hoàn toàn. Đề án nuôi trồng thủy sản từ 5 - 10 ha áp dụng thử nghiệm ban đầu, nay đã lên đến 170 ha trên toàn xã theo mô hình trang trại, gia trại; Đề án xây dựng làng nghề rượu nếp đã mang thương hiệu rượu nếp Hưng Tân “lan tỏa” khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh, đến nay đã có 60 - 70% hộ chuyên canh nấu rượu trên toàn xã... Bà con nhân dân cũng đã thay đổi thói quen sản xuất, hạn chế lao động thủ công mà bước đầu áp dụng mô hình nuôi trồng theo VietGap, nông nghiệp xanh.
Đời sống của nhân dân được cải thiện, vì thế, ông Lai cùng cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, xây dựng lối sống mới, văn minh. Hưng Tân cũng là xã đầu tiên ở Hưng Nguyên xây dựng được Đề án chống lãng phí, tiết kiệm. Đề án này với những quy định rất thiết thực với đời sống, sinh hoạt vùng nông thôn, trong đó trọng tâm tập trung vào việc cưới, việc tang, lễ mừng thọ. Hàng tuần, các ban, ngành, đoàn thể duy trì việc sinh hoạt, chào cờ; khắp các ngõ xóm được bà con chung tay xây dựng những con đường hoa rực rỡ, hình thành “vùng quê đáng sống”.
“Quan trọng nhất là tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu và ủng hộ. Muốn vậy, mình phải chịu khó tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, những mô hình hiệu quả về áp dụng tại địa phương. Khi triển khai, sự quyết tâm, đồng lòng của bà con sẽ tạo sức mạnh để quyết định thành công. Trong đó, người đứng đầu phải luôn sâu sát, tự tạo mục tiêu, động lực cho mình để vươn lên”, ông Hoàng Văn Lai chia sẻ về quá trình khởi sắc vùng quê ở Hưng Tân.
Bí thư chi bộ - “cầu nối” đưa dân thoát nghèo
Ông Đặng Hữu Tú (SN 1956) làm Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã 3 nhiệm kỳ. Trong mắt của người dân địa phương, ông là 1 người Bí thư quyết liệt, táo bạo nhưng rất tình cảm, gần gũi với bà con. Cũng nhờ ông cùng sự quyết liệt của Đảng ủy xã Thuận Sơn, người dân mới có cuộc sống khang trang, đủ đầy như hôm nay.
Ông Đặng Hữu Tú (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy Đô Lương và Đảng ủy xã Thuận Sơn trước khuôn viên Nhà văn hóa xóm 4 |
Xóm 4 là địa bàn có số dân đông nhất xã Thuận Sơn với hơn 200 hộ, 800 nhân khẩu, hiện có 41 đảng viên. Là xóm trung tâm của xã, có điều kiện phát triển kinh tế nhưng nhiều năm trước, điều kiện và mức sống của người dân vẫn còn khó khăn. Một phần nguyên nhân là việc áp dụng các mô hình chưa thực sự quyết liệt, nhất là trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế. Điều này đặt ra những thách thức với người đứng đầu tại đây. Năm 2012, ông Đặng Hữu Tú được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng. Ngoài việc tiếp thu các nghị quyết, kế hoạch của cấp trên, ông đã mạnh dạn tìm nhiều hướng đi mới trong phát triển sản xuất.
Phát huy ưu thế về địa hình có giáp chợ trung tâm, ông Tú cũng mạnh dạn triển khai Nghị quyết về phát triển dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, trong đó lấy dịch vụ - thương mại làm trọng tâm. Chuyển đổi sản xuất từ nông nghiệp sang loại hình mới, với bà con nhân dân, chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi điều kiện, tiềm lực vốn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nắm bắt khó khăn của bà con, ông Đặng Hữu Tú đã bàn bạc, trao đổi với Đảng ủy xã, rồi chủ động kết nối, làm việc với Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển hạ tầng cơ sở, đường giao thông liên thôn, xóm để thuận lợi cho buôn bán, trao đổi hàng hóa, kinh doanh thương mại.
“Có những tuyến đường, để vận động bà con chung tay cùng làm, ông Tú đã cùng cấp ủy phải đến từng nhà vận động, rồi họp bàn liên tục trong nhiều tuần liền. Phát huy sức mạnh, sự đoàn kết trong nhân dân, đến nay 100% đường đã được bê tông hóa, đường nội đồng được hoàn chỉnh. Bà con, nhất là cán bộ đảng viên đã hiến hàng chục km trong làm đường giao thông, đóng góp ngày công, trong đó, có vai trò rất lớn của cá nhân đồng chí Tú", ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Sơn khẳng định. Cũng nhờ mạnh dạn đổi mới phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của xã Thuận Sơn hiện đã thay đổi đáng kể, đạt mức 40 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2012, năm đầu tiên ông Tú làm Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 4.
“Không dám khẳng định qua 3 năm làm nhiệm kỳ, tôi đã thành công. Mọi thành quả đều phải nhờ sự hỗ trợ tích cực từ những đảng viên trong chi bộ, nhất là sự đồng sức, đồng lòng của bà con nhân dân. Hạt nhân mà không lan tỏa phong trào thì không thể là hạt nhân trọn vẹn được”, ông Tú tâm sự. Dù không chia sẻ nhưng chúng tôi tin, sự bứt phá của xóm 4, xã Thượng Sơn chính là món quà lớn nhất với ông - người cán bộ có hơn 30 năm tuổi Đảng.
Xuân Thống - Mai Hậu