Thứ Ba, 22/09/2020, 08:22 [GMT+7]

Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(Congannghean.vn)-Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XI về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình được giảm thiểu; hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Một tiểu phẩm tại chương trình giao lưu tìm hiểu  kiến thức cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”
Một tiểu phẩm tại chương trình giao lưu tìm hiểu kiến thức cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”
Thực hiện Chỉ thị số 49, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát động nhiều phong trào thi đua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với công tác gia đình. Trong đó, chú trọng việc duy trì, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình. 
 
Cùng với đó, nhiều mô hình, câu lạc bộ về công tác gia đình được thành lập; nhiều hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được tổ chức rộng rãi. Các hội thi tìm hiểu về gia đình văn hóa, kiểu mẫu, dòng họ hiếu học cũng nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của đông đảo người dân. Hàng năm, hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp được bổ sung, kiện toàn kịp thời và hoạt động có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 689 cán bộ làm công tác gia đình (chuyên trách và bán chuyên trách). Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong gia đình ngày càng được nâng cao; trách nhiệm, ý thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong gia đình ngày càng được chú trọng. Minh chứng cho điều đó là số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể (từ 844 vụ trong năm 2010 giảm xuống còn 429 vụ năm 2019).
 
Cùng với đó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp dần được khôi phục, nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà bị xóa bỏ; các nghi thức, nghi lễ được rút gọn, đảm bảo tính văn minh, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mĩ tục và bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, các tiêu chí thi đua trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu; thôn, bản văn hóa, kiểu mẫu; cơ quan, đơn vị văn hóa, kiểu mẫu được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, góp phần đưa tỉ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2005, toàn tỉnh có 474.016 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 72,9%. Đến năm 2019, tăng lên 689.177 gia đình, đạt 84,5%. 
 
Cùng với xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế gia đình được coi là một trong những biện pháp tiên quyết trong công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhận thức rõ điều đó, hàng năm, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và huy động nhiều nguồn lực cho chương trình xoá đói giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo đi xuất khẩu lao động cho 42 xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên; chính sách đào tạo, dạy nghề cho đối tượng người có công, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp... Mỗi năm, tỉnh đầu tư trên 1.300 tỉ đồng cho công tác giảm nghèo.
 
Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 18% năm 2010 xuống còn 4% vào cuối năm 2019 theo chuẩn Trung ương. Với sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại, gia trại, sản xuất kinh doanh, nhận khoán bảo vệ rừng, trồng cây lâm nghiệp; duy trì và bảo vệ làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 15 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã phát động, tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa, phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vay không lấy lãi...  Số người được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách và tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%. Các cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, “Quỹ tín dụng vay vốn hội viên nghèo” và nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn không lãi suất nhận được sự hưởng ứng tích cực và tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh...
 
Từ những kết quả trên cho thấy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 49 đã thực sự phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực để nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng mái ấm no đủ, hạnh phúc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
.

Thùy Dương

.