Thứ Tư, 23/09/2020, 09:09 [GMT+7]

Đưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An phát triển bền vững

(Congannghean.vn)-Phát triển kinh tế biển bền vững không chỉ là hướng đi của Nghệ An mà còn là mục tiêu trọng tâm của các tỉnh ven biển trên toàn quốc. Trong thời gian qua, tỉnh nhà đang đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại ngành Kinh tế biển; trong đó, trọng tâm hướng đến là khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của vùng biển và ven biển, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế biển và ven biển.
Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển Nghệ An ngày càng đồng bộ và hiện đại
Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển Nghệ An ngày càng đồng bộ và hiện đại
Nghệ An có bờ biển dài 82 km, với các địa phương ven biển là huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Cửa Lò và TX Hoàng Mai. Vùng biển Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục bắc nam và đông tây của miền Trung. Kinh tế biển của tỉnh phát triển chủ yếu trên lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản; du lịch; dịch vụ cảng… Những năm gần đây, kinh tế biển ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung, đóng góp khoảng 50% GRDP của tỉnh; trong đó, giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng biển và ven biển cao gấp 1,27 lần so với bình quân toàn tỉnh. Nhiều khu du lịch lớn ở các địa phương ven biển (như du lịch biển Cửa Lò, Diễn Thành, biển Quỳnh, Bãi Lữ, Vinpearl Cửa Hội), các cảng nước sâu Cửa Lò, cảng xăng dầu DKC, cảng Vissai Nghi Thiết cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng... Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu liên kết vùng và giao thông cho các địa phương ven biển của tỉnh.
 
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, cho đến nay, Nghệ An vẫn chưa tạo bứt phá vượt trội từ kinh tế biển. Điều đó có thể điểm qua với các lĩnh vực trong cơ cấu kinh tế biển như: Du lịch hiệu quả khai thác chưa cao, các khu du lịch biển vẫn chưa nổi bật trên bản đồ du lịch toàn quốc, nhất là trong so sánh với các tỉnh, thành ven biển của cả nước; khai thác thủy hải sản công nghệ vẫn còn lạc hậu, tỉ lệ tàu nhỏ vẫn chiếm đa số, dịch vụ cảng còn chưa đồng bộ… Trên thực tế, nhiều năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường biển đang đặt ra nhiều thách thức với các cấp chính quyền, địa phương ven biển. Trong khi đó, việc Châu Âu chưa gỡ thẻ vàng đối với ngành chăn nuôi, thủy hải sản Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung là một bài học đắt giá với các cấp quản lý và chính người dân. Xác định rõ những khó khăn, tồn tại đó, Nghệ An đang đẩy mạnh chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế biển, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực sản xuất. Đến nay, kinh tế biển đang dần chuyển dịch đúng hướng, trở thành động lực phát triển kinh tế của toàn tỉnh. 
 
Mới đây, nhằm tạo động lực cho kinh tế biển phát triển bền vững, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 512, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã ven biển rà soát các chính sách, văn bản của tỉnh về biển và hải đảo, quản lý tổng hợp vùng bờ trên cơ sở những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo, những quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia; tiến hành rà soát đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến biển, đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ sau khi được phê duyệt. Xây dựng và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
 
Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hiệu quả cơ quan quản lý tổng hợp, thống nhất về biển theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư, giữa doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua các cơ chế, công cụ điều phối cụ thể. Đối với việc phát triển kinh tế biển và ven biển, cần tập trung vào phát triển du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo... Bên cạnh phát triển kinh tế biển, cần nâng cao đời sống, chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục, cung cấp đầy đủ điện, thông tin liên lạc, nước ngọt, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển, thực hiện tốt Đề án phát triển y tế biển, đảo và chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng ven biển và trên biển đến năm 2030; nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển.
 
Ngoài ra, cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu và công nghệ mới, tiên tiến trong giám sát, điều tra, quản lý tài nguyên, môi trường biển, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như cảng biển, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, dịch vụ biển; tổ chức thực hiện tốt chương trình khoa học, công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học; có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này và thực tiễn tại địa phương, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã ven biển xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại địa phương; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn và định kỳ hàng năm.
.

TUỆ TRANG