Thứ Ba, 30/07/2019, 07:59 [GMT+7]

Sức vươn từ kinh tế biển (Bài 4)

(Congannghean.vn)-Với 82 km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, Nghệ An đã từng bước chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh mẽ từ kinh tế biển. Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được Nghệ An triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.
 
Bài 4: Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi
 
Biển vô cùng và mênh mông sóng nước. Từ bao đời nay, ra biển vươn khơi đã trở thành nhu cầu, thói quen và ăn sâu vào tiềm thức của bà con ngư dân. Bảo vệ chủ quyền an ninh vững chắc gắn với phát triển kinh tế biển trở thành nhiệm vụ thiêng liêng thôi thúc mỗi người con nước Việt mạnh mẽ vượt qua thử thách, giông bão.
 
Gắn kết tình quân dân
 
Khi chúng tôi đến xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cũng là ngày thuyền về. Hàng trăm con tàu công suất lớn, nhỏ tấp nập cập bến, mang theo những hải sản tươi ngon nhất. Mùi tanh nồng của cá, mùi ngai ngái của dầu máy, cộng với tiếng ồn ào của phiên chợ đông đúc tạo nên bầu không khí náo nhiệt và đặc trưng. Nếu không quen, nhiều người sẽ say và không “trụ” được lâu. Còn với người dân Diễn Ngọc, đó là sự thân thuộc. Qua bao nhiêu thập niên gắn bó với biển, đời sống người dân xã Diễn Ngọc đã thay da đổi thịt: Những mái nhà đẹp đẽ khang trang; những con đường bê tông phẳng lì trải dài từ cổng nhà đến Quốc lộ; những chàng trai, cô gái lớn lên, dựng vợ, gả chồng và xây dựng tổ ấm mới trên mảnh đất quê hương… Tất cả đều nhờ biển. Càng ổn định, họ càng thấm thía hơn bài học về sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa trùng khơi mịt mùng.
Cán bộ Đồn Công an Diễn Hải trao đổi với người dân về công tác đảm bảo ANTT
Cán bộ Đồn Công an Diễn Hải trao đổi với người dân về công tác đảm bảo ANTT
Huyện Diễn Châu chính là địa chỉ hình thành Trung đội dân quân thí điểm đầu tiên của Bộ Quốc phòng với 26 người. Ông Ngô Trí Đông, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Trung đội trưởng Trung đội Dân quân Biển xã tâm sự: Tôi cũng không nhớ rõ bàn tay mình đã dùng sức để kéo bao nhiêu con người gặp nạn giữa khơi xa. Thấy người khó khăn thì mình giúp, đó cũng là lẽ thường. Giữa đất liền đã vậy, giữa biển khơi lại càng phải hơn thế... Nói rồi, ông hào hứng kể về những lần ra ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Trường Sa. Tàu cá xa bờ do ông Đông làm chủ có 15 lao động chính thì có 10 người được vào Trung đội dân quân biển của xã. Đến nay, Diễn Châu đã có 2 trung đội tại 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và 7 tiểu đội tại 7 xã ven biển, với tổng số 100 dân quân biển được trang bị phương tiện hoạt động khá đầy đủ.
 
Anh Ngô Trí Nguyên, con trai ông Đông hiện cũng là dân quân biển tâm sự: Ngoài tham gia đánh bắt thủy hải sản, mưu sinh để xóa đói giảm nghèo, lực lượng dân quân biển còn trực tiếp phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biển đảo và quan sát, xử lý tốt các tình huống trên biển, đặc biệt là cứu nạn, cứu hộ trên biển và các chính sách của Đảng để bảo vệ biển. Những năm qua, dân quân biển ở Diễn Châu đã phối hợp với các lực lượng đẩy đuổi, bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm ANTT trên biển; đồng thời cung cấp hàng chục nguồn tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm. “Với những đóng góp trách nhiệm suốt nhiều năm qua, lực lượng dân quân biển Diễn Châu đã nỗ lực tạo môi trường khai thác lành mạnh cho ngư dân trên biển; đồng thời, là nhịp cầu nối giữa đất liền với biển khơi, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”, ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định.
 
Từ việc hình thành Trung đội dân quân tại huyện Diễn Châu, đến nay, các huyện ven biển ở Nghệ An đều thành lập các tổ dân quân biển tại địa phương mình. Khi có bất cứ vấn đề gì, tổ dân quân biển sẽ thông tin liên lạc với Đồn Biên phòng gần nhất để phối hợp triển khai. Ngoài phát huy vai trò của dân quân biển, các địa phương cũng có những cách làm sáng tạo để tăng cường mối gắn kết quân dân, phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tại huyện Quỳnh Lưu, Đại úy Nguyễn Kim Chi, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết, địa phương đã thành lập 48 tổ tàu thuyền tự quản tham gia liên kết đánh bắt thủy hải sản. Ngoài hỗ trợ nhau tham gia phát triển kinh tế, các ngư dân đã tập trung đoàn kết, kịp thời xử lý tàu thuyền lạ có hành vi xâm phạm, tranh chấp ngư trường.
Đồn biên phòng Quỳnh Thuận thường xuyên tuần tra đảm bảo ANTT cùng ngư dân bám biển
Đồn biên phòng Quỳnh Thuận thường xuyên tuần tra đảm bảo ANTT 
Giữa biển cả mênh mông, tình người càng quý giá hơn bao giờ hết. Trong những câu chuyện mà ngư dân Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa chia sẻ, ánh mắt của họ luôn hiện lên sự trân trọng, yêu quý đối với những người chiến sỹ màu áo xanh. Một câu chuyện mà Thiếu tá Hồ Sỹ Cần, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận còn nhớ rất rõ là vào đầu năm 2019, trong chuyến tuần tra trên biển những ngày giáp Tết, anh cùng đồng đội hỗ trợ một chiếc tàu gặp nạn. Lúc này, một ngư dân đã đuối sức trầm trọng, suy kiệt cơ thể. Trước tình hình đó, Thiếu tá Cần cùng các chiến sỹ trong Đồn đã kịp thời cấp cứu, chăm sóc sức khỏe và đưa ngư dân đến cơ sở y tế an toàn. Và cũng từ cơ duyên đó, anh Cần đã có thêm một người bạn, người anh em thân thiết để sẻ chia chuyện đời... 
 
Quyết giữ yên biển đảo
 
Thượng tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2017, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng và các địa phương tuyến biển tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng triển khai Đề án “Tăng cường công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho người, phương tiện của các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh tế trên biển, đảo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2021”. Qua 2 năm triển khai, Đề án đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 204 tổ tàu thuyền an toàn, 1.646 tổ tự quản ANTT, 30 bến bãi neo đậu an toàn. Cũng theo Thượng tá Thắng, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020, 100% tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần hoạt động ở vùng biển xa bờ tham gia tổ hợp tác khai thác thủy sản; tàu cá có chiều dài 15 m được trang bị, lắp đặt máy định vị. Thời gian qua, ngoài hỗ trợ thiết bị liên lạc cho ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng còn tặng hàng nghìn lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tuyến biển.
Chỉ huy Đồn biên phòng Quỳnh Thuận trao đổi với phóng viên Báo Công an Nghệ An
Chỉ huy Đồn biên phòng Quỳnh Thuận trao đổi với phóng viên Báo Công an Nghệ An
Cùng với quân đội, Công an tỉnh Nghệ An cũng xác định công tác đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế, biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về “Đổi mới tổ chức và tăng cường lực lượng cho Công an các địa phương ven biển, hải đảo”, Công an tỉnh đã rà soát, đề xuất và được Bộ Công an đồng ý thành lập các Đồn Công an Bãi Ngang. Nhiệm vụ trọng tâm là tích cực chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của cấp ủy, chính quyền và Công an các cấp về công tác đảm bảo ANTT; thường xuyên bám dân, bám địa bàn, phát triển sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các xã ven biển. Huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã thành lập Đồn Công an Bãi Ngang vào tháng 5/2017.
Đồn Công an Diễn Hải (Diễn Châu) làm tốt công tác vận động quần chúng thu hồi vũ khí vật liệu nổ
Đồn Công an Diễn Hải (Diễn Châu) làm tốt công tác vận động quần chúng thu hồi vũ khí vật liệu nổ
Tại huyện Diễn Châu, Đồn Công an bãi ngang đứng chân tại xã Diễn Hải (Đồn Công an Diễn Hải). Theo Chủ tịch UBND xã, ông Phan Văn Thuyên trước khi có đồn, tình hình ANTT ở khu vực này khá phức tạp. Các ngư dân sau khi đi đánh bắt, khai thác thủy hải sản dễ sa vào tệ nạn xã hội do thời gian rảnh rỗi nhiều; nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, đánh bạc và trộm cắp tài sản. Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình hình nhưng hiệu quả chưa cao. Từ khi đồn đi vào hoạt động, CBCS đã thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nắm tình hình địa bàn và thói quen sinh hoạt để tham mưu và triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ANTT. Nhờ đó, các loại tội phạm đã giảm hẳn. 
 
Do địa bàn các xã ven biển rộng, trong lúc cơ sở vật chất và quân số còn hạn chế nên Đồn Công an Bãi Ngang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuần tra khép kín địa bàn. Vượt qua những khó khăn, sau 2 năm hoạt động, hiệu quả của các Đồn Công an Bãi Ngang đã minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương “Đổi mới tổ chức và tăng cường lực lượng cho Công an các địa phương ven biển, hải đảo” của Bộ Công an. Anh Đinh Văn Thân, người dân xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu cho biết: Từ khi Đồn Công an Bãi Ngang về đóng chân trên địa bàn, người dân chúng tôi yên tâm hẳn. Các tệ nạn đã không còn nữa, nhất là tệ nạn trộm cắp, mại dâm. Bà con ngư dân tu chí làm ăn, khai thác thủy hải sản, tích cực cùng các anh Công an đảm bảo ANTT.
Ông
Ông Phan Văn Thuyên - Chủ tịch UBND xã Diễn Hải đánh giá cao vai trò của Đồn công an Bãi ngang trong đảm bảo ANTT các xã ven biển.
Nhằm tăng cường cho các địa bàn cơ sở nói chung, trong đó có các xã ven biển, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh. Việc thông qua Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp bố trí, giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách; đồng thời đảm bảo công tác hậu cần phục vụ lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Sau thời gian bố trí Công an chính quy về làm Công an xã, kết quả bước đầu cho thấy, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao chủ trương này. Với các xã vùng biển có những đặc thù riêng, việc bố trí Công an chính quy về làm Công an xã góp phần quan trọng để giữ vững cuộc sống bình yên,tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân tích cực sản xuất, vươn lên làm giàu bền vững.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Để tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp trọng tâm “Tăng cường năng lực đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực thi pháp luật trên biển”, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa CAND và QĐND cần được nâng lên tầm cao mới, chủ động, chặt chẽ hơn, trở thành nguồn sức mạnh để phát triển kinh tế biển bền vững, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

.

BÌNH NGUYÊN - MAI HẬU

.