(Congannghean.vn)-Xác định đúng, trúng những sản phẩm, hướng đi mũi nhọn, trọng tâm cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững là mục tiêu mà Nghệ An đặt ra và thực hiện suốt nhiều năm qua. Đây được xem là giải pháp chiến lược để nông dân Nghệ An thoát nghèo, thực sự tạo sự chuyển biến rõ nét về KT-XH.
Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành đều đang triển khai về sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mình nhưng chưa có quy định chung nào về tiêu chí và sự thống nhất khái niệm. Tại tỉnh ta, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia, năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển cây, con chủ yếu gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến năm 2020. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Xác định sản phẩm chủ lực của Nghệ An phải được gắn liền với quá trình đầu tư, chiến lược phát triển lâu dài |
Nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp uy tín đã khẳng định một số kết quả nhất định: Tập đoàn TH, Vinamilk, Masan, Mường Thanh… Qua doanh nghiệp, chuỗi sản xuất nông nghiệp được hình thành ổn định, tạo sự liên kết với các HTX, hộ nông dân. Và nhìn nhận một cách khách quan, mức tăng trưởng nông nghiệp Nghệ An thời gian qua luôn cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Quá trình tái cơ cấu đã có những đổi thay nhất định, phù hợp với quy luật chung của thị trường trong nước và trên thế giới. Qua triển khai Đề án năm 2014, Nghệ An đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển cây, con chủ yếu. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra sự bứt phá, chưa thúc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, chưa đóng góp rõ nét vào nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh nhà. Chúng ta vẫn loay hoay trong việc xác định cây, con chủ lực và xây dựng chiến lược dài hơi và ngắn hạn cho quá trình thực hiện mục tiêu này. Việc đầu tư vẫn chưa sâu và còn dàn trải, sản phẩm hàng hóa chưa tạo sức cạnh tranh lớn và lan tỏa trên thị trường. Sau 6 năm thực hiện, có tới 50% số cây, con chủ lực ở Nghệ An không đạt mục tiêu của Đề án năm 2014 về phát triển cây, con chủ lực. Vì thế, để phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghệ An cần xác định lại các sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Phải xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển gắn liền với tái cơ cấu ngành để từng bước nâng cao giá trị và đẩy nhanh tốc độ chất lượng tăng trưởng.
Việc lựa chọn những sản phẩm chủ lực không chỉ mang tính giá trị hàng hóa cao, có khả năng lan tỏa và thu hút ngành nghề khác thì phải có tính đặc trưng vùng miền rõ rệt. Từ đó huy động sự vào cuộc, hỗ trợ và tham gia của các cấp chính quyền, người dân và xã hội. Đơn cử như thương hiệu Cam Vinh. Khi chọn lựa đúng, chúng ta đã có những chiến lược phát triển, đầu tư cho sản phẩm này. Từ quy hoạch, xây dựng thương hiệu đến quảng bá. Đến nay, cam Vinh đã được thị trường tiêu dùng chọn lựa và tin tưởng. Diện tích và sản lượng cũng tăng lên qua các năm, từ năm 2014, diện tích cam toàn tỉnh có 3.057 ha, sản lượng quả tươi 24.150 tấn; năm 2019 diện tích đạt 5.525 ha, sản lượng đạt 53.752 tấn; ước năm 2020 này diện tích đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 61.420 tấn/mục tiêu đề án 34.000 tấn, vượt mục tiêu đề án.
Về phương hướng cho sản phẩm chủ lực Nghệ An, ý kiến nhiều chuyên gia đều thống nhất rằng, tỉnh cần tập trung rà soát quy hoạch quỹ đất lâu dài cho từng cây, con, từng sản phẩm chính, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và tổ chức thị trường trong, ngoài nước như đất đai, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nguyên liệu lâu dài, ổn định. Khi xác định sản phẩm không được dàn trải, phải gắn với nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ đi kèm. Từ đó, ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nên những thương hiệu sản phẩm chủ lực mạnh của tỉnh. Trong quá trình triển khai, khoa học kỹ thuật phải được xem là chìa khóa chính để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất.
.