Thứ Tư, 11/03/2020, 09:06 [GMT+7]

Xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội

(Congannghean.vn)-Huy động tối đa các nguồn lực để tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế đang là hướng đi, mục tiêu trọng tâm mà Nghệ An quyết tâm thực hiện trong thời gian tới. Những công trình giao thông được xây dựng, khởi công là bước đệm căn bản để tỉnh ta hiện thực hoá mục tiêu liên kết vùng, đưa Nghệ An lên vị thế mới.

Hạ tầng giao thông góp phần tạo động lực để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội
Hạ tầng giao thông góp phần tạo động lực để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội
Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ ra quân xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Niềm mong ước có một cây cầu nối liền đôi bờ sông Lam để xóa cảnh ngăn sông cách trở, đi lại dễ dàng và phát triển KT-XH đang dần trở thành hiện thực. 
 
Dự án cầu Cửa Hội có tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 450 tỉ đồng, ngân sách địa phương 500 tỉ đồng. Tổng chiều dài cầu và tuyến là hơn 5 km. Công trình được Bộ GTVT giao Ban QLDA 6 tổ chức thực hiện và quản lý dự án. Sau khi đưa vào khai thác, cầu Cửa Hội sẽ kết nối với QL8B, QL1 và giảm tải giao thông trên QL1. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và cải thiện hệ thống giao thông giữa 2 bờ sông Lam, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ, mở ra hướng đi mới trong phát triển KT-XH của Nghệ An. Cầu Cửa Hội hoàn thành càng có ý nghĩa hơn trong phát huy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh ta.
 
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1), các dự án tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh (ống lồng, sân đỗ, nhà ga T2…), cảng Cửa Lò (bến 6, 7, 8), cầu Cửa Hội qua Sông Lam, Dự án hồ chứa nước bản Mồng, Nhà máy sản xuất gạch Trung Đô. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm đạt 76.000 tỉ đồng, tăng 8,57%  so với năm 2018.
 
Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và bố trí vốn công trình chuyển tiếp, kiểm soát phát sinh nợ, trong đó dự kiến thanh toán nợ trong kế hoạch đầu tư tập trung đến năm 2020 phần ngân sách tỉnh thanh toán đạt 90,97%. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn tỉ lệ bình quân của cả nước. Đồng thời, Nghệ An cũng thực hiện tốt công tác quản lý giá xây dựng, tạo công cụ hữu hiệu cho việc lập và điều chỉnh mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu và điều chỉnh hợp đồng xây dựng. Ngay sau khi có nguồn vốn, mặt bằng, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn công trình.
 
Có thể thấy rõ, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Khi đường, cầu được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp giúp việc giao thương hàng hóa thuận lợi, người dân di chuyển dễ dàng; tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Ngoài các công trình trọng điểm được lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, các huyện, thành, thị đã chủ động phối hợp chặt chẽ các sở, ngành của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ công trình theo kế hoạch.
 
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện đường giao thông, cầu, cống trên địa bàn. Sau hơn 3 năm thực hiện đề án phát triển hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đã có 21 công trình, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 8.625 tỉ đồng. Hiện nay, ngành Giao thông đang tiếp tục thi công 9 dự án, trong đó có một số tuyến đường quan trọng như: Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò; đường Vinh đi Hưng Tây; cầu Bến Thủy 3 bắc qua sông Lam (cầu Cửa Hội)... Đồng thời, xây dựng các tuyến đường huyện, đường khu công nghiệp, khu kinh tế kết nối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh với các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp.
 
Theo kịch bản tăng trưởng lĩnh vực đầu tư của Nghệ An, năm 2020, tỉnh đang phấn đấu đạt tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn khoảng 85.000 tỉ đồng. Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020, Nghệ An cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Bởi trên thực tế, nguồn vốn để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh còn khó khăn. Nguồn vốn đối ứng để thực hiện một số dự án ODA, dự án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, bên cạnh công tác quản lý điều hành, xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý, chặt chẽ, địa phương cần chủ động huy động nhiều nguồn, từ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đến các doanh nghiệp.
 
Chính nguồn lực này đã góp phần rất lớn vào việc tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vốn đầu tư cho thành phố, tạo nên diện mạo tươi sáng trong bức tranh phát triển KT-XH. Đồng thời, ưu tiên vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, vốn cho các dự án khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, vốn đối ứng các dự án trọng điểm đầu tư của tỉnh và thành phố. Đôn đốc triển khai và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án của nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tập trung xử lý vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm…, đồng thời, huy động nguồn lực để lựa chọn đầu tư các hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tập trung theo hướng đầu tư phục vụ thu hút đầu tư.
.

TUỆ TRANG

.