(Congannghean.vn)-Cho rằng, có nhiều khuất tất trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), suốt 15 năm qua có 19 hộ dân tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã không nhận tiền đền bù dự án đường giao thông ven sông Lam. Sự việc đã được các cấp chính quyền vào cuộc, xử lý nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Ngày 22/3/2004, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường giao thông ven sông Lam, từ Cửa Hội đi thị trấn Nam Đàn. Dự án do Sở GTVT làm Chủ đầu tư, UBND các huyện có dự án chạy qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Tại huyện Nam Đàn, tháng 10/2004, trên cơ sở hồ sơ do huyện này lập, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt giá trị bồi thường GPMB cho 140 hộ dân thuộc xã Xuân Lâm bị ảnh hưởng bởi dự án, đoạn từ Km44-564 đến Km47-408. Ngoài ra, có 208 hộ dân khác của xã Xuân Lâm cũng được bồi thường khi xây dựng tuyến nhánh của dự án này. Sau khi hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, huyện Nam Đàn đã tiến hành việc chi trả tiền, tuy nhiên đến nay vẫn còn 19 hộ dân chưa đồng ý với các phương án bồi thường, từ đó đến nay đã có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Đường sinh thái ven sông Lam |
Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2008, người dân xã Xuân Lâm không gửi đơn thư mà chỉ phản ánh trực tiếp thông qua đối thoại với UBND huyện Nam Đàn. Năm 2009, xuất phát từ việc thực hiện Thông báo số 35 ngày 12/9/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc, trong đó có nội dung UBND tỉnh giao huyện Nam Đàn chỉ đạo “khẩn trương thực hiện việc thu hồi đất, sau đó mời các hộ nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nhận quyết định thu hồi đất…”.
Huyện Nam Đàn đã ban hành quyết định thu hồi đất nên các hộ dân đã khiếu nại, đòi bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Đối với 19 hộ dân không nhận tiền, huyện Nam Đàn đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 và UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 nhưng các hộ dân này không đồng tình. Mặc dù trước đó, huyện Nam Đàn cũng đã ban hành 6 kết luận các nội dung tố cáo, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra vào cuộc và đã có kết luận ngày 14/6/2013, song các hộ dân vẫn tiếp tục không đồng tình. Ngày 13/3/2019, những người này lại gửi đơn đến Bí thư Tỉnh ủy để khiếu nại. Ngày 21/8/2019, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư, UBND tỉnh tiếp tục giao Thanh tra tỉnh vào cuộc để rà soát, phân loại, tham mưu xử lý vụ việc dứt điểm.
Ông Nguyễn Cảnh Hòa trú tại xóm 14, xã Nghi Kim, TP Vinh cho biết: Quá trình thu hồi đất, Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Nam Đàn đã thực hiện không đúng quy định đối với thửa đất bố mẹ của ông Hòa là các ông bà Nguyễn Cảnh Bình và Nguyễn Thị Lâm đang sở hữu. Biên bản kiểm đếm không có chữ ký của chủ hộ dẫn đến kiểm đếm tài sản thiếu so với thực tế, quá trình kiểm đếm đã làm mất 5 đường gỗ ngâm dưới ao. Ngoài ra, bồi thường về đất nhưng huyện Nam Đàn lại không ban hành quyết định thu hồi đất. Tương tự, các ông Nguyễn Cảnh Phúc trú tại xóm 6 và ông Nguyễn Thu Thanh trú tại xóm 10, xã Xuân Lâm, khiếu nại về việc gia đình đã bị thu hồi gần hết diện tích đất ở nhưng không được giao đất tái định cư. Mong muốn của một số gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án là được bồi thường theo hình thức đất đổi đất.
Đặc biệt, trong số những người chưa nhận tiền có trường hợp của ông Phạm Văn Công, ông này khiếu nại về việc UBND huyện Nam Đàn ra quyết định cưỡng chế khi chưa có quyết định thu hồi đất, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt cảnh cáo với ông Công về việc ông này không chịu tháo dỡ, bàn giao mặt bằng ki-ốt trên diện tích 195,6 m2 cho đơn vị thi công là trái pháp luật. Về việc này, tại văn bản trả lời của Sở Tư pháp Nghệ An đối với ý kiến tham vấn xử lý từ huyện Nam Đàn, có đoạn: “Căn cứ hồ sơ do huyện Nam Đàn cấp, thì cả hai quyết định cưỡng chế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của huyện Nam Đàn đối với ông Công có một số nội dung trái pháp luật.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn ban hành các quyết định thu hồi và hủy bỏ các quyết định nói trên, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) cho công dân theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành các quyết định nói trên là vào tháng 3/2010, gia đình ông Hồ Văn Công đã không có ý kiến gì, đến năm 2013 ông này mới khiếu nại. Lúc này, thời hiệu khiếu nại (90 ngày) đã hết hiệu lực. Cùng thời điểm này, có 14 hộ dân khác cũng bị UBND huyện Nam Đàn ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất để phục vụ dự án.
Về vấn đề này, theo ông Tô Hiền Đệ, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An, nguyên nhân chính dẫn đến các hộ dân không đồng tình với các phương án bồi thường, GPMB là huyện Nam Đàn áp giá bồi thường đất năm 2004 - thời điểm phê duyệt phương án bồi thường - mà yêu cầu bồi thường giá đất tại thời điểm chi trả tiền vào năm 2009. Đây là khiếu nại sai bởi dự án đường giao thông ven sông Lam từ Cửa Hội đi thị trấn Nam Đàn đoạn qua xã Xuân Lâm được thực hiện tại thời điểm Nghị định 22/1998/CP.NĐ của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và Quyết định 35/2002/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành về quy định bồi thường và GPMB khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có hiệu lực thi hành. Trong đó, Nghị định 22 không quy định giá đất đền bù phải tính theo giá tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, đối với những trường hợp cần thiết phải sớm GPMB để triển khai dự án cho phép thành lập hội đồng đền bù thiệt hại và tổ chức thực hiện lập phương án bồi thường, GPMB trước khi có quyết định thu hồi đất.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Thanh tra tỉnh cho rằng đối với nhóm có nội dung khiếu nại, riêng với các hộ đã nhận tiền nhưng đến năm 2009 mới ban hành quyết định thu hồi đất vẫn không ảnh hưởng đến quyền lợi, mà chỉ sai sót về mặt thủ tục. Riêng với 19 hộ dân chưa nhận tiền, họ đã khiếu nại phương án bồi thường ngay từ khi mới thành lập và đến năm 2009 huyện Nam Đàn mới ban hành quyết định thu hồi đất thì cần xem xét quyền lợi. Tuy nhiên, việc này cũng có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Đối với nhóm có nội dung tố cáo, cần thành lập đoàn thanh tra để xem xét toàn diện.
.