(Congannghean.vn)-Thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, Nghệ An đã và đang ghi nhận nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, câu chuyện về nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thực sự tạo ra làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo. Sự đồng hành của chính quyền và chung tay của cộng đồng xã hội là động lực quan trọng để họ làm được điều đáng trân trọng đó.
Sự đồng hành của chính quyền và chung tay của cộng đồng góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của người nghèo (Trong ảnh: Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại huyện Nghĩa Đàn) |
Nghệ An có 111 xã và 191 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, vùng miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 và 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Đầu năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,54%, tỉ lệ hộ cận nghèo 8,72%. Ước đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4%.
Thực hiện chương trình giảm nghèo, trong năm 2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.666 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư theo mục tiêu chương trình giảm nghèo hơn 3.558 tỉ đồng; còn lại hơn 100 tỉ đồng là ngân sách địa phương và xã hội hóa (ngân sách địa phương 10 tỉ đồng, ngân sách xã hội hóa 98 tỉ đồng). Với nguồn vốn đó, tỉnh đã đầu tư vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi. Trong đó, tỉnh thực hiện cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi ước đạt hơn 2.624 tỉ đồng; mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo gần 184 tỉ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo hơn 43 tỉ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo hơn 31 tỉ đồng; hỗ trợ về giáo dục hơn 151 tỉ đồng; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo 13 tỉ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm gần 16,5 tỉ đồng... Ngoài ra, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn phục vụ các chương trình, dự án khác như: Chương trình 30a (294 tỉ đồng), Chương trình 135 (194 tỉ đồng), hỗ trợ vật nuôi và cây trồng tại các huyện nghèo và vùng bãi ngang…
Thực tế cho thấy, chương trình giảm nghèo đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo, một số nhu cầu thiết yếu như: Nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm... được đáp ứng; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhân dân được nâng cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng. Đặc biệt, câu chuyện về những lá đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo ở vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh… đã trở thành điểm sáng trong cả nước. Bởi “soi chiếu” điều kiện nghèo thì đa phần những hộ này đều nằm trong diện chuẩn nghèo. Trường hợp ông Phạm Viết Lĩnh ở thôn Cẩm Thắng, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn là một trong số đó. Ở tuổi xưa nay hiếm (gần 100 tuổi), lại sống một mình nhưng ông vẫn tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Giờ đây, chi phí trang trải trong tháng của ông chỉ gói gọn trong số tiền trợ cấp người cao tuổi chưa đến 300.000 đồng. Trong nhiều lá đơn xin thoát nghèo của những người già, tàn tật, động lực viết đơn là để “làm gương cho con cháu vươn lên trong cuộc sống”. Còn tại huyện Con Cuông, 3 năm trở lại đây, toàn huyện có hơn 380 người làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Đây cũng là địa phương tiên phong và tạo được sức lan tỏa lớn về xu hướng người nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, không dựa dẫm, trông chờ vào chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Riêng năm 2019, tính đến hết tháng 10 đã có gần 20 hộ viết đơn thoát nghèo, khởi xướng ở xã Thạch Ngàn rồi tới các xã Lạng Khê, Châu Khê và Lục Dạ. Từ Con Cuông, “cuộc cách mạng” bắt đầu lan tỏa sang các huyện Anh Sơn, Quỳ Châu. Thông điệp ẩn sau những lá đơn thoát nghèo không chỉ là ý thức tự giác, trách nhiệm giảm gánh nặng cho xã hội của người dân mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Tin tưởng rằng, với quan điểm của tỉnh là giảm nghèo bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích, với mục đích nâng cao đời sống người dân, cộng với tín hiệu đáng mừng trong công cuộc giảm nghèo từ những lá đơn “đặc biệt”, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người nghèo sẽ dần được xóa bỏ để bản thân họ nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
.